Toàn dân học tập
Tại hội nghị này, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định, Phát triển giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội, của Nhà nước và của mỗi cộng đồng, của từng gia đình và mỗi công dân. Kết hợp tốt giáo dục học đường với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; người lớn làm gương cho con trẻ noi theo.
Phát động phong trào rộng khắp toàn dân học tập, người người đi học, học ở trường, lớp và tự học suốt đời; người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít; mỗi người phải không ngừng tự nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ. Phát triển các hình thức giáo dục từ xa.
Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức giáo dục và các loại hình trường lớp phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới, với nhu cầu học tập của tuổi trẻ và của toàn xã hội.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh: Hiện nay là thời đại của những giá trị nhân văn tốt đẹp, của trí tuệ cao và của những “bàn tay vàng”, nguồn gốc trực tiếp tạo ra của cải vật chất và văn hoá, tinh thần có chất lượng cao.
Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi phải có con người rất mực trung thành, giàu lòng yêu nước, có trình độ kiến thức hiện đại và kỹ năng thành thạo, có khả năng làm ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Ai cũng có cơ hội hưởng được học tập
Theo nguyênTổng Bí thư Đỗ Mười, hơn lúc nào hết, xã hội đang rất quan tâm đến giáo dục, đòi hỏi có những giải pháp đủ mạnh để kiên quyết và nhanh chóng khắc phục những tiêu cực đang có chiều hướng gia tăng trong học đường. Đảng ta phải đáp ứng yêu cầu đó của nhân dân.
Trong quá trình vươn tới mục tiêu nhân bản của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng phải nêu cao quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, thực hiện công bằng xã hội để con em người nghèo và các đối tượng trong diện chính sách cũng có điều kiện đến trường, ai cũng có cơ hội hưởng được học tập thường xuyên, được đào tạo suốt đời.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhắc nhở: Trong lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã tỏ rõ khí phách anh hùng, phát huy cao nhất lòng yêu nước, trí thông minh và tinh thần dũng cảm, xây dựng nên truyền thống Nhân, Trí, Dũng của dân tộc ta.
Đây là phẩm chất toàn vẹn mà Bác Hồ thường xuyên chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Chính Người là bậc Đại nhân, Đại trí, Đại dũng, biểu tượng tập trung của truyền thống đó.
Nhân là lòng nhân ái, nghĩa tình, yêu nước, thương dân, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân, triệu ngưòi như một, là tình cảm thiết tha, mãnh liệt đối với Tổ quốc, đồng bào: "Trung với nước, hiếu với dân".
Trí là sự sáng suốt, minh mẫn trong nhận thức, sự hiểu biết về tự nhiên và xã hội, trí thông minh, tài năng sáng tạo- kế thừa và phát huy trí tuệ của dân tộc, tiêu biểu là tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa của loài người mà đỉnh cao là học thuyết Mác - Lênin để vận dụng một cách phù hợp vào điều kiện của đất nước.
Dũng là ý chí bất khuất, quật cường, tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc ta, là lòng dũng cảm đương đầu với mọi thách thức, vượt qua mọi trở ngại: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua...".
Chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ chính là nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống Nhân, Trí, Dũng nhân lên gấp bội sức mạnh của cả dân tộc trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xoá bỏ lạc hậu, nghèo nàn, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, biến lý tưởng mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội thành hiện thực.
Bài viết được biên tập, lược dẫn từ bài phát biểu “Phát triển GD-ĐT, khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn dân” của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, ngày 16/12/1996.