Bi kịch của nữ nhà báo 'biết quá nhiều'

GD&TĐ - Vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963 gây rúng động thế giới. Các cơ quan chức năng của Mỹ nhanh chóng vào cuộc, truy tìm thủ phạm.

Nhà báo Dorothy Kilgallen quyết định đi tìm sự thật về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Nhà báo Dorothy Kilgallen quyết định đi tìm sự thật về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.

Bên cạnh đó, giới báo chí cũng theo sát vụ việc với những điều tra riêng. Một nhà báo nữ được cho là “biết quá nhiều” về vụ án này đã kết thúc cuộc đời trong bi kịch.

Nhà báo kiên cường

Sinh ngày 3/7/1913 tại Chicago, bang Illinois, Mỹ, Dorothy Kilgallen có thiên hướng báo chí khi còn nhỏ. Cha cô là một “phóng viên ngôi sao” của tổ chức Hearst.

Sau khi trải qua hai học kỳ tại Đại học New Rochelle, cô bắt đầu sự nghiệp ngay trước sinh nhật 18 tuổi với tư cách là phóng viên cho tờ New York Evening Journal. Tuy nhiên, Kilgallen thực sự tạo dựng được tên tuổi vào năm 1936, khi tham gia cuộc đua vòng quanh thế giới với hai phóng viên khác.

Cô gái 23 tuổi được chú ý đặc biệt do là phụ nữ duy nhất trong cuộc đua. Những trải nghiệm này của cô về sau được in thành sách mang tên Girl Around the World (Cô gái vòng quanh thế giới), xuất bản năm 1936.

Sau cuộc đua, danh tiếng của Kilgallen không ngừng tăng lên. Cô được giao giữ chuyên mục “Tiếng nói của Broadway” trên tờ New York Journal-American, phụ trách một chương trình phát thanh có tên Bữa sáng với Dorothy và Dick, đồng thời trở thành một tham luận viên nổi tiếng trên chương trình truyền hình What’s My Line?

Mặc dù vậy, Kilgallen vẫn luôn xem mình là một nhà báo chuyên nghiệp. Cô thường xuyên viết về những câu chuyện thời sự nổi bật của quốc gia, nhưng không có gì khuấy động bản năng phóng viên trong cô mạnh mẽ hơn vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào ngày 22/11/1963.

Trong vòng 18 tháng, Kilgallen đã tìm hiểu tất cả những gì liên quan đến vụ ám sát Kennedy. Cô nhận thấy kết luận năm 1964 của Ủy ban Warren cho rằng Lee Harvey Oswald đã một mình giết tổng thống là “buồn cười” và chú ý đến Jack Ruby, kẻ sát hại Oswald hai ngày sau cái chết của Kennedy.

Trong phiên tòa xét xử Ruby năm 1965, Kilgallen đã đạt được điều mà không phóng viên nào khác có thể làm được - phỏng vấn kẻ bị cáo buộc giết Oswald.

Kilgallen đã viết trong chuyên mục của mình: “Đôi mắt của Jack Ruby có màu nâu và trắng sáng bóng như đôi mắt thủy tinh của một con búp bê. Anh ta đã cố gắng mỉm cười nhưng không thành công. Khi chúng tôi bắt tay nhau, tay anh ta run nhẹ trong tay tôi, giống như nhịp tim của một con chim”.

Kilgallen nhận thấy phiên tòa xét xử Ruby thật kỳ quặc. Hắn có vẻ sợ hãi nhưng vẫn tỉnh táo, và Kilgallen ngạc nhiên khi luật sư của hắn, Melvin Belli, không chiến đấu quyết liệt hơn để cứu sống thân chủ của mình. Cô bị sốc khi Ruby bị kết án tử hình.

Kilgallen rời phiên tòa với niềm tin có một âm mưu trong vụ ám sát Kennedy. Cô không chỉ công khai bày tỏ sự hoài nghi, mà còn tích cực điều tra cái chết của tổng thống bằng cách đi thu thập bằng chứng, thực hiện các cuộc phỏng vấn, kể cả tới Dallas cũng như New Orleans để lần theo dấu vết.

Mùa Thu năm 1965, Kilgallen cảm thấy sắp đạt được bước đột phá. Cô đã lên kế hoạch cho chuyến đi thứ hai tới New Orleans để tiếp cận một người ẩn danh cùng nguồn tin quan trọng. Nhưng vào ngày 8/11/1965, gần hai năm sau khi John F. Kennedy bị ám sát ở Dallas, Kilgallen được tìm thấy đã chết tại ngôi nhà của cô.

Thông tin về cái chết của Kilgallen tràn ngập trên báo chí.

Thông tin về cái chết của Kilgallen tràn ngập trên báo chí.

Cái chết bí ẩn

Cảnh sát lúc bấy giờ cho biết không tìm được điều gì khả nghi về cái chết của Kilgallen, loại trừ khả năng tự tử và bị giết. Một cuộc khám nghiệm được thực hiện sau đó đưa ra kết luận rằng Kilgallen chết do ngộ độc thuốc an thần và ethanol cấp trong tình huống chưa được xác định. Điều đáng lưu ý là Kilgallen không có dấu hiệu nghiện rượu hay sử dụng thuốc trước khi chết.

Một tuần sau, The New York Times đưa tin nhà báo nữ Dorothy Kilgallen đã chết sau khi uống quá liều rượu và thuốc an thần. Một cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy “không có dấu hiệu bạo lực hay tự sát”.

Tuy nhiên, hơn 50 năm sau, tác giả Mark Shaw đã bày tỏ sự nghi ngờ về cái chết của Kilgallen. Trong cuốn sách xuất bản năm 2016 của mình, The Reporter Who Knew Too Much (Người phóng viên biết quá nhiều), Shaw nêu giả thuyết Kilgallen đã bị sát hại nhằm ngăn chặn cuộc điều tra của cô ấy về vụ ám sát Kennedy.

Shaw tường trình, có hai loại thuốc an thần bổ sung đã được tìm thấy trong cơ thể của Kilgallen ngoài Seconal, mà Kilgallen được kê đơn. Ông ta cũng phát hiện có cặn bột trong chiếc cốc cạnh giường của cô, cho thấy ai đó đã làm vỡ các viên nang.

Trong đơn thỉnh cầu khai quật thi hài Kilgallen, Shaw giải thích rằng, người ta tìm thấy cô chết trên một chiếc giường mà cô không bao giờ ngủ, trong bộ quần áo ngủ mà cô không bao giờ mặc, bên cạnh một cuốn sách mà cô đã nói với mọi người đã đọc xong.

Lần cuối cùng cô được nhìn thấy với một “người đàn ông bí ẩn”, người mà Shaw xác định là Ron Pataky. Ông ta tin rằng Pataky và Kilgallen đã có cuộc tình ngoài luồng và Pataky sau đó đã viết những bài thơ đáng ngờ, ngụ ý anh ta đã giết người tình. Tuy nhiên, Pataky bác bỏ việc quan hệ ngoài luồng giữa họ, cũng như chuyện mình ở khách sạn Regency vào đêm trước khi Kilgallen chết.

Cuối cùng, Shaw nêu giả thuyết, do Dorothy Kilgallen điều tra ra có một nhóm người liên quan đến cái chết của Kennedy nên cô đã bị chúng sát hại để bịt đầu mối. Những tài liệu nghiên cứu tỉ mỉ của cô về vụ ám sát Kennedy đã bị thất lạc sau khi cô qua đời. “Tôi tin kẻ quyết định bịt miệng Dorothy đã lấy tài liệu đó và thiêu hủy”, Shaw nói với tờ New York Post.

Shaw cho biết, ông bắt đầu điều tra cái chết của Kilgallen trong khi nghiên cứu một cuốn sách viết về luật sư của Jack Ruby, Melvin Belli. Ông phát hiện, Belli đã nhận xét sau cái chết của Kilgallen: “Họ đã giết Dorothy. Bây giờ họ sẽ truy đuổi Ruby”.

Thực tế, Jack Ruby qua đời vào ngày 3/1/1967, ngay vào ngày phiên tòa phúc thẩm ở Texas bắt đầu xét kháng cáo về bản án tử hình của hắn. Nguyên nhân chính thức của cái chết được cho là có liên quan đến bệnh ung thư phổi của tử tù này.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.