Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và những tư tưởng đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Sinh thời, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ông đã có nhiều bài viết, bài phát biểu và nói chuyện về giáo dục và đó là những định hướng mục tiêu cho sự đổi mới và phát triển của ngành giáo dục nước nhà. 

Tổng Bí thư Đỗ Mười với thiếu nhi trường PTTH An Thạch, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (28/9/1996). Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN
Tổng Bí thư Đỗ Mười với thiếu nhi trường PTTH An Thạch, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (28/9/1996). Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN

Tại buổi gặp mặt các Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú nhân Ngày giáo Việt Nam (20/11/1988), cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có bài phát biểu: "Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú đứng ở tuyến đầu trong sự nghiệp đổi mới nền giáo dục". Báo Giáo dục & Thời đại trân trọng lược dẫn lại bài phát biểu này.

Phải nhận thức lại mục tiêu giáo dục

Coi giáo dục như một phúc lợi xã hội thuần túy và coi giáo dục như một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy và phát triển kinh tế là ranh giới của dòng tư duy kinh tế bảo thủ cũ với dòng tư duy kinh tế đã đổi mới, sinh động, chứa đựng những yếu tố tiến bộ. Theo dòng tư duy thứ hai, chúng ta phải nhận thức lại mục tiêu giáo dục.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười

Trong bài phát biểu này, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: Nhân dân ta, Đảng ta và Nhà nước đánh giá cao những cống hiến xuất sắc của các đồng chí cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền giáo dục cách mạng trong hơn 4 thập kỷ qua.

Đại diện cho nhiều lớp nhà giáo thuộc nhiều cấp học, bậc học, ngành học khác nhau, các đồng chí đã luôn luôn trau dồi tài năng sư phạm, nêu cao phẩm chất đạo đức của ngưòi thầy giáo xã hội chủ nghĩa, tận tuỵ đào tạo nhiều thế hệ trẻ thành những ngưòi lao động tốt cho các lĩnh vực hoạt động sản xuất, những nhà khoa học sáng tạo, những nghệ sĩ tài năng, những cán bộ quản lý năng động, những chiến sĩ dũng cảm...

Trong mọi thành tích của họ đều có phần đóng góp của các nhà giáo Việt Nam mà các đồng chí là bộ phận tiên tiến.

Khi tuyên bố chuyển nền kinh tế hiện vật theo cơ chế bao cấp, sang nền kinh tế hàng hoá xã hội chủ nghĩa, theo cơ chế hạch toán kinh doanh, chúng ta nhận thức đầy đủ rằng, nội dung cũng như phương pháp và công nghệ giáo dục cũ không đáp ứng được những yêu cầu đào tạo mới.

Bắt đầu từ những năm cuối của thập kỷ 80 trở đi, các ngành giáo dục, trước hết là giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, sẽ đào tạo con người cho những năm 2000 là chủ yếu.

Những con người thụ động, thiếu sáng kiến, thiếu tri thức về kỹ thuật, về công nghệ và về quản lý... sẽ xa lạ với cách làm ăn kinh tế trong tương lai, sẽ bất cập trong việc nắm bắt và ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật đầu thế kỷ sau.

Đơn đặt hàng kinh tế - xã hội đối với giáo dục lúc này là hình thành từ thế trẻ những con người hết sức năng động và sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, có ý chí đưa đất nước đi lên, có đầy đủ nghị lực vượt khó và không chấp nhận tình trạng phải sống nghèo khổ, lạc hậu giữa thế giới hiện đại. Đó là những nét cơ bản trong mô hình nhân cách do nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thiết kế và nhà trường, trước hết là đội ngũ thầy giáo sẽ theo đó mà thi công.

 

Giáo dục phải mềm dẻo, linh hoạt

Việc giảng dạy, giáo dục trong bất cứ loại hình trường, lớp nào cũng phải tuyệt đối tránh những phương pháp có tính chất gò bó, áp đặt, dập khuôn mà nhà trường cổ truyền đã từng sử dụng.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười

Tuy nhiên, ở từng cấp học, bậc học, ngành học mục tiêu giáo dục (mô hình nhân cách cần đào tạo) lại có những đặc trưng của nó. Giáo dục mầm non phải quan tâm đến việc nuôi dạy trẻ theo khoa học, coi phát triển thể lực cho trẻ nhỏ như một mục tiêu, đặc biệt là từ lứa tuổi này đã phải hết sức chú ý giáo dục lòng nhân ái.

Giáo dục phổ thông không chỉ nhằm xác lập nền tảng văn hoá chung cho xã hội mà còn phải chuyển mạnh mẽ theo hướng chuẩn bị tốt cho học sinh sẵn sàng đi vào sản xuất và đời sống xã hội sau khi tốt nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp phải tạo nên một đội ngũ công nhân lành nghề, đồng thời phải phấn đấu phổ cập nghề cho nhân dân lao động, nhất là thanh niên để phục vụ mục tiêu phát triển nền kinh tế hàng hoá.

Giáo dục đại học một mặt nâng cao năng lực trí tuệ cho toàn xã hội, mặt khác phải hình thành được một đội ngũ cán bộ có trình độ cao về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và quản lý kinh tế, đặc biệt là những cán bộ đầu ngành nhân ra một dự trữ chiến lược.

Để thực hiện được mục tiêu giáo dục trên đây, cần phải nhanh chóng hiện đại hoá nội dung giáo dục trong mọi loại hình trường, trong từng cấp học, bậc học và ngành học.

Chúng ta cần phải khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu về khối lượng kiến thức đã được đưa vào kế hoạch dạy học cũng như tình trạng quá tải so với khả năng tiếp thu của học sinh về một số tri thức này, bất cập so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội về một số kiến thức khác.

Cùng với việc hiện đại hoá nội dung giáo dục, chúng ta phải thay đổi phương pháp đào tạo theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh với tư cách là chủ thể của hoạt động học tập, cá biệt hoá quá trình dạy học nhằm làm cho bản sắc riêng của mỗi trẻ em được thể hiện và được phát triển mạnh mẽ, dân chủ hoá triệt để quá trình hình thành nhân cách của mỗi học sinh.

Việc chuyển hướng mục tiêu giáo dục và thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo đã đặt ra yêu cầu kiện toàn hệ thông giáo dục. Để giáo dục thuộc về số đông dân cư, phục vụ cho yêu cầu phát triển của cả 5 thành phần kinh tế đã được thừa nhận, gắn giáo dục vối nhiệm vụ phát triển tư duy cho mỗi người dân trên lĩnh vực sản xuất của họ, hệ thống giáo dục phải có cơ cấu mềm dẻo, linh hoạt, đa dạng về loại hình trường lớp và các hình thức đào tạo, đáp ứng được sự phân hoá mục tiêu sử dụng ở từng ngành học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ