Phân tích tinh dịch dưới kính hiển vi
Trong sách “Covid-19 và Bệnh tim mạch”, PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh và các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết, các kết quả nghiên cứu ngắn hạn cho thấy, nhiễm Covid-19 làm giảm chất lượng tinh trùng ở nam và khả năng sinh sản của tế bào trứng ở nữ (Omolaoye và cộng sự 2020).
Song song đó, những căng thẳng vì dịch bệnh, giãn cách, công việc trì hoãn và việc sử dụng các thuốc điều trị khi nhiễm Covid-19 cũng có những ảnh hưởng nhất định lên chất lượng tinh trùng.
Trong khi đó, theo các bác sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, virus SARS-CoV-2 gây tổn hại lớn tới sức khỏe chung của con người. Một trong số đó là làm giảm khả năng sinh sản của nam giới.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus tấn công vào phổi gây tổn thương xơ hóa phổi. Đồng thời, tấn công vào nhiều hệ cơ quan khác trong cơ thể (hệ tim mạch, hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu - sinh dục…). Từ đó, gây ra những tổn thương nhất định tại các cơ quan này.
“Virus SARS-CoV-2 tấn công trực tiếp tới tinh hoàn hoặc gián tiếp qua cơ chế kích hoạt phản ứng viêm chống lại tinh hoàn, gây nên suy giảm chức năng sản xuất nội tiết tố testosterone và chức năng sản xuất tinh trùng. Từ đó, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng”, các bác sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính giải thích.
Các bác sĩ dẫn chứng, nghiên cứu của Gacci và cộng sự trên mẫu tinh dịch của 43 bệnh nhân nam sau mắc Covid-19 nhận thấy, 18,6% bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch. Trong khi đó, 7% bệnh nhân thiểu tinh và 26,5% bệnh nhân có thiểu tinh và dị dạng tinh trùng.
Ở một nghiên cứu khác, Pazir và cộng sự đã theo dõi 24 người đàn ông sau mắc Covid-19. Kết quả cho thấy, tổng số tinh trùng di động trong các mẫu tinh dịch sau mắc bệnh giảm đáng kể so với trước Covid-19. Ngoài ra, nồng độ tinh trùng và tổng khả năng di chuyển giảm đáng kể sau khi nhiễm SARS-CoV-2, ngay cả ở những người có triệu chứng nhẹ.
Các bác sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính cho biết, để biết khả năng sinh sản của người bệnh, cần lấy mẫu tinh dịch của nam giới sau khi xuất. Sau đó, phân tích dưới kính hiển vi. Do đó, nếu lo lắng về sức khỏe tinh dịch hậu Covid-19, người dân được khuyến cáo đi khám để được hỗ trợ.
Phục hồi sau khoảng 3 tháng
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Nhất, chuyên khoa Hỗ trợ sinh sản - Học viện Quân y, hậu Covid-19, khoảng 1/4 nam giới khỏi bệnh có tình trạng giảm về nồng độ và khả năng di động của tinh trùng. Thời gian tính từ khi khỏi bệnh càng ngắn (dưới 1 tháng), ảnh hưởng càng rõ rệt. Mức độ suy giảm liên quan chặt chẽ với mức độ nặng khi nhiễm Covid-19.
Chuyên gia này lý giải, nguyên nhân của tình trạng này là do virus. Hoặc, có thể liên quan đến thuốc kháng sinh cũng như các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
“Thời gian phục hồi ước tính là 3 tháng. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiếp theo đang được tiến hành để xác nhận điều này. Đồng thời, xác định xem có tổn thương vĩnh viễn xảy ra ở một số ít nam giới hay không”, bác sĩ Nhất chia sẻ.
Bác sĩ Nhất cho biết, kết quả từ các nghiên cứu cho thấy, tình trạng giảm số lượng tinh trùng dưới 1 tháng thường gặp ở 37% nam giới được xét nghiệm. Từ 1 - 2 tháng, tình trạng này được ghi nhận ở 29% nam giới. Trong khi đó, có 6% nam giới rơi vào tình trạng giảm số lượng tinh trùng trên 2 tháng sau mắc Covid-19.
Chuyên gia này lý giải, khả năng di động của tinh trùng là vô cùng quan trọng để “bơi” đến tìm trứng. Các kết quả cho thấy, tình trạng giảm khả năng di động của tinh trùng kéo dài dưới 1 tháng ở 60% nam giới được xét nghiệm sau mắc Covid-19. Tình trạng này xuất hiện từ 1 - 2 tháng ở 37% nam giới. Có 28% nam giới bị giảm khả năng di động của tinh trùng trên 2 tháng sau mắc Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Nhất khuyến cáo, để tránh tình trạng này, người bệnh không nên lạm dụng thuốc kháng sinh, kháng virus, chloroquine, corticosteroid và thuốc điều hòa miễn dịch. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý, sốt cao khi mắc Covid-19 không phải là căn cứ để dự đoán mức độ ảnh hưởng tới tinh trùng.
Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 trong độ tuổi sinh sản được khuyến cáo theo dõi cẩn thận về chức năng sinh sản và các thông số tinh dịch. Những cặp vợ chồng mong muốn có con nên được tư vấn về kế hoạch mang thai.