Sóc Trăng: Nhiều thách thức trong triển khai đề án “Dạy và học ngoại ngữ“

GD&TĐ - Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” vào cuối năm 2011. Trong quá trình triển khai, ngành giáo dục địa phương gặp không ít thách thức, đặc biệt là việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh dân tộc Khmer. 

Thiếu người học trở ngại lớn với việc áp dụng đề án ở Sóc Trăng
Thiếu người học trở ngại lớn với việc áp dụng đề án ở Sóc Trăng

Không đủ học sinh đạt chuẩn để mở lớp

Đã hơn 5 năm triển khai đề án trên toàn tỉnh Sóc Trăng, nhưng đến thời điểm năm học 2016 - 2017, ở một số huyện vẫn chưa thể thực hiện được hoặc tỉ lệ thành công chưa cao, phụ thuộc nhiều yếu tố, không dễ dàng áp dụng dự án lên tất cả những huyện thị trong tỉnh.

Trong những nguyên nhân khiến đề án triển khai không thuận lợi là tỉ lệ chuẩn đầu vào đủ điều kiện theo học ngoại ngữ của những học sinh còn khiêm tốn, thậm chí có địa phương học sinh đủ tiêu chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lãnh đạo các phòng giáo dục địa phương đã nhận định tình hình chỉ có thể triển khai cơ bản ở một số trường thị trấn, thị xã nhưng kết quả không như kỳ vọng.

Những địa phương có nhiều học sinh dân tộc Khmer như: huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên… còn gặp khó khăn vướng mắc khi áp dụng đề án. Trong khi đó, bộ môn ngôn ngữ Khmer, học sinh đạt tỉ lệ khá cao, còn bộ môn tiếng Anh thì chưa đạt như mong đợi.

Những địa phương đông học sinh dân tộc Khmer, các em đã có nền tảng tiếng nói do sống quây quần cộng đồng với nhau, đến trường các em chỉ hoàn thiện chữ viết, còn tiếng Anh là môn học khó, thậm chí nhiều em còn bỡ ngỡ, mặc dù đây là môn học bắt buộc vượt qua bậc THPT.

Học sinh người Khmer thuộc huyện Trần Đề khoảng 40% và thị xã Vĩnh Châu khoảng 50%, bao gồm dân tộc Khmer và Hoa, các em học tiếng mẹ đẻ khá tốt, song tiếng Anh rất chênh lệch, đó cũng là thiệt thòi lớn với các em trong việc tiếp xúc với ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trên thế giới.

Ông Lê Văn Vui - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Thị xã đăng kí 1 lớp gồm 35 em, nhưng đến nay số lượng học sinh tiêu chuẩn theo học không đáp ứng được, không đạt hiệu quả khi triển khai đề án, cũng là bất lợi của ngành giáo dục trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh nói chung và học sinh dân tộc Khmer nói riêng”.

Những năm học gần đây, ngành giáo dục thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức kì thi khảo sát đầu vào học sinh để theo học đề án ở cấp THCS. Kết quả số lượng đạt yêu cầu rất thấp, mặc dù một số trường trên địa bàn thị xã điều kiện vật chất có khả năng đáp ứng để mở 1 lớp học tiêu chuẩn đề án.

 

Tương tự, vừa qua ở huyện Trần Đề cũng tổ chức thi tuyển chọn cho 60 em nhưng chỉ có 3 em đạt yêu cầu, do vậy tỉ lệ người đủ điều kiện theo học đề án rất thấp so với kế hoạch đề ra, không đủ học sinh để mở lớp dạy nên các trường cũng không tuyển được lớp.

Đề án chưa thống nhất áp dụng trên toàn tỉnh, hơn 1 năm đề án đi vào thực tiễn, đến năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng chỉ triển khai thí điểm được 2 lớp tiếng Anh 6 và 1 lớp tiếng Anh 10, chủ yếu trên địa bàn thành phố. Điểm khác biệt về nhu cầu đào tạo theo mục tiêu đề án, quy mô người học, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, trong đó ảnh hưởng rất lớn từ phía người học nên đề án còn quá đỗi xa lạ với những trường vùng sâu, tính khả thi không cao.

Số học sinh đạt chuẩn đầu vào quá ít, một mặt phụ thuộc vào mục tiêu tuyển chọn học sinh đối với tỉnh Sóc Trăng, mức độ không cân xứng là bất cập, khiến đề án kém hiệu quả, thực tế trình độ tiếng Anh của học sinh với mục tiêu đào tạo của đề án chưa có sự gắn kết.

Ông Võ Minh Dẫn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Lí do đề án không có kết quả ở huyện, một phần cũng do trình độ tiếng Anh của học sinh tiểu học chưa cao, dẫn đến đa phần học sinh không đủ điều kiện theo học, người học ít ỏi nên các trường chưa được đầu tư cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn đề án. Ngoài ra, thiếu giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, những giáo viên hợp đồng gặp trở ngại trong kế hoạch tập huấn hướng dẫn dạy học theo chương trình của đề án”.

Kế hoạch đề án từ năm 2008 - 2020, còn thời gian 3 năm mới kết thúc, thế nhưng gần phân nửa thời gian đề án mới chỉ thí điểm ở một vài trường trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng, số người học vẫn còn ít, học sinh dân tộc Khmer gặp trở ngại với môn ngoại ngữ so với những học sinh ở tỉnh thành khác.

Trong khi những địa phương ở các tỉnh thành khác của vùng ĐBSCL như Cần Thơ, Cà Mau… đang tiếp tục phát huy tốt loại hình giáo dục này, có những triển vọng trong việc thực hiện ngoại ngữ hệ 10 năm cho học sinh, thì ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng vẫn loay hoay trong vấn đề tìm ra cơ hội từ người học để áp dụng đề án giáo dục ngoại ngữ phủ rộng khắp địa phương.

Nỗ lực gánh trách nhiệm giáo dục quốc gia

Đối mặt với tình hình rào cản về người học, dẫn đến đề án không có hiệu quả như mong đợi trong tỉnh Sóc Trăng, tiến độ thực hiện đề án còn “nhỏ giọt”, nhưng các giới chức ngành giáo dục vẫn kiên trì công việc tuyển chọn người học dự án không ngừng cho dù đã trên 5 năm triển khai.

Năm 2012, tỉnh Sóc Trăng có gần 300 giáo viên được bồi dưỡng trong nước các trình độ năng lực ngoại ngữ A1, A2, B1, B2, C1; trong đó có 15 giáo viên được ra nước ngoài bồi dưỡng. Năm 2013, toàn tỉnh có khoảng 700 giáo viên từ cấp tiểu học, cao đẳng, trung cấp được bồi dưỡng năng lực trong nước, trong đó có 18 giáo viên bồi dưỡng ở nước ngoài. Năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô một số trường THCS dạy tiếng Anh theo đề án.

Ngành giáo dục tỉnh luôn quan tâm công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, hướng người dạy đến chuẩn mực chương trình đề án. Ngành giáo dục cũng khuyến khích giáo viên có năng lực đáp ứng chuẩn khung năng lực ngoại ngữ theo quy định, tạo mọi điều kiện để giáo viên nâng cao tay nghề và linh hoạt trước những đề án giáo dục mang tầm quốc gia.

Theo ông Võ Minh Dẫn, toàn huyện Trần Đề chưa áp dụng đề án nhưng lãnh đạo ngành giáo dục qua mỗi năm đều tiếp tục triển khai thực hiện những kì thi tuyển chọn học sinh học đề án, đánh giá tổng kết tình hình nhận thức cần thiết ngoại ngữ của các em sau mỗi kì thi, cho dù thời gian qua không đủ số lượng mở lớp nhưng vẫn đều đặn khảo sát.

Tuy chưa áp dụng đề án vào thực tiễn nhưng huyện Trần Đề cũng đã cử giáo viên, cán bộ quản lí đến những trường tổ chức thí điểm dạy và học đề án để học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó có những hướng giáo dục đào tạo phù hợp với thực tế địa phương, cũng chính là khởi đầu tập sự cho những nhà quản lí đề án.

Công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn vùng đông học sinh dân tộc hết sức bám sát nhu cầu dạy và học. Các em người Khmer được học bộ môn Khmer ngữ, do đó việc dạy tiếng Anh đạt hiệu quả cũng được xem xét kỹ để đáp ứng mục tiêu chung của giáo dục, không tập trung duy nhất hay xem nhẹ ngôn ngữ nào, điều phối phù hợp số lượng tiết dạy và học giữa 2 nhóm ngôn ngữ.

Còn thời gian 3 năm kết thúc đề án, thế nhưng gần phân nửa thời gian đề án mới chỉ thí điểm ở một vài trường trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng.

Ông Võ Minh Dẫn cũng cho biết thêm, tăng tốc áp dụng dự án thì cần đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho giáo viên lẫn học sinh cấp thiết để dự án có những bước tiến triển tốt. Đẩy mạnh kĩ năng nghe, nói, đọc, viết bộ môn ngoại ngữ, các em sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc, nâng cao trình độ bước vào học đề án.

Học sinh đủ tiêu chuẩn tham gia đề án ở tỉnh Sóc Trăng đang trở thành nỗi lo lớn, giáo viên tiếng Anh được bồi dưỡng năng lực cũng không hoàn toàn 100%, thiếu giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, người dạy xuyên suốt thì hiếm, trước những rào cản đang là thách thức hội nhập đề án của ngành giáo dục tỉnh.

Không gặt hái kết quả tích cực từ đề án giáo dục ngoại ngữ quốc gia, một số địa phương tỉnh Sóc Trăng chưa mở được lớp đào tạo theo kế hoạch cũng dễ khiến việc thực hiện đề án có phần mờ nhạt hơn những đề án giáo dục khác. Việc triển khai thí điểm dạy và học đề án ngoại ngữ trên phạm vi nhỏ, động thái mở rộng quy mô phụ thuộc cả người học, người hướng dẫn và cơ sở vật chất tiêu chuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.