Tin nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Lao Động bị 3 kẻ lạ mặt hành hung trên đường đi làm việc do cơ quan giao làm rúng động làng báo 2 ngày qua.
Khoảng 10 năm trở lại đây cái tên Đỗ Doàn Hoàng nổi lên trong làng báo như một hiện tượng. Anh xông xáo ở nhiều vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, các vùng đất nghèo, khó khăn, săn đuổi những phóng sự điều tra ở nhiều lĩnh vực. Có những phóng sự anh phải lội suối, trèo non cả tháng trời.
Phóng sự điều tra của Đỗ Doãn Hoàng “xông” vào nhiều lĩnh vực nóng hổi, nhậy cảm, cũng động chạm “ông nọ, bà kia”. Bấy nhiêu năm “theo dõi”, thấy anh vẫn khỏe mạnh, vui vẻ, vô tư làm báo, những tưởng yên hàn.
Làng báo tin vào “quyền lực” của mình. Thế nhưng niềm tin ấy, hôm qua, 24/3 đã bị lung lay. Đòn đau giáng vào Đỗ Doãn Hoàng không chỉ làm Đỗ Doãn Hoàng đau mà hàng nghìn nhà báo “đau” không kém, hàng triệu người Việt Nam vốn quý trọng người làm báo chân chính, mong muốn nhà báo “vạch mặt chỉ tên” nhiều vấn đề nhậy cảm trong xã hội “đau”.
Hơn lúc nào hết, sau vụ nhà báo Nguyễn Ngọc Quang ở Đài PT và TH Thái Nguyên bị hành hung thì vụ nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh dã man người ta mới cảm thấy nghề báo nguy hiểm đến dường nào.
Một điều hết sức bất ngờ, chắc chắn cả anh Đỗ Doãn Hoàng và nhiều nhà báo như chúng tôi không ngờ tới là kẻ lạ mặt tấn công anh ngay trên đường phố Thủ đô, bất chấp pháp luật và công lý, ngang nhiên thủ ác giữa ban ngày.
Đây là hành động cho thấy những kẻ tấn công Đỗ Doãn Hoàng bất chấp pháp luật, coi thường đạo lý và nhẫn tâm. Hành động này cũng một phần cho thấy sự phức tạp trong xã hội mà nhiều khi mỗi cá nhân (dù là nhà báo) không bao giờ lường hết.
Ngay sau khi tin dữ loan đi, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên tiếng chia sẻ nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang gánh chịu, đồng thời cũng có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra rõ vụ việc. Đây là việc làm rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên “nước xa không cứu được lửa gần”, có thể nhiều vụ việc cứ xảy ra rồi mới lên tiếng thì lại càng gây hoang mang cho người làm báo.
Nhân việc Luật Báo chí sửa đổi đang chuẩn bị trình quốc Hội, tôi thiết nghĩ nên nhấn mạnh, hoặc thêm các điều khoản đủ mạnh để răn đe các hành vi hành hung nhà báo.
Tin, bài của mình được đăng tải, phát sóng, phát hình, hàng triệu người đọc, nghe, xem, hiệu ứng xã hội có thể nặng, nhẹ, nông sâu tùy vào nội dung cũng như cách thể hiện của nhà báo nhưng tôi nghĩ đó là niềm vui của mỗi người làm báo.
Nhuận bút, giá trị, danh dự và cả vinh danh nữa “phần nhiều do bài báo mà nên”. Yêu nghề, say nghề, muốn cống hiến cho xã hội, và đôi khi cả bức xúc nữa nên nhiều nhà báo đã bất chấp nguy hiểm xông vào nơi “mũi tên hòn đạn” để có những phóng sự điều tra, bút ký, ghi chép… gây chấn động trong dư luận xã hội, đôi khi thay đổi cả cách nghĩ, nếp nghĩ, và điều luật.
Tuy nhiên, để có được được những thành công người làm báo không chỉ có nụ cười mà có cả nước mắt, và đôi khi đổi bằng máu.
Vụ việc hành hung nhà báo ban ngày, giữa Thủ đô chắc chắn là một điểm để các nhà báo nâng cao cảnh giác, xã hội chú trọng hơn việc bảo vệ các nhà báo và pháp luật sẽ mạnh tay hơn với những kẻ “khủng bố“.
Máu nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã đổ nhưng tôi tin rằng ở một đất nước thượng tôn pháp luật thì những kẻ hành hung một cách dã man nhất định sẽ phải đền tội. Nhà báo tác nghiệp chân chính nhất định sẽ được nhà nước và nhân dân bảo vệ./.