Nguyên nhân Mỹ sẽ không chuyển MQ-9 cho Kiev

GD&TĐ - Washington sẽ không cung cấp cho Kiev UAV đa năng MQ-9, theo Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Mỹ.

UAV đa năng MQ-9.
UAV đa năng MQ-9.

Thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Mỹ, Tướng Mark Milley, đưa ra ngày 28/3.

Trong các phiên điều trần tại Ủy ban Lực lượng Vũ trang của Thượng viện Quốc hội Mỹ, một trong các thượng nghị sĩ đã hỏi liệu Washington có ý định chuyển giao UAV MQ-9 cho Kiev hay không.

Câu hỏi về kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm loại bỏ 48 mẫu UAV đã lỗi thời này cũng được nêu ra.

Ông Austin trả lời rằng việc chuyển giao trên không có ý nghĩa gì, vì những UAV này sẽ không đối phó được với hệ thống phòng không của Nga.

Trong khi đó Tướng Millie cũng nhất trí với Bộ trưởng Quốc phòng rằng MQ-9 không có khả năng sống sót và các hệ thống phòng không Nga sẽ bắn hạ nó.

Ông nói thêm rằng thiết bị này không có thêm bất kỳ khả năng trinh sát nào so với "các UAV nhỏ hơn, nhanh hơn và cơ động hơn" mà Mỹ và một số quốc gia khác chuyển giao cho Ukraine.

"Đó là một hệ thống tốt cho một ứng dụng nhất định và trong một môi trường nhất định. Nhưng trong tình hình hiện tại ở Ukraine, nó có thể không phải là hệ thống tốt nhất" - ông Milley nói.

Cùng ngày, Bộ trưởng Austin nói rằng giới lãnh đạo Mỹ tin Ukraine sẽ chỉ cần máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 trong tương lai và bây giờ họ cần các hệ thống phòng không.

Trước đó ngày 27/3, trong một cuộc phỏng vấn với Izvestia, Đại tá Nga đã nghỉ hưu Viktor Litovkin cho biết, nhiều nước phương Tây có đủ máy bay chiến đấu để cung cấp cho Ukraine.

Tuy nhiên, bản thân nước này lại thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho máy bay, vì hầu hết các sân bay ở đây đều không hoạt động nên việc cung cấp máy bay là vô nghĩa.

Ngày 17/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi đồng minh của Mỹ không nên dừng lại ở ý tưởng chuyển bất kỳ loại vũ khí cụ thể nào cho Kiev. Ông nói rằng phương Tây cần độc lập quyết định loại vũ khí và thiết bị nào họ sẵn sàng chuyển được cho Kiev.

Ngày 28/3, hãng thông tấn CNN dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói rằng quyết định đưa UAV do thám xa hơn về phía nam trên Biển Đen đã hạn chế khả năng của nước này trong việc thu thập thông tin tình báo về cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo giải thích của quân đội Mỹ, các chuyến bay của UAV trên một khoảng cách dài làm giảm chất lượng thông tin tình báo mà họ thu thập được.

Sự cố với UAV MQ-9 của Mỹ xảy ra vào ngày 14/3. Theo tuyên bố ban đầu của Bộ Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Mỹ tại Châu Âu (USEUCOM), tiêm kích Su-27 của Nga trong quá trình đánh chặn đã va vào cánh của UAV Mỹ, sau đó nó rơi xuống vùng biển quốc tế của Biển Đen.

Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết máy bay của mình không sử dụng vũ khí trên khoang và không tiếp xúc với UAV Mỹ. Khi đó UAV này đang bay trên Biển Đen, gần biên giới không phận Nga và đang thực hiện các hoạt động do thám.

Các nước phương Tây đã tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch đặc biệt được cho là để bảo vệ Donbass.

Moscow đã nhiều lần lên án việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Liên bang Nga tin rằng các thiết bị quân sự được cung cấp trên sẽ không giúp quân đội Ukraine tiến hành một cuộc tấn công và sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Lực lượng Vũ trang Nga.

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine được Tổng thống Putin công bố ngày 24/2/2022 trong bối cảnh tình hình ở Donbass trở nên trầm trọng hơn được cho là do quân đội Ukraine pháo kích.

Theo IZ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ