Nguyên nhân khiến người sốt xuất huyết dễ tử vong

GD&TĐ -Tình trạng đồng nhiễm SARS-CoV-2 và Dengue virus có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong.

Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.
Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Những ngày đầu sau khi bị nhiễm virus Dengue và khởi bệnh, các triệu chứng hầu như không đặc hiệu.

Các triệu chứng âm thầm

Báo cáo tổng hợp từ các địa phương của Bộ Y tế, tuần qua số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước tăng khoảng hơn 10.000, số tử vong tăng 2 trường hợp so với tuần trước đó. So với cùng kỳ năm 2021, với 56.240 ca mắc và 21 ca tử vong, số ca mắc sốt xuất huyết năm nay tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Tại nhiều địa phương, dịch sốt xuất huyết vẫn đang “nóng” với số mắc mới ghi nhận vẫn cao, trong đó có Hà Nội và TPHCM. Đặc biệt, năm nay là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết bùng phát thành dịch (chu kỳ 5 năm một lần) nên dịch dễ diễn biến phức tạp. Số ca mắc sốt xuất huyết năm nay của Hà Nội đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Tình hình dịch diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng.

Tại TP HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1.628 ca mắc mới sốt xuất huyết, giảm 27% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm, trong đó, đã có 29 ca tử vong.

Đến hết tháng 10, thành phố đã ghi nhận 70.370 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, số ca sốt xuất huyết nặng năm nay cũng tăng cao so với năm 2021.

BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) chia sẻ, nhiều người vẫn băn khoăn rằng, vì sao không ít bệnh nhân sốt xuất huyết dù cảm thấy khỏe rồi nhưng vẫn tử vong. Thực tế, với người bệnh, có những lúc họ cảm thấy cơ thể dường như đã ổn định, nhưng sau đó lại chuyển biến xấu.

“Điều này có thể lý giải thông qua quá trình diễn tiến của bệnh. Thực ra, hiện tượng sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi tử vong không xảy ra mà chỉ là sự nhầm tưởng của người bệnh. Trong quá trình nhiễm bệnh, thời gian khoảng từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 7 mới là lúc bệnh nguy hiểm hơn cả. Đây cũng là thời gian biến chứng xuất hiện nếu có”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Lúc này, triệu chứng sốt của người bệnh đã đỡ hơn nên hầu như họ đều yên tâm mà cho rằng, cơ thể bắt đầu bước sang trạng thái hồi phục. Tuy nhiên, điều này là không chính xác. Ở giai đoạn này, tiểu cầu của bệnh nhân bắt đầu giảm một cách âm thầm và phải xét nghiệm máu mới có thể biết.

Vì vậy, nếu như không theo dõi bằng xét nghiệm tế bào máu hằng ngày, người bệnh chỉ có thể biết được tình trạng bệnh diễn biến nặng khi cơ thể xuất hiện tình trạng xuất huyết như: Xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết não... Khi đó, có thể tiểu cầu của bệnh nhân đã giảm xuống ở mức rất thấp và nguy hiểm.

“Một mối đe dọa nữa cũng có thể đến với người bệnh trong giai đoạn này là hiện tượng suy đa tạng. Đó là viêm một số bộ phận như não, cơ tim, gan... mà nếu không được cấp cứu ngay cũng dẫn đến tử vong.

Các trường hợp nguy hiểm nhất là hiện tượng xuất huyết xảy ra trầm trọng ở đường tiêu hóa hoặc dưới da, có thể dẫn tới cả chảy máu não, ảnh hưởng xấu tới một số cơ quan như tim, gan, phổi. Cùng với đó, huyết áp sẽ giảm mạnh, đột ngột gây sốc. Ngoài ra, tình trạng thành mạch bị tăng thấm dẫn tới thoát dịch và máu cô đặc lại, gây sốc”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Miễn dịch cộng đồng giảm

Các bác sĩ khuyến cáo, mặc dù bệnh được gọi là sốt xuất huyết, song, không phải cứ hết sốt là hết bệnh. Thực tế, sốt chỉ là giai đoạn đầu của bệnh. Khi bệnh nhân hết sốt thì sẽ bước sang giai đoạn nguy hiểm hơn là giảm tiểu cầu. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, mất cảnh giác trước bệnh.

Trong khi đó, TS.BS Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM chia sẻ, trước đây, sốt xuất huyết Dengue là bệnh thường gặp ở trẻ em. Song, nay, bệnh dần chiếm tỷ lệ cao ở người lớn.

“Theo các nhà nghiên cứu Singapore từ năm 2006, một số nguyên nhân có thể là miễn dịch cộng đồng suy giảm. Bởi, các biện pháp phòng chống muỗi A.aegypti có hiệu quả, trẻ em được bảo vệ kỹ không bị muỗi đốt khi ở nhà hay đi học, tỷ lệ mắc có triệu chứng ở trẻ em ít hơn người lớn... Những yếu tố đó khiến tỷ lệ mắc bệnh chuyển dần lên nhóm tuổi lớn hơn”, TS Hiền dẫn chứng.

Cũng theo ông, sau đại dịch Covid-19, một số ý kiến cho rằng, tình trạng đồng nhiễm SARS-CoV-2 và Dengue virus có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong. Ngoài ra, trong những ngày đầu sau khi bị nhiễm virus Dengue và khởi bệnh, các triệu chứng hầu như không đặc hiệu.

“Về vắc-xin, ngoài Dengvaxia dành cho trẻ trên 9 tuổi và người lớn đã bị nhiễm virus Dengue, các vắc-xin khác như TAK-003 DENVax vẫn đang chờ xét duyệt cấp phép lưu hành”, TS Hiền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.