Chúng tôi xin trích dẫn chương sách nói về lễ xá tội vong nhân vào tháng Bảy âm lịch của người Việt.
Sự đầu thai của các linh hồn
Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, con người có hai nhóm linh hồn: ba hồn, bảy vía (hay bảy phách). Đàn bà có nhiều hơn đàn ông hai phách. Những linh hồn này ở trong thân thể. Hình như con người tiếp nhận những linh hồn vào ngày sinh ra đời hay ngày thụ thai.
Ví dụ, một người đàn bà nọ mang thai vì chị ta vấp chân vào một hòn đá chứa hồn của một dị nhân đang chạy trốn, hay vì chị ta đã tắm trong một thứ nước có chứa hồn này trong đó. Đối với các vĩ nhân, việc hồn nhập, khi họ sinh ra đời, được báo hiệu bằng một luồng khí thơm hay một luồng ánh sáng rực rỡ.
Hồn là chỉ các linh hồn tinh thần, còn vía là chỉ những linh hồn vật chất. Hồn thiêng hơn vía, vì thế khi người nào còn sống, thì do tôn trọng, mọi người tránh nói đến hồn của người đó.
Sách Hội hè lễ Tết của người Việt lý giải tục lệ cúng chúng sinh vào tháng Bảy âm lịch. |
Vía có thể gây hại. Vía có những tính chất khác nhau tùy theo người có vía: Có những người có vía tốt lành; những người khác có vía xấu và dữ. Vía tốt đem lại điều phúc: mọi người tìm cách gặp vía tốt. Vía xấu có ảnh hưởng tai hại: trong mọi công việc, người ta cố gắng tránh xa vía xấu.
Cái chết là do hồn vía bỏ đi. Những hồn vía rời khỏi thân thể lúc con người trút hơi thở cuối cùng. Chúng được những hồn do thần linh phái đến mang đi, và từ đấy, tiếp tục sống không phụ thuộc vào thân thể.
Hồn, sau khi chết cũng có những nhu cầu và ước muốn như người sống. Để soi sáng bước đi của hồn vía khi rời khỏi thân thể, người ta thắp nến sáng; người ta cho hồn tiền để trả tiền đò xuống âm phủ; người ta cúng hồn đồ ăn thức uống để làm dịu cơn đói khát của hồn.
Người ta đốt cho hồn đồ vàng mã bắt chước đúng hệt tất cả những gì hồn cần: đồ đạc, ngựa, đầy tớ… người giàu có còn làm cho những hồn xe tay, xe đạp, xe hơi và đôi khi cả máy bay. Bổn phận thiêng liêng của một người con trai hiếu thảo là phải cung ứng đầy đủ mọi nhu cầu của tổ tiên đã khuất.
Nhưng trong thế giới huyền bí, có những hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc, hay chẳng có thân thích và bạn bè. Đấy là hồn của những người bất hạnh, chết vì tai nạn hoặc nghèo khổ trên các nẻo đường, mà xác không được mai táng và chẳng có ai trông nom.
Những hồn này lang thang theo sau các đám mây đen, những màn mưa phùn lâm thâm, hay nằm trên các cành cây. Đấy còn là hồn của những người chết đuối ở sông ngòi, ở biển, lởn vởn những nơi họ đã chết, để đợi có kẻ khác chết thay.
Để làm nguôi ngoai tất cả những linh hồn khốn khổ đó, thỉnh thoảng, nhất là vào ngày mồng một và ngày rằm, người ta cúng hương và giấy vàng giấy bạc.
Nhưng cái chết không phải là một sự kết thúc hẳn: nó chỉ là điểm cuối của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của những kiếp luân hồi đạo Phật.
Sự có mặt của chúng ta trên thế gian này chỉ là một chặng của vòng quay muôn thuở sự sinh ra đời, sự sống với chuỗi dài sướng, khổ, sự trở lại cuộc đời trên mặt đất sau một thời gian hoặc ngắn, hoặc dài trong những đáy sâu thẳm tối tăm.
Mỗi bản thể có sáu cấp tồn tại: Thiên thần, người, quỷ, súc vật, ma đói, kẻ bị đày ở địa ngục. Sau khi chết, hồn tái sinh trong một thân phận cao hơn hay thấp hơn so với kiếp trước, tùy theo tầm quan trọng của những điều thiện ác mà hồn đã làm.
Rời khỏi Tòa luân hồi, hồn có thể thác sinh thành con vật bốn chân, thành chim chóc, loài bò sát, vật sống dưới nước hay người có địa vị tương đối cao, giàu sang hay góa vợ...
Mỗi cấp tồn tại bao hàm trong bản thân nó vô số loại sinh vật. Nhưng thân phận kinh khủng nhất là lũ ma đói. Đấy là những vật chẳng ra hình thù, tóc dài và cứng, màu da vàng xanh, đầy ghét bẩn. Chúng có cái bụng to tướng mà chúng chẳng bao giờ có thể ăn cho đầy, vì miệng và họng chúng chỉ hẹp như lỗ trôn kim. Bởi thế chúng luôn luôn bị đói khát dằn vặt.
Tình trạng này còn khá hơn những kẻ bị đày xuống địa ngục, là nơi chỉ bọn phạm trọng tội đại ác mới phải thác sinh.
Nhưng trước khi hóa kiếp, hồn người chết phải bị mười vị Diêm Vương xét xử. Tùy theo tội lỗi nặng nhẹ, những hồn này bị ném vào một hay nhiều trong vô số các địa ngục của cõi âm phủ, là nơi có đến mười tầng địa ngục.
Ngay khi đến trước vị phán quan đầu tiên, hồn những người đoan chính, tùy theo mức độ trong sạch của họ, được đầu thai trở lại ở một thân phận cao hơn. Thí dụ, những người có đức hạnh và những ai đã nhặt và đem đốt những sách vở cũ bị người ta bỏ đi thì tái sinh vào một kiếp giàu sang vinh hiển, phồn thịnh và trường thọ.
Hồn những kẻ có tội bị dẫn lên thềm gương soi quá khứ. Ở đấy, chúng đứng trước một cái đãi sắt khổng lồ trong đó phản chiếu một cách khách quan kinh khủng những hành vi bí mật nhất trong đời chúng.
Những người và vật từng chịu đựng sự tàn ác của chúng hiện lên để tố giác chúng. Chẳng thể nào chối cãi được, vì chính lòng dạ chúng được thể hiện, ai ai cũng thấy. Rồi sau khi bị xét xử qua loa, chúng bị dẫn đến các loại địa ngục khác nhau.
Ở đấy, chúng sẽ bị xem xét tỉ mỉ và sẽ đền những lỗi lầm đã không được chuộc bằng những việc thiện. Ví dụ, ở tầng địa ngục thứ sáu, bọn làm tiền giả và bọn cho vay nặng lãi phải đeo gông ở cổ, đem phơi nắng; những kẻ thừa kế chỉ nghĩ đến hưởng di sản mà sao nhãng thờ cúng gia tiên... bị cọp cắn xé, bị tên bắn thủng, bị mổ bụng, diễu đi xích vào cái cột nung đỏ…
Làm lễ để cầu mong đại xá cho những linh hồn đang bị đày ở địa ngục
Những cảnh khủng khiếp đó được vẽ ở lối vào các chùa lớn hay được truyền bá trong nhân dân bằng tranh dân gian, làm cho người sống khiếp sợ… Ai ai cũng mong cho người thân thích của mình được mau chóng hóa kiếp hay được sống dễ chịu ở thế giới bên kia.
Muốn như vậy, mọi người nhất trí cầu chư Phật, chủ yếu là cúng Phật Bà Quan Âm, vị Bồ Tát trong cuộc viếng thăm địa ngục, đã bằng đức nhân từ của mình mà xin cho những kẻ bị đày được đại xá.
Nhưng người ta cũng tin rằng, bằng lòng hiếu thảo, có thể xin được sự khoan dung của các vị thánh thần xét xử mọi hành vi của con người. Thí dụ Mục Liên đã cứu được mẹ khỏi các cực hình ở địa phủ. Truyền thuyết Hán-Việt biến nhân vật này thành biểu tượng lòng hiếu thảo.
Truyền thuyết kể rằng, Mục Liên là đồ đệ của Phật, đầy lòng hiếu thảo với mẹ, mà anh ta biết đang lang thang nơi địa ngục, một hôm xuống đấy để tìm cách giải thoát cho mẹ.
Lúc nhìn thấy mẹ đang đứng giữa bọn ma đói, anh liền xới đầy một bát cơm đưa cho mẹ. Nhưng trước khi bà kịp đưa bát cơm lên miệng, thì cơm biến thành than khiến bà không ăn được. Mục Liên kêu thét lên và chạy đi thưa với Đức Phật.
Đức Phật bảo: "Mẹ của con bị hình phạt nặng. Một mình con sẽ chẳng làm được gì cho mẹ con đâu, mà cần có tất cả các sư sãi ở thế gian chung sức lại mới cứu được mẹ con. Ngày Rằm tháng Bảy, vì tất cả những ai đang khổ đau, con nên chuẩn bị mọi thức ăn ngon và hoa quả để cúng các đại sư của mười tầng địa ngục".
Rồi Phật truyền bảo các sư sãi họp nhau lại tụng kinh cho đồ đệ của mình. Thế là sau đấy, mẹ Mục Liên hoàn toàn thoát khỏi những nỗi khổ mà lũ ma đói phải chịu đựng.
Đương nhiên, theo lời dạy của Phật, nếu đạt được sự giải cứu cho các hồn, thì ít nhất cũng có thể cầu xin sự giải cứu đó ở tất cả các thời kỳ trong năm, bằng cách tụng niệm ở chùa trong 50 ngày sau khi người chết.
Nhưng chính Rằm tháng Bảy là lúc, theo gương Mục Liên, nhờ có tất cả các sư sãi tập hợp, người ta có nhiều cơ may hơn cả để cầu xin có kết quả sự đại xá rộng rãi cho những linh hồn đang bị đày ở địa ngục.