Trong “làn sóng thứ 4” của Covid-19 tại Việt Nam, nước ta ghi nhận hàng loạt ca mắc mới tại các cơ sở y tế, như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K. Mới đây, một bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương cũng được ghi nhận mắc Covid-19.
Trước đó, vào tháng 3/2020, Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 bao gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và thân nhân, cũng như nhân viên cung cấp suất ăn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19. Các bệnh nhân nặng ở quanh Hà Nội cũng được chuyển về đây. Do đó, bệnh viện cần rà soát lại quy trình, thực hiện trong các khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhờ đó, tránh lây nhiễm chéo trong khu điều trị, bệnh viện và ra cộng đồng.
Với Bệnh viện K, Thứ trưởng chỉ đạo, cần bố trí sẵn sàng. Khi phát hiện bệnh nhân dương tính chưa thể chuyển đến cơ sở khác, cần chuyển ngay đến khu đó để điều trị. Đồng thời, tuân thủ theo Phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các bệnh viện thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân, người nhà, nhân viên. Mỗi cơ sở y tế cần có hệ thống phát thanh để nhắc nhở những nơi đông người như phòng khám, yêu cầu thực hiện 5K, tránh tụ tập.
Với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tiếp tục thu dung bệnh nhân, đặc biệt là trường hợp mắc Covid-19 nặng. Bảo đảm thực hiện phương châm 4 tại chỗ.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến các cơ sở y tế dễ bùng phát dịch, TS.BS Phạm Nguyên Quý – Bệnh viện Kyoto Mini, Đại học Kyoto (Nhật Bản) nhận định, SARS-CoV-2 dễ “lẻn” vào bệnh viện. Việc phát hiện sớm các bệnh nhân và nhân viên mắc Covid-19 để cách ly điều trị là mấu chốt chiến lược. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 rất khó được phát hiện sớm.
Yếu tố đáng lo ngại khác là SARS-CoV-2 có thể khó bị phát hiện ngay cả khi xét nghiệm PCR.
Chuyên gia này dẫn chứng, các nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 30% người bệnh sẽ cho kết quả “âm tính” (tức âm tính giả) với xét nghiệm PCR. Ngoài ra, thời điểm xét nghiệm cũng ảnh hưởng tới tỉ lệ âm tính giả.
Như vậy, một số người bị nhiễm virus nhưng khó hoặc không được phát hiện được bằng việc hỏi triệu chứng / khai bệnh sử và làm xét nghiệm PCR. Do đó, đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến việc ngăn Covid-19 bùng phát trong cơ sở y tế trở nên khó khăn hơn các mầm bệnh khác.
“Một đặc điểm “khó chịu” khác của SARS-CoV-2 là số lượng virus lây lan trong đường hô hấp trên (từ mũi đến) của người nhiễm bệnh cao nhất từ khoảng 2 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng, đến ngay sau khi xuất hiện triệu chứng”, TS Phạm Nguyên Quý cho biết.
Điều này có nghĩa là những người ở cùng phòng, tiếp xúc gần với người bệnh trong không gian hẹp, kín gió sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao.