Nguyên nhân là do cơ chế hình thành các phức hợp miễn dịch trong máu.
Dịch sốt xuất huyết đang lan mạnh tại Hà Nội
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Các chuyên gia nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong bối cảnh này, các khu vực trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.
Chỉ riêng quận Hoàn Kiếm đã ghi nhận 72 trường hợp mắc sốt xuất huyết, với tổng số 5 ổ dịch. Tại quận Hai Bà Trưng đã ghi nhận 172 ca mắc sốt xuất huyết. Quận cũng có 26 ổ dịch sốt xuất huyết, chưa có bệnh nhân tử vong. Phường Đồng Tâm (Hai Bà Trưng) là một trong những điểm nóng về dịch bệnh trên địa bàn. Hiện tại, phường này đã ghi nhận 18 ca mắc/6 ổ dịch sốt xuất huyết, cao nhất quận Hai Bà Trưng.
Tại huyện Quốc Oai, tính từ đầu năm đến nay, có 20/21 xã/thị trấn trên địa bàn huyện (trừ xã Đông Xuân) ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết. Lực lượng chức năng của huyện Quốc Oai đã khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra.
Virus gây bệnh sốt xuất huyết dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
“Mọi chủng người, giới tính, lứa tuổi đều có thể nhiễm virus và mắc bệnh sốt dengue (SD) và sốt xuất huyết dengue (SXHD) nếu chưa có miễn dịch. Ở vùng bệnh lưu hành nặng (miền Nam và Nam Trung Bộ nước ta), tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em (dưới 15 tuổi) thường cao hơn. Ở vùng lưu hành nhẹ, khả năng mắc của trẻ em và người lớn như nhau. Tuy nhiên, bệnh cảnh trên người lớn thường nặng hơn”, PGS Nga cho biết.
Theo chuyên gia này, người từng nhiễm virus dengue hoặc đã mắc bệnh thường có miễn dịch lâu dài với virus cùng tuýp huyết thanh. Tuy nhiên, nếu nhiễm lại một tuýp virus dengue khác, bệnh nhân có thể bị nặng hơn, dễ trở thành sốt xuất huyết dengue (SXHD) hoặc sốc dengue. Nguyên nhân là do cơ chế hình thành các phức hợp miễn dịch trong máu.
“Điều này có nghĩa là, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần trước. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị”, PGS Nga chia sẻ.
Sau cắt sốt là khi bệnh vào giai đoạn nguy hiểm
BSCKI Trương Trọng Tuấn - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - cho biết, thời gian hồi phục sau mắc sốt xuất huyết sẽ tùy vào cách chăm sóc bệnh nhân và thể trạng của mỗi người.
Nhiều người thường nghĩ rằng, hết sốt là hết bệnh. Tuy nhiên, sau giai đoạn sốt, người bệnh hết sốt tức là đang chuyển qua giai đoạn nguy hiểm.
Theo bác sĩ Tuấn, dấu hiệu cho thấy một người đã khỏi sốt xuất huyết là cơ thể bớt mệt mỏi. Ở giai đoạn nguy hiểm, mặc dù đã hết sốt nhưng người bệnh vẫn cảm thấy mệt lả. Nếu sau vài ngày, người bệnh cảm thấy cơ thể khỏe hơn, bớt mệt mỏi, ăn uống ngon miệng hơn, tức là đang dần hồi phục.
Ngoài ra, người đang hồi phục cũng sẽ không xuất hiện nốt ban mới. Khi ở giai đoạn sốt, người bệnh sẽ nổi các nốt phát ban trên da và ngày càng hiện lên nhiều hơn. Khi bệnh hồi phục, các nốt ban mới sẽ không xuất hiện thêm nữa.
Khi bị sốt kéo dài, cơ thể bệnh nhân mất nước nghiêm trọng nên thường tiểu rất ít. Sau 5 - 7 ngày điều trị, nếu người bệnh đi tiểu nhiều hơn, có nghĩa là cơ thể đã không còn mất nước và đang dần hồi phục.
“Trong giai đoạn sốt và nguy hiểm, người bệnh nổi nhiều nốt xuất huyết gây ngứa ngáy. Nếu trong quá trình điều trị từ 5 - 7 ngày, các nốt xuất huyết mờ dần đi, chứng tỏ bệnh nhân đang khỏi bệnh”, BSCKI Trương Trọng Tuấn - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết.
Theo bác sĩ Tuấn, sau sốt xuất huyết, bệnh nhân cần được chăm sóc cẩn thận để cơ thể nhanh phục hồi, tránh biến chứng nguy hiểm. Điều quan trọng là ăn uống điều độ và bổ dưỡng. Trong giai đoạn hồi phục, người bệnh cần bổ sung đủ vitamin cần thiết, protein và khoáng chất cho cơ thể phục hồi nhanh hơn.
Nên tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ ăn vặt, gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Đồng thời, cần uống đủ nước, có thể uống thêm nước trái cây. Người bệnh được khuyến cáo uống nước cam có nhiều vitamin C và hỗ trợ hấp thu sắt. Ngoài ra, có thể uống nước dừa, giúp quá trình hạ sốt tốt hơn.
“Khi đang trong giai đoạn hồi phục, người bệnh nên thực hiện một số bài tập thể dục nhẹ nhàng hằng ngày. Có thể thử các môn thể thao như đi bộ, khởi động nhẹ… Trong giai đoạn này, nồng độ hemoglobin (phân tử protein nằm trong các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ mang oxy từ phổi đến các mô) giảm xuống khiến cơ thể mệt mỏi hoặc khó thở.
Vì vậy, người bệnh chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh hoạt động mạnh” - là lời khuyên các bác sĩ chuyên khoa dành cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết.