Bài thơ “Nguyên tiêu” cũng chính là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình - lý luận văn học trong và ngoài nước đi tìm cái đẹp của thi pháp thi ca cách mạng Việt Nam.
Bài “Nguyên tiêu” được Hồ Chí Minh viết vào Rằm tháng Giêng, năm Mậu Tý (1948), tức là thời điểm quân và dân ta vừa giành chiến thắng Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947.
Toàn bộ bài thơ có 4 câu, 28 chữ theo thể thất ngôn tứ tuyệt:
Nguyên tiêu
Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Dịch thơ:
Rằm tháng Giêng
Rằm Xuân lồng lộng trăng soi
Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân
đầy thuyền.
(Xuân Thủy dịch)
Nhìn từ nguyên gốc thất ngôn tứ tuyệt của tác giả hay nhìn qua bản dịch lục bát của Xuân Thủy, “Nguyên tiêu” vẫn là một kiệt tác văn chương. Theo tôi, bài thơ đạt được 4 chữ “T” và 4 chữ “Sĩ” một cách mỹ mãn.
Chữ “T” thứ nhất là chữ “Tình”. Tình yêu thiên nhiên, yêu Việt Bắc, yêu đêm trăng Việt Bắc, yêu cuộc sống chiến đấu, yêu quê hương đất nước, yêu đời, yêu cách mạng chan chứa, bừng sáng từng chữ và dạt dào say đắm từng con chữ.
Ngôn từ là sự thốt ra, bật ra, tuôn chảy liền mạch bởi không nén được xúc cảm mãnh liệt. Chính cái tình ấy làm men say, làm nhựa dính, làm nam châm hút hồn người đọc nhập thần nhập hồn vào bài thơ lúc nào không biết.
Chữ “T” thứ hai là chữ “Tâm”. Toàn bộ bài thơ toát lên một tâm hồn vời vợi thanh cao, trong sáng, thanh thản, lồng lộng, ung dung tự tại. Tâm hồn ấy ánh lên tâm trạng thoải mái, tâm thế vững vàng trước mọi biến chuyển của thiên nhiên, thời cuộc, thời vận.
Đặt bài thơ vào thời điểm sáng tác sau Thu Đông năm 1947, bọn giặc điên cuồng muốn bóp chết đầu não kháng chiến, muốn tiêu diệt toàn bộ quân chủ lực của ta ở Việt Bắc với sức mạnh vũ khí khủng khiếp, mới thấy hết sự cao đẹp của tâm hồn Hồ Chí Minh cũng như cảm nhận hết được chữ “Tâm” trong bài thơ.
Chữ “T” thứ ba là chữ “Tài”. Giữa rừng Việt Bắc muôn vàn cảnh sắc, âm thanh; muôn vàn phản chiếu, đa chiều, đa góc cạnh, chỉ có thiên tài mách bảo mới tinh nhạy để chớp bắt, nắm giữ, thu nhận, tinh lọc được cái huyền diệu, linh ẩn thiêng liêng bất diệt của trời đất để tạo nên cái bất hủ của thi ca. Trăng rằm chiếu rọi là bình thường, là ngẫu nhiên.
Ảnh: Bình Thanh |
Người làm thơ chộp được, thấu cảm được, linh cảm được sự vật ứng vào vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc, cảm quan cách mạng, biến cái tự nhiên thành cái tất nhiên, tất yếu, gợi cái tất yếu. Hình ảnh trăng rằm lồng lộng tạo nên sông xuân, nước xuân, trời xuân là viễn ảnh tươi sáng của cách mạng Việt Nam. Đó là thiên tài.
Chữ “T” thứ tư là chữ “Tầm”. Đó là sự vượt lên cảnh vật, vượt lên cảm giác, vượt lên ngẫu hứng, vượt lên trực cảm bình thường, tầm thường, khái quát được không chỉ cái tinh túy của vạn vật mà còn vượt qua cái dễ dãi, đơn điệu của một ngòi bút thi nhân.
Ở đây, nhà thơ vừa đẫm vào thiên nhiên, hiện thực cách mạng vừa vượt ra ngoài thiên nhiên, vượt lên trên hiện thực cách mạng, vừa nắm bắt, vừa khái quát, vừa bị chi phối nhưng cũng vừa chi phối lại thiên nhiên vạn vật.
Chiều cao, chiều sâu, chiều rộng của thiên nhiên, của con người, của Cách Mạng gần gũi thân thương thế nhưng kỳ ảo, vĩ đại thế. Phải có TẦM nhìn, tầm khái quát, tầm chiến lược mới tạo nên sự độc đáo của thi ảnh.
Còn 4 chữ “Sĩ”, chữ thứ nhất là: “Thi sĩ”. Ai đọc “Nguyên tiêu” cũng phải thốt lên thơ mộng quá! Huyền ảo quá! Đẹp quá! Không có một chất thi sĩ đầy rung động lãng mạn thì dù thiên nhiên có kỳ diệu đến đâu cũng không thể sáng tạo được bài thơ hình ảnh nào cũng mê hoặc lòng người đến thế.
Chữ “Sĩ thứ hai là “Nhạc sĩ”. Đọc bài thơ bảy tiếng bốn câu mà tự nhiên lòng ta cứ ngân nga. Vì sao? Vì hồn thơ đẫm chất nhạc. Bài dịch của Xuân Thủy hay thật. Một số tính từ “lồng lộng”, “bát ngát” mang lại cảm xúc nhất định cho người đọc nhưng nếu xét về tính nhạc, nguyên gốc bài thơ của Hồ Chí Minh bằng chữ Hán giàu nhạc điệu hơn.
Nó âm vang hơn. Sâu hơn. Rất hay là từng tiếng, từng hình ảnh trong câu cứ ngân nga, cứ reo lên “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”… từ trong hơi thở, trong trái tim chứ không bị kích thích bởi các tính từ mang tính hoa mỹ. Phải là nhạc sĩ, sành âm nhạc mới tinh tế thế.
Chữ “Sĩ” thứ ba là “Họa sĩ”. Ánh sáng, màu sắc, âm thanh, đường nét, hình khối của trăng rừng, suối, sóng, thuyền, con người, không gian, thời gian…tất cả đều hiển hiện trước mắt. Siêu thực và hiện thực. Rất rõ. Rất gợi. Những nét chấm phá tinh xảo.
Chữ “Sĩ” thứ tư là “Chiến sĩ”: “Giữa dòng bàn bạc bạc việc quân”. “Trăng ngân đầy thuyền”. Viên mãn. Đĩnh đạc. Đàng hoàng. Bình tĩnh. Tự tin. Làm chủ không gian. Làm chủ thời gian. Đó là tâm thế của người chiến sĩ, người cầm lái vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Bốn tố chất ấy lồng quyện nhau tinh tế, hài hòa, hội tụ hoàn mỹ trong “Nguyên tiêu”. Tâm hồn lớn của thi nhân, tâm thế lớn của chiến sĩ cách mạng, lãnh tụ cách mạng, vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, vẻ đẹp lớn lao của tư tưởng thời đại không tách bạch nhau, không khoảng cách, không giới hạn.
Bài thơ “Nguyên tiêu” đi vào lòng người, hồn người, trường tồn cùng năm tháng, tạo nên kiệt tác văn chương cách mạng là thế. Và có thể khẳng định, bài thơ thật sự là một chuẩn mực mỹ học của thi ca cách mạng Việt Nam.