Đồ chơi không rõ nguồn gốc tràn ngập thị trường |
Đa dạng và phong phú chủng loại đồ chơi nguy hiểm
Nhiều người cho rằng, trẻ em bây giờ sướng hơn ngày xưa nhiều vì muốn gì được nấy. Ngày xưa, có cái ô tô nhựa vặn dây cót là oách lắm rồi. Ngày nay, mọi nhu cầu của “thượng đế” đều được đáp ứng. Thị trường đồ chơi trẻ em cực kỳ béo bở nên hiện nay, các chủng loại đồ chơi rất đa dạng, phong phú và rất sáng tạo, đáp ứng được mọi nhu cầu của trẻ. Hiện nay, hầu như các nhà sách, các shop lưu niệm đều có bán đủ loại đồ chơi trẻ em. Những mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc đều rất hút hàng. Nếu muốn mua số lượng nhiều, khách hàng có thể đến các cửa hàng bán sỉ đồ chơi trẻ em ở chợ Bình Tây (Q.5), chợ Tân Bình ( Tân Bình) hay Chợ Lớn (Q.5) sẽ không thiếu mối cung cấp hàng. Bởi ở 3 ngôi chợ trên luôn có đủ loại đồ chơi, mọi mặt hàng mới nhất. Từ búp bê, những con thú nhồi bông, đồ chơi đa năng như xếp hình, đồ hàng bác sĩ,… cho đến những loại đồ chơi mang tính bạo lực như: rô bốt, súng điện tử, dao, kiếm, lính chiến… y như thật.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào lên tiếng về chất lượng của các loại đồ chơi này. Ngay cả những mặt hàng bị cấm, nhưng nếu bạn hàng cần thì những chủ sạp tại 3 ngôi chợ cung cấp mặt hàng đồ chơi hàng đầu hiện nay của TP.HCM cũng đều có ngay. Mấy năm trước, các loại súng phun nước, hộp quẹt hình khẩu súng đã bị dư luận lên án, các cơ quan quản lý tịch thu, vậy mà hiện nay trên thị trường lại xuất hiện loại súng bắn bi có độ nguy hiểm gấp nhiều lần súng phun nước, trông hình dáng kích thước chẳng khác gì khẩu súng thật. Loại súng này nguy hiểm vì có thể gây thương tích cho trẻ do lực bắn đạn ra rất lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết đồ chơi trẻ em hiện nay trên địa bàn TP.HCM là hàng nhập lậu, mà chủ yếu là hàng của Trung Quốc. Có lẽ đồ chơi trẻ em của Trung Quốc được nhập nhiều là do chúng khá phong phú về mẫu mã, giá cả lại rẻ. Khi được chúng tôi hỏi, một chủ cửa hàng bán sỉ đồ chơi ở chợ Bình Tây cho biết: Hàng mới hiện nay ở chợ rất khan hiếm, vì thời điểm này hàng Trung Quốc đang rất hút hàng. Hàng hút một phần do mẫu mã của nó y như thật, nhiều tính năng và quan trọng là…nó cực rẻ!
Thực vậy, nếu nhìn qua các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc có mặt tại các tiệm bán đồ chơi hiện nay tại TP.HCM, chúng ta có thể thấy “độ sáng tạo” của họ trong việc phục vụ thượng đế nhí là rất cao. Từ búp bê, rô-bốt, cho đến các loại ô tô, súng ống, dao, kiếm,… tất cả đều y như thật. Rất nhiều trong số chúng có những tính năng độc đáo như xe chạy mọi địa hình, rô bốt biết nhảy múa và tránh chướng ngại vật… Mặt khác, để thu hút sự tò mò của trẻ, các nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc cũng tung ra những mặt hàng độc chiêu như các loại côn trùng có hình dáng kinh dị, được làm bằng các loại nhựa dẻo, các loại đầu lâu, xương sọ, tay chân bị cắt rời, mặt quỷ hay rắn rết nhảm nhí, trông rất sợ, thậm chí là độc hại với sức khỏe các em khi bị nhiễm những chất gây ung thư hay gây thương tổn cho da mà báo chí thời gian qua đã đưa tin.
Chất lượng các loại đồ chơi vẫn đang bị thả nổi
Điều làm chúng tôi lo ngại nhất hiện nay khi đi tham khảo thị trường chính là việc chất lượng những loại đồ chơi này lại đang bị các cơ quan chức năng thả nổi. Tôi có mua cho đứa cháu con ông anh ở nhà một chiếc xe lắp ráp mô hình Trung Quốc trông rất thật với cam kết của cô bán hàng là nó vừa biết chạy, biết nói và biết bắn súng… Về nhà, chưa chơi được bao lâu, chiếc xe lắp ráp mô hình đa chức năng trên đã hỏng. Hay trường hợp của chị hàng xóm bên cạnh nhà cũng vậy, chị mua cho con một bộ lắp ráp 12 siêu nhân với giá trên 3 triệu đồng nhưng mới chơi chỉ khoảng 2 tháng, 12 siêu nhân trên đều hư hỏng nặng do lỗi, gãy hay không lắp ráp được…Có lẽ nguồn gốc các mặt hàng này là nhập lậu, và vì thế chẳng có sản phẩm nào đảm bảo chất lượng. Đó là chưa kể, khi báo chí thời gian qua cho biết đồ chơi Trung Quốc xuất xứ từ Quảng Đông có chứa chất độc hại, khiến không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả những trường học mầm non có sử dụng đồ chơi (làm sao tránh khỏi khi mua) cũng hết sức lo lắng..
Hiện nay, trên thị trường đang tồn tại rất nhiều mặt hàng đồ chơi nguy hiểm (trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thậm chí khả năng gây sát thương, nhiễm độc cho trẻ… nhưng người tiêu dùng hoàn toàn không thấy một lời cảnh báo nào từ phía các cơ quan chức năng về mối nguy hại này. Và trong thực tế chúng vẫn đang được bày bán công khai ở bất cứ tiệm đồ chơi lớn nào tại 3 ngôi chợ nổi tiếng kể trên. Thực ra, đồ chơi trẻ em cũng là một loại hình giáo dục trực quan. Ai cũng muốn con em mình được chơi những đồ chơi lành mạnh, có tính giáo dục, nhưng tình hình thực tế hiện nay khiến người tiêu dùng phải cẩn thận khi mua đồ chơi cho con em mình. Hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn những loại đồ chơi mang tính bạo lực, thiếu tính giáo dục và không bảo đảm bảo an toàn vệ sinh… đang được bày bán tràn lan như hiện nay. Đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất trong nước tạo ra những sản phẩm đồ chơi thực sự an toàn, bổ ích, giúp trẻ “học mà chơi, chơi mà học”.
Anh Nguyễn