GS.VS Phạm Minh Hạc: Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất quan tâm đến giáo dục

GD&TĐ - Là người có điều kiện được làm việc trực tiếp với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm, những bài nói chuyện hay ý kiến chỉ đạo của cố Tổng Bí thư về GD-ĐT. GS.VS Phạm Minh Hạc cho biết: “Cụ Mười” là người rất quan tâm đến giáo dục và không có bóng dáng của bệnh quan liêu, bảo thủ hoặc chủ quan khi làm việc.

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (bên phải) trong một lần gặp gỡ và làm việc với GS.VS Phạm Minh Hạc (bên trái)
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (bên phải) trong một lần gặp gỡ và làm việc với GS.VS Phạm Minh Hạc (bên trái)

GS.VS Phạm Minh Hạc nhớ lại: “Đồng chí Đỗ Mười lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) năm 1988. Lúc đó tôi là đại biểu Quốc hội và là ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Nhiều lần Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm việc với tôi, nhưng ấn tượng nhất của tôi là ông rất quan tâm đến phát triển giáo dục. Ông thường đưa một hình tượng là một bàn tay cả năm ngón phải xòe ra. Tức là giáo dục phải luôn luôn phát triển, chứ đừng có gì kìm hãm. Rất nhiều lần ông lấy hình tượng đó trước mặt tôi và ông dùng hình tượng đó để nói về chủ trương của Đảng ta về phát triển giáo dục - đào tạo”.

Nói chuyện ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và một số nơi khác, đồng chí Đỗ Mười luôn quan tâm đến giáo dục. Bài học rất lớn của thế giới và của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đồng chí đã lĩnh hội được đó là phong trào Bình dân học vụ. Khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư, ông đã phát triển và đã động viên lực lượng trong ngành Giáo dục cũng như toàn dân phải phát triển giáo dục tốt.

 
GS.VS Phạm Minh Hạc

Theo lời kể của GS.VS Phạm Minh Hạc, trong những năm tháng đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười có 2 lần gọi ông để chuẩn bị cho Chủ tịch nói chuyện với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một lần với đông đảo người nghe tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tinh thần chung của các bài nói chuyện đó là, nước ta muốn tiến lên thì phải làm giáo dục tốt, mà muốn làm giáo dục tốt thì sư phạm phải phát triển tốt. “Tôi nghĩ lời căn dặn đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa lớn” - GS.VS Phạm Minh Hạc bộc bạch.

Cũng theo GS.VS Phạm Minh Hạc, trước đó khi vào Trường Đại học Sư phạm, anh em còn kể lại là hồi đồng chí Đỗ Mười còn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã rất quan tâm đến đại học sư phạm. Thời đó một loạt các ký túc xá của nhà trường được xây dựng cũng chính là do quyết định của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Vì thế, anh em vẫn rất ghi nhớ sự quan tâm đó của ông.

Nhiều chủ trương lớn về giáo dục

Nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, GS.VS Phạm Minh Hạc kể lại: “Khi đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Tôi về công tác ở Ban Khoa giáo Trung ương. Tôi được Bộ Chính trị giao cho dự thảo Nghị quyết Trung ương 2, khóa 8. Lúc đó đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư. Tại hội nghị đầu tiên của khóa 8 đã bàn về giáo dục và khoa học. Thời đó cả Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai người rất quan tâm đến giáo dục và khoa học. Chúng tôi trực tiếp làm dự thảo Nghị quyết, được Bộ Chính trị thảo luận và xem xét hai lần.

Còn bài phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị Trung ương 2 khóa 8 do anh Hà Nghiệp là thư ký riêng của Tổng Bí thư soạn thảo, chúng tôi tham gia góp ý kiến để khớp với bài phát biểu của ông khi khai mạc hội nghị và khớp với nội dung của Nghị quyết. Bài phát biểu cũng đã được Bộ Chính trị xem xét và thông qua để trình ra Ban chấp hành Trung ương.

Sự kiện đó nói lên sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Đỗ Mười đối với GD-ĐT. Sự quan tâm đó không chỉ là trong nhận thức mà đã chuyển thành chủ trương, đường lối của Đảng là: Đất nước muốn đi lên thì phải làm giáo dục. Giáo dục phải là quốc sách hàng đầu”.

GS.VS Phạm Minh Hạc cho biết: Thời đồng chí Đỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư, ông đặc biệt quan tâm đến xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Thập kỷ từ năm 1990 - 2000, chúng ta hoàn thành việc xóa nạn mù chữ. Giai đoạn đó là học sinh đến tuổi được đến trường. “Thời đó cố Tổng Bí thư Đỗ Mười hết sức quan tâm đến giáo dục và chỉ đạo tôi thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục ở bậc tiểu học, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và xóa mù chữ” - GS.VS Phạm Minh Hạc nhớ lại.

Điều mà GS.VS Phạm Minh Hạc nhớ nhất đó là, khi làm việc với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, GS luôn nhận được những tình cảm chân thành, ấm áp từ cố Tổng Bí thư. Ở ông luôn có một thái độ ân cần, chỉ bảo tận tình, một lòng một dạ vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, trong đó có phát triển giáo dục và đào tạo.

“Đồng chí Đỗ Mười làm việc không có bóng dáng của quan liêu, là một người rất gần gũi, thân tình và sâu sắc. Khi cấp dưới có ý kiến gì thì đều được phát biểu hết và khi có chỉ thị gì thì đồng chí cũng nói rõ để anh em thực hiện. Nói chung, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là người lắng nghe cán bộ cấp dưới, những điều gì phải, những điều gì phù hợp với thực tế của Việt Nam thì được chấp nhận và trở thành kết luận chung, chứ không có bóng dáng của bệnh quan liêu, bảo thủ hay chủ quan. Đấy là điều mà chúng tôi nhận thấy ở một người lãnh đạo - một người rất chú ý tới thực tế của đất nước, cũng như hiệu quả của công tác, chứ không có tình trạng áp đặt” - GS.VS Phạm Minh Hạc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ