Tứ thời hay nhị thời?
Tứ thời / 四時 là 4 mùa xuân / 春, hạ / 夏, thu / 秋, đông / 冬, hợp thành 1 năm.
Với hoàn cảnh địa lý cụ thể ở Việt Nam, điều này chỉ đúng một nửa: Mỗi năm, miền Bắc gồm 4 mùa, miền Nam gồm 2 mùa. Huỳnh Ngọc Trảng viết trong sách “Khảo luận về Tết” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, 2018): “Một cách tổng quát, nước ta có thể chia ra làm 2 đới khí hậu: 1. Miền Bắc (từ đèo Hải Vân ra) là khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc (từ lục địa châu Á tới) và gió mùa đông nam; có độ ẩm cao; 2. Miền Nam (từ đèo Hải Vân vào) do ít chịu ảnh hưởng của gió mùa nên khí hậu nhiệt đới khá điều hòa, nóng quanh năm, chia thành 2 mùa là mùa khô và mùa mưa rõ rệt”.
Bát tiết trong nhị thập tứ tiết khí
Bát tiết / 八節 là 8 lễ Tết luân chuyển lần lượt theo 4 mùa gồm Lập xuân / 立春, Lập hạ / 立夏, Lập thu / 立秋, Lập đông / 立冬, Xuân phân / 春分, Thu phân / 秋分, Hạ chí / 夏至, Đông chí / 冬至.
Kỳ thực, bát tiết thuộc chuỗi nhị thập tứ tiết khí / 二十四节气là 24 thời kỳ nối tiếp nhau, thể hiện những biến dịch mang tính chu kỳ và tuần hoàn về nhiệt độ, độ ẩm, lượng gió, lượng nắng, lượng mưa..., trên mặt đất khu vực Á Đông, do vị trí địa cầu thay đổi khi quay quanh Mặt trời, đồng thời địa cầu lại tự quay quanh trục của nó. Nhị thập tứ tiết khí được sắp xếp thứ tự trước sau quy củ, từ Lập xuân / 立春 (đầu xuân) rồi Vũ thủy /雨水 (ẩm ướt), đến Tiểu hàn / 小寒 (chớm rét) đoạn Đại hàn / 大寒 (lạnh giá); xong trở lại Lập xuân.
Nhị thập tứ tiết khí được phân đều đặn vào 12 tháng trong năm âm lịch. Ấy là năm thường, còn năm nhuận thì 13 tháng. Bình quân, mỗi tiết cách nhau 15 - 16 ngày.
Thêm kỳ thực nữa, rằng mỗi năm âm lịch còn những lễ Tết khác chứ đâu chỉ 8, như mùng 5 tháng 5 là Tết Đoan ngọ, mùng 7 tháng 7 là Tết Thất tịch / Tết Ngâu.
Nguyên đán: Tết ta & Tết tây
Tính theo âm lịch, tiết Lập xuân có năm rơi vào tháng Giêng, nhưng có năm lại tháng Chạp; còn Tết Nguyên đán xưa nay được quy ước là ngày mùng 1 tháng Giêng.
Tết biến âm từ tiết / 節. Nguyên / 元mang nghĩa đầu tiên. Đán / 旦là sáng sớm, là ngày. Tết Nguyên đán tức ngày đầu tiên của năm âm lịch, là lễ hội cổ truyền, thiêng liêng, trọng đại, do đó được gọi Tết cả.
Nhị thập tứ tiết khí hoàn toàn chẳng có Nguyên đán tiết.
Tuy nhiên, tại Trung Hoa đại lục, từ ngày 29/9/1949, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc toàn thể khóa I quyết định gọi ngày 1 tháng 1 dương lịch tức Tết tây là Nguyên đán, còn mùng 1 tháng 1 âm lịch tức Tết ta là Xuân tiết / 春節. Lưu ý sự khác biệt này, nhất là khi dịch thuật.
Giai thoại liên quan tứ thời bát tiết
Dân gian xưa nay quen dùng “tứ thời” và “bát tiết”, nào “mai tứ thời” còn gọi “mai tứ quý”, nào “ái ân bát tiết” hoặc “rượu bia bát tiết”. Người đời còn đưa đôi từ này vào lời chúc tụng lẫn mong cầu, như “Tứ thời cát khánh, bát tiết an khang”.
Đôi từ này ghép lại, trở nên thành ngữ chỉ 1 năm.
Quả phụ nọ hồi xuân, làm nghề bán thịt lợn, xin Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) đôi vế đối để treo nhà dịp Tết. Cụ ứng tác ngay:
Tứ thời bát tiết canh chung thủy;
Phận liễu đôi bồ dục điểm trang.
Nghĩa:
Bốn mùa tám tiết luôn chung thủy;
Dặm liễu gò bồ muốn điểm trang.
Hóm hỉnh rất Tam Nguyên Yên Đổ chính là “bát tiết canh” và “đôi bồ dục”.
Tứ thời bát tiết qua thơ
Khá nhiều nhà thơ cũng sử dụng “tứ thời” và “bát tiết” trong thi phẩm, đây chỉ nêu đôi ví dụ.
Hoàng Sĩ Khải, chưa rõ năm sinh và năm mất, đỗ tiến sĩ khoa thi năm Giáp Thìn 1544 thời vua Mạc Hiến Tông / Mạc Phúc Hải, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Hoàng Sĩ Khải sáng tác nhiều tác phẩm văn chương, nổi bật có “Tứ thời khúc vịnh / 四時曲集” gồm 340 dòng song thất lục bát được xem mở đầu thể loại truyện thơ Việt Nam.
Khương Đặc Lập (1125 - 1204), thi sĩ đời Kim, sáng tác bài tứ tuyệt “Quy lão / 歸老” đã dùng từ “bát tiết”:
歸老得閒渾可事,
最憐白傅更能詩。
舞餘歌罷賓朋去,
八節灘頭醉卧時。
Phiên âm:
Quy lão đắc nhàn hồn khả sự,
Tối liên Bạch phó cánh năng thi.
Vũ dư ca bãi tân bằng khứ,
Bát tiết than đầu tuý ngọa thì.
Phanxipăng chuyển sang Việt ngữ:
Từ quan, hưởng nhàn, mà bận rộn,
Nhớ thương Bạch Cư Dị tài thơ.
Múa ca cản khách, ngăn bè bạn,
Say xỉn quanh năm với biển bờ.