Tuy nhiên, không ít trong số những khóa học này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hoặc truyền đạt những nội dung không phù hợp với học sinh.
Lừa đảo qua đăng ký học hè
Mỗi dịp hè đến, nhu cầu tìm kiếm các khóa học hè của phụ huynh ngày càng tăng cao, dẫn đến sự xuất hiện rất nhiều chương trình. Tìm kiếm trên mạng, phụ huynh có vô vàn lựa chọn về các chương trình hè với hàng nghìn thành viên tham gia, bao gồm cả các đơn vị tổ chức và phụ huynh.
Có thể kể tới các trại hè: Quân đội, tiếng Anh, kỹ năng sống, trải nghiệm, STEM và các khóa tu tập tại chùa... Thời gian tham gia từ 1 tuần đến vài tháng với chi phí dao động từ vài triệu đồng.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của các mô hình trại hè cũng kéo theo những vấn đề về chất lượng. Không phải trại hè nào cũng đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh. Nhiều chương trình hứa hẹn mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho trẻ em nhưng thực tế lại không như mong đợi. Một số trại hè thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo, gây thiệt hại tài chính cho phụ huynh.
Cơ quan chức năng cho biết, mới đây một phụ nữ ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) vào fanpage “Học kỳ trong quân đội 2024” khảo sát để đăng ký khóa học trại hè cho con và đã bị lừa hơn 1 tỷ đồng thông qua việc chuyển khoản trực tuyến. Tương tự, nhiều vị phụ huynh khác cũng bị lừa mất tiền khi đăng ký trại hè cho con.
Điểm chung của các quảng cáo này là cam kết bằng những “lời hay ý đẹp”, thế nhưng thực tế không phải trại hè nào cũng mang tới kết quả như mong đợi. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh hoạt động của lực lượng vũ trang để đăng tải trong các bài viết, khiến nhiều phụ huynh tin theo mà nộp tiền trực tuyến.
Cùng đó, vài năm trở lại đây, vào dịp nghỉ hè, nhiều gia đình lại đăng ký cho con theo học và trải nghiệm khóa tu mùa Hè. Đây được cho là một hoạt động tiêu biểu của Phật giáo, được tổ chức để người dân trải nghiệm và học hỏi giáo lý nhà Phật, tu dưỡng tâm hồn, rèn luyện trí tuệ.
Tuy nhiên, thực tế có những vấn đề phát sinh xung quanh những khóa tu mùa Hè như lừa đảo hay công tác tổ chức khóa tu tại chùa còn kém. Nhiều thầy, cô giáo cho rằng, việc cho trẻ tiếp xúc với những yếu tố tâm linh là không phù hợp đối với môi trường giáo dục.
Tháng 3/2024, cơ quan công an đã điều tra việc một người phụ nữ bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng khi nghiên cứu các khóa tu mùa Hè cho con. Hay một phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội bài viết với nội dung cảnh báo các bậc cha mẹ cho con theo khóa tu ở một ngôi chùa tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) vì con trai của chị có một “trải nghiệm kinh hoàng” tại đây.
Phải tăng cường quản lý
Cô Đặng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, tham gia các khóa học hè là nhu cầu của nhiều phụ huynh vì trẻ được nghỉ nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm. Tuy nhiên, hè là thời gian để học sinh nghỉ ngơi sau một năm học căng thẳng.
Nghỉ hè, các nhà trường đã bàn giao học sinh về sinh hoạt ở địa phương. Qua đó, các em tham gia vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do Ban Chỉ đạo hè của địa phương tổ chức. Đầu tháng 8, các nhà trường tổ chức hoạt động hè, tổ chức câu lạc bộ thể dục thể thao, rèn luyện các kỹ năng sống. Do đó, học sinh không cần thiết phải tham gia các khóa học hè bên ngoài.
TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, việc nở rộ các khóa học kỹ năng sống, trại hè... dành cho trẻ là một xu hướng, nhu cầu phát triển của xã hội. Cho trẻ tham gia những khóa học này cũng là giải pháp giúp phụ huynh yên tâm hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhận diện những khóa học chất lượng.
Theo đó, các bậc phụ huynh cần chọn khóa học kỹ năng hay chương trình do những đơn vị có tư cách pháp nhân tổ chức. Đó có thể là những tổ chức giáo dục đã hoạt động lâu dài ở Việt Nam, có uy tín; lựa chọn nội dung, chương trình khóa học phù hợp và có tính giáo dục cao. Ngoài ra, nên tham khảo đánh giá chất lượng từ các khóa học đã từng được chùa tổ chức trước đó.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để hoạt động trải nghiệm trong các khóa học hè thực sự ý nghĩa, góp phần hình thành năng lực, phẩm chất ở trẻ em thì cha mẹ không thể không quan tâm đến các yếu tố đảm bảo chất lượng. Đó là nội dung chương trình, lịch và nơi sinh hoạt, học tập của các con, ban tổ chức các hoạt động đó có kinh nghiệm hay không.
Đặc biệt, điều quan trọng là phải quan tâm đến các khía cạnh đảm bảo an toàn, sự phù hợp giữa nội dung học tập và độ tuổi, tâm lý các em. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý khóa học hè đang tổ chức tràn lan hiện nay.
Ông Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc tăng cường các hoạt động quản lý, giáo dục và bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè năm 2024; bảo đảm mọi trẻ em, học sinh, sinh viên có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, bổ ích.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các nhà trường thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, bàn giao trẻ em, học sinh, sinh viên về sinh hoạt hè tại địa phương; tổ chức hoạt động giao lưu, học hỏi, trải nghiệm, thực hành, rèn luyện kỹ năng; đa dạng hóa các hoạt động Đoàn, Đội, hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh nhằm nâng cao tính tích cực, chủ động của trẻ em, học sinh nơi cư trú.