Nguy cơ vỡ trận ngay trên kho vắc-xin Covid-19

GD&TĐ - Nước Nga đang bước vào tuần nghỉ làm việc hưởng lương trên toàn quốc nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng hiện nay.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Tổng thống Putin thừa nhận tình trạng dịch xấu chưa từng thấy và huy động quân đội tham gia chống đỡ.

Trong liên tiếp những ngày qua số ca mắc mới Covid-19 tại Nga luôn đạt đỉnh trên 40 nghìn mỗi ngày, cao chưa từng có kể từ đầu dịch. Hàng loạt biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay đã được giới chức Nga sử dụng để ứng phó.

Bên cạnh việc nghỉ làm việc một tuần từ 1/11 mà thực chất là giãn cách xã hội toàn quốc, thủ đô Moscow còn được phong tỏa chặt trong 11 ngày kể từ 28/10.

Đặc biệt, số ca tử vong vì Covid-19 tại Nga đang có xu hướng tăng cao sau khi vượt mốc 1.000 ca/ngày hôm 16/10. Đến ngày 1/11 số ca tử vong lại tiệm cận kỷ lục mới gần 1.200 người/ngày. Hiện số tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Nga đã lên mức hơn 240 nghìn người, đứng thứ 4 thế giới chỉ sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.

Số ca mắc mới và tử vong tăng lên chóng mặt đã đe dọa hệ thống y tế quốc gia, buộc Tổng thống Vladimir Putin hôm 2/11 phải triệu tập cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu để triển khai quân đội xây dựng bệnh viện dã chiến, chia sẻ gánh nặng chống dịch với hệ thống y tế dân sự.

Tình hình dịch nghiêm trọng hiện nay tại Nga là một nghịch lý vì nước này vốn đi đầu thế giới về phát triển và sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19.

Nga đã phê duyệt vắc-xin Sputnik V từ tháng 8/2020 và đến nay nước này có tới 4 loại vắc-xin được cấp phép sử dụng đại trà. Dù Nga đang sở hữu kho vắc-xin dồi dào bậc nhất trên thế giới nhưng nước này lại đang trên đường trở thành ổ dịch lớn nhất toàn cầu.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến nghịch lý trong phòng chống Covid-19 tại Nga là do tâm lý ngờ vực và e ngại tiêm chủng của người dân. Các nhà phân tích nhận định đây chính là hệ quả từ những ấn tượng xấu của người dân đối với hậu quả do vắc-xin để lại trước đây.

Tính đến đầu tháng 11/2021 mới có khoảng 30% trong số 146 triệu dân số Nga được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ thấp hơn nhiều các nước khác dù Nga chủ động hoàn toàn được nguồn cung vắc-xin. Tâm lý e ngại của người dân đã khiến Nga “đi trước về sau” trong chiến dịch tiêm chủng. Nhiều nước vốn phải nhập khẩu vắc-xin từ Nga lại đạt độ phủ vắc-xin cao và đang mở cửa sống chung với dịch.

Bên cạnh đó, việc Nga thiếu các biện pháp hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt tại cấp địa phương cũng đã tạo điều kiện cho virus lây lan đến mức không thể kiểm soát.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thừa nhận các cơ sở y tế đang chịu áp lực nghiêm trọng. Bên cạnh huy động quân đội, Nga đang phải kêu gọi các nhân viên y tế nghỉ hưu quay lại bệnh viện làm việc để hỗ trợ công tác tiêm chủng và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các mô hình chống dịch và tái mở cửa thực tế trên thế giới hiện nay, từ châu Á tới châu Mỹ, đều cho thấy tiêm chủng vắc-xin là vũ khí duy nhất giúp con người có thể sống chung với dịch.

Trong khi đó, việc Nga cũng giống các nước không có chính sách bắt buộc tiêm vắc-xin nên tâm lý e ngại của người dân đang khiến nước này đứng trước tình thế nghịch lý: Nguy cơ vỡ trận dù đang sở hữu kho vắc-xin lớn nhất thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.