Nguy kịch vì tâm lý 'ngại' đi khám bệnh

GD&TĐ - Tâm lý 'ngại' đến bệnh viện khiến sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí là không còn hy vọng điều trị.

Những người mắc bệnh lý nền không nên lơ là việc thăm khám. Ảnh: Bệnh viện K
Những người mắc bệnh lý nền không nên lơ là việc thăm khám. Ảnh: Bệnh viện K

Không ít trường hợp dù phát hiện bệnh, nhưng lại chần chừ, trì hoãn đi khám. Tâm lý “ngại” đến bệnh viện khiến sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí là không còn hy vọng điều trị.

Không nên chủ quan

Tự kiểm tra thấy khối u vú bên phải, không đau, không sưng có tiến triển kích thước to dần cách đây 8 tháng, thế nhưng chỉ đến khi khối u này tiến triển rất nhanh, tình trạng ngày càng nặng nề thì chị T.T.H. (46 tuổi, Hà Nội) mới tới Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư vú thể viêm đa ổ, do bệnh nhân không được tiếp cận và điều trị ở ngay thời điểm phát hiện sớm nên khối u đã di căn.

Tương tự, ông Đ. (49 tuổi, Hà Nội) khi phát hiện ung thư giai đoạn sớm, bác sĩ đánh giá tiên lượng tốt, khả năng phục hồi sức khỏe khả quan, chỉ định phẫu thuật. Nhưng gia đình từ chối do băn khoăn trước quyết định mổ.

Bệnh nhân về nhà ăn chay và chữa bằng thuốc Nam do thầy lang kê đơn. Theo người nhà, thầy lang khẳng định thuốc có tác dụng “tăng cường khí huyết, hấp thụ tốt hơn, tiêu diệt tế bào ung thư”. Song, chỉ vài tháng sau, khi ông Đ. đi khám, tế bào ung thư xâm lấn lan rộng, ung thư di căn đến phổi, tiên lượng bệnh rất xấu.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp nhận hậu quả nặng nề chỉ vì trì hoãn điều trị bệnh, dù cơ thể đã có những biểu hiện nghi vấn rõ ràng.

PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tại có khoảng 1/3 các loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là 70% trường hợp tới viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đây là lý do khiến việc chữa trị trở nên vô cùng khó khăn.

Cuối năm 2023, ông N.N.T., 83 tuổi (trú tại Tiền Hải, Thái Bình) có u ở dưới hàm trái trên 30 năm phát triển to dần. Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán u lành, nhưng do tuổi cao nên lo lắng không đi điều trị. Sau đó, khối u bắt đầu tăng kích thước nhanh. Song, đến khi khối u vỡ, bắt đầu chảy máu, chảy dịch, ông T. mới đến bệnh viện.

TS.BS Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ, nếu người bệnh đến khám và điều trị sớm hơn sẽ không phải chịu đựng những đau đớn, mặc cảm về cả thể chất và tinh thần lâu.

Thay vì một cuộc đại phẫu nhiều nguy cơ, di chứng trước và sau mổ, thì người bệnh có thể chỉ cần một cuộc mổ nhỏ, mọi vấn đề được giải quyết nhanh chóng ngay khi khối u mới xuất hiện.

Bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh nên đi khám sức khỏe định kì. Không nên chủ quan với những khối u lành tính vì nếu không điều trị, khối u phát triển cũng có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Tránh bỏ lỡ “thời gian vàng”

Không chỉ người lớn, mà rất nhiều trẻ em cũng gặp hậu quả vì tâm lý chần chừ đưa con đi khám bệnh của gia đình. TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Hồi sức nội tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, một thực trạng khá phổ biến là trẻ bị ốm không được đi khám kịp thời. Chỉ đến khi bệnh nặng, cần can thiệp hỗ trợ về hô hấp, hỗ trợ về tuần hoàn thì gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện.

Nhiều gia đình chủ quan, không cho con đến bệnh viện khám khi trẻ bị ốm. Thay vào đó, phụ huynh thường có tâm lý để con ở nhà và tự chữa theo đơn thuốc cũ, hoặc áp dụng kinh nghiệm từ bạn bè, mạng xã hội… Chỉ đến khi con bị nặng, cha mẹ mới “tá hỏa” đưa trẻ đi khám và điều trị.

Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi (3 tuổi, ở Thanh Hóa) bị ngộ độc chì nặng, nguy kịch. Nguyên nhân, cha mẹ cho trẻ dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh.

Trẻ có tiền sử mắc bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi. Trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình thấy trẻ co giật nhiều hơn. Tuy nhiên, thay vì tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh của các bác sĩ chuyên khoa hay đưa con tới bệnh viện thăm khám thì gia đình lại tự ý đi mua thuốc Nam không rõ nguồn gốc dạng viên về cho trẻ uống.

Sau khi dùng thuốc, tình trạng co giật của trẻ có giảm hơn. Song, sau một thời gian, trẻ xuất hiện rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ, hay kêu đau đầu…

Trẻ nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái. Qua thăm khám lâm sàng, kết hợp hỏi bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị ngộ độc chì.

Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và xét nghiệm định lượng chì trong máu, kết quả cho thấy, bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng. Nồng độ chì trong máu trên 100 µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 10 µg/dL). Ngoài ra, trẻ còn thiếu máu nặng và giãn não thất.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động thăm khám/kiểm tra sức khỏe để không bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị bệnh nếu có. Đặc biệt, những người mắc bệnh lý nền, điển hình như: Suy thận, tim mạch, bệnh người cao tuổi, ung thư... không nên lơ là việc thăm khám.

Ngay cả những người bình thường đang cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, cũng nên tiến hành tầm soát sức khỏe định kỳ. Qua đó, giúp phát hiện và kiểm soát dễ dàng các bệnh lý nền ngay từ giai đoạn khởi phát.

Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy, mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới. Khi phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi của ung thư vú lên tới hơn 90%. Các chuyên gia cho biết, ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi khu vực Đông Nam Á là 41,2/100.000 phụ nữ và tử vong là 15/100.000 phụ nữ, con số này ở Việt Nam lần lượt là 34,2/100.000 nữ giới và 13,8/100.000 phụ nữ. Ở Việt Nam, ung thư vú cũng là loại ung thư đứng hàng đầu, chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư ở nữ giới với 21.555 người mới được phát hiện bệnh và 9.345 bệnh nhân tử vong. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh ung thư có vai trò quan trọng trong điều trị và tiên lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ