Theo một báo cáo mới được đăng trên Tạp chí Y tế công cộng Mỹ, tỷ lệ tử vong ở người bị tự kỷ đã tăng 700% kể từ năm 1999 với độ tuổi trung bình là 36 tuổi, bằng một nửa so với độ tuổi trung bình của người bình thường. Ngạt nước, ngạt thở và đuối nước là những nguyên nhân chính khiến người tự kỷ tử vong.
Lý Quốc Hạo, giáo sư dịch tễ học tại trường Y tế cộng đồng Mailman, thuộc Đại học Columbia, cho biết đuối nước là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ tự kỷ tử vong và trẻ em mắc chứng bệnh này có nguy tử vong do đuối nước cao gấp 160 lần so với trẻ em bình thường. Nguyên nhân là do những trẻ này thường có xu hướng đi lang thang bên các hồ nước. Ông Lý Quốc Hạo cũng khuyến cáo những trẻ từ 2 đến 3 tuổi bị chẩn đoán bị tự kỷ cần tham gia các lớp bơi lội nhằm đề phòng rủi ro.
Nghiên cứu trên được thực hiện dựa trên các giấy chứng tử trong Hệ thống Thống kê quốc gia Mỹ, bao gồm dữ liệu của 1.367 trường hợp mắc chứng tự kỷ bị tử vong trong giai đoạn 1999 - 2014. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nghiên cứu này vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác khiến tỷ lệ tử vong ở người mắc chứng tự kỷ tăng cao trong những năm qua.
Trưởng nhóm nghiên cứu Joseph Guan thuộc trường Y tế cộng đồng Mailman, cho biết mặc dù con số trên có thể khiến nhiều người kinh ngạc, nhưng thống kê về số người tử vong do tự kỷ có thể thấp hơn so với thực tế do thiếu độ chính xác của các thông tin trên các giấy chứng tử.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Li cũng cho biết tỷ lệ người tử vong do tự kỷ có thể chưa được báo cáo đầy đủ, đặc biệt là những trường hợp tử vong do chấn thương có chủ ý như tấn công, giết người và tự vẫn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cứ 68 trẻ thì sẽ có 1 trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, chủ yếu là các bé trai. Rối loạn phát triển thần kinh có thể gây ra một loạt các triệu chứng như có vấn đề gặp khó khăn trong nói và giao tiếp, quá nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Ước tính khoảng 44% những người bị tự kỷ có khả năng tư duy ở mức độ trên trung bình.