Nhà báo nữ chống bất công

GD&TĐ - Vào cuối thế kỷ 19, một phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực báo chí đã phá vỡ các rào cản về giới tính, vạch trần những bất công xã hội.

Tượng của Nellie Bly trên đảo Roosevelt và bệnh viện tâm thần nơi bà giả điên vào làm phóng sự điều tra.
Tượng của Nellie Bly trên đảo Roosevelt và bệnh viện tâm thần nơi bà giả điên vào làm phóng sự điều tra.

Tính tiên phong và tinh thần kiên định, không sợ hãi đã khiến cô trở thành một nhà báo huyền thoại trong thời đại của mình.

Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết

Với cây bút trong tay và khát khao mạo hiểm, Nellie Bly đã đi khắp thế giới, phanh phui nạn tham nhũng và lạm dụng, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ theo đuổi ước mơ của họ.

Nellie Bly (hay Elizabeth Jane Cochran theo tên ban đầu) sinh ngày 5 tháng 5 năm 1854 tại Pennsylvania, Mỹ. Cha cô là một người có tính tự lập, xuất thân thuộc tầng lớp thấp nhưng không ngừng phấn đấu đi lên, từ lao động phổ thông trở thành doanh nhân giàu có và đảm nhiệm vai trò một thẩm phán.

Bly là con thứ 13 trong số 15 người con trong gia đình và mồ côi cha khi mới 6 tuổi. Sau cái chết của người cha, gia đình cô từ giàu có nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo khó. Năm 1879, Bly rời nhà và đăng ký học tại Trường Sư phạm Indiana (nay là Đại học Indiana của Pennsylvania) nhưng phải bỏ học sau một năm vì khó khăn về tài chính.

Cuộc sống của cô gái trẻ thay đổi sau khi đọc được một bài báo trên tờ Pittsburgh Dispatch có tựa đề “Những cô gái phù hợp với điều gì?”. Theo quan niệm cổ điển, tác giả lập luận rằng, nữ giới chỉ nên làm nhiệm vụ sinh con và dọn dẹp nhà cửa.

Điều này khiến nhiều phụ nữ tức giận. Bly, dưới bút danh “Cô gái mồ côi đơn độc”, đã trả lời bài báo bằng một bức thư sôi nổi, ngay lập tức thu hút sự chú ý của người biên tập. Anh ta liên hệ với Bly và đặt cô viết tiếp các bài báo. Bly đồng ý, tập trung công việc ban đầu cho tờ báo về cuộc sống của những phụ nữ đi làm và viết bài điều tra về nữ công nhân ở các nhà máy.

Tuy nhiên, xã hội chưa sẵn sàng cho những gì Bly muốn nói. Tờ báo liên tục nhận được những lời phàn nàn gay gắt nên ban biên tập đã phân công lại, chuyển cô sang chuyên mục dành cho phụ nữ, với những chủ đề thời trang, xã hội và làm vườn.

Cảm thấy không phù hợp, Bly nhanh chóng bỏ việc. Ở tuổi 21, cô lên đường đến Mexico làm phóng viên nước ngoài nhưng sớm phải quay về Mỹ vì gặp rắc rối khi chỉ trích nhà độc tài Porfirio Diaz.

Giả điên viết phóng sự điều tra

Nellie Bly với những bài báo gây tiếng vang.

Nellie Bly với những bài báo gây tiếng vang.

Thất nghiệp và không một xu dính túi, sau nhiều lần bị từ chối thẳng thừng khi đi xin việc ở các tòa báo, cuối cùng, Bly cũng được tờ New York World của Joseph Pulitzer’s chấp nhận. Cô được giao nhiệm vụ thâm nhập và vạch trần những tiêu cực tại bệnh viện tâm thần dành cho phụ nữ ở đảo Blackwell (nay là đảo Roosevelt), thuộc thành phố New York.

Vào bệnh viện tâm thần khó hơn Bly tưởng. Đầu tiên cô đăng ký ở một khu nhà trọ có tên là “Nhà tạm dành cho nữ”. Để có đôi mắt mở to và phờ phạc của một người phụ nữ tâm thần bất ổn, cô phải thức trắng nhiều đêm liền. Sau đó, cô bắt đầu gây rối, buộc tội những người ở đây là điên rồ và báo cáo với người quản lý nhà trọ.

Mưu đồ “Tôi không điên, những người khác đều điên” của cô đã phát huy tác dụng. Những người cùng trọ sợ hãi đến mức phải gọi cảnh sát. Sau cùng cô bị đưa đến tòa án và qua kiểm tra bởi một hội đồng gồm cảnh sát địa phương, thẩm phán và bác sĩ. Họ nhất trí nhận định Bly có biểu hiện tâm thần và gửi cô đến đảo Blackwell.

Tại bệnh viện tâm thần, Bly đã phát hiện ra những trường hợp cực kỳ tàn ác và cẩu thả. Các bệnh nhân bị tát, bóp cổ và đánh đập, trong khi điều kiện sống rất tồi tệ. Cô cũng lưu ý có rất nhiều bệnh nhân không mắc tâm thần, nhưng bị gia đình tống vào đây vì nghèo đói hoặc vì các vấn đề xã hội khác.

Sau mười ngày, Bly được trả tự do theo yêu cầu của tờ báo. Cô đã viết và đăng lên báo những điều mắt thấy tai nghe của mình vào ngày 9/10/1887. Bài báo gây tiếng vang mạnh mẽ và sau đó cô đã phát triển nó thành cuốn sách, có tên “Mười ngày trong bệnh viện tâm thần”.

Phản ứng của công chúng với bài báo ngay lập tức khiến cơ quan Lập pháp bang New York đã phải phân bổ thêm 1 triệu USD cho Bộ Từ thiện và Cải huấn để cải thiện việc chăm sóc người bệnh tâm thần, đồng thời một cuộc điều tra về các điều kiện chữa trị và ăn ở tại bệnh viện đảo Blackwell được tiến hành.

Công việc của Bly đã mang lại sự quan tâm rất cần thiết đến hoàn cảnh của người bệnh tâm thần, giúp cải thiện việc điều trị và chăm sóc họ trên khắp nước Mỹ.

Vòng quanh thế giới 72 ngày

Năm sau, Bly tận dụng tiếng tăm của mình, thỉnh cầu ban biên tập viên được thực hiện một chủ đề lớn khác. Cô muốn đi du lịch vòng quanh thế giới và biến những gì ghi chép trong cuốn sách “Vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày” của Jules Verne thành hiện thực. Sau 1 năm chuẩn bị, lúc 9 giờ 40 phút ngày 14/11, hành trình kỳ thú của cô đã bắt đầu.

Bly rời Hoboken, New Jersey và đi qua Augusta Victoria đến Anh. Từ đó, cô sang Pháp (gặp Jules Verne trên đường đi), tiếp theo là Italy, trước khi đi dọc theo Kênh đào Suez, rồi đến Sri Lanka, Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản.

Về đến New York chỉ hơn 72 ngày sau khi rời Hoboken, cô không chỉ đi vòng quanh thế giới trong thời gian kỷ lục, mà còn hoàn thành gần như đơn độc.

Nellie Bly qua đời ngày 27/1/1922 nhưng di sản của bà vẫn tồn tại với những tác phẩm tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà báo và nhà văn trên khắp thế giới. Công việc của bà cho thấy, theo đuổi sự thật và công lý là một nỗ lực cao cả của bất cứ người cầm bút nào.

Theo Historicmysteries

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ