Nguy cơ số ca bệnh nặng do Covid-19 tăng

GD&TĐ - Trong bối cảnh số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bắc Giang tăng, số bệnh nhân nặng được dự đoán cũng sẽ ngày một lớn.

Số ca bệnh nặng tại Bắc Giang được dự đoán sẽ tăng. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Số ca bệnh nặng tại Bắc Giang được dự đoán sẽ tăng. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Nhằm đẩy mạnh việc test nhanh tại Việt Yên (Bắc Giang), sáng ngày 27/5, Bộ Y tế tiếp tục huy động thêm 300 nhân lực đến tâm dịch để triển khai nhiệm vụ. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị Bắc Giang chủ động phương án, giải pháp sau khi lực lượng y tế có kết quả về quá trình test nhanh.

Theo đó, CDC tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ cho đội quân lấy mẫu test nhanh tại địa bàn huyện Việt Yên. Dự kiến, lực lượng này cắm chốt tại Việt Yên 1 tuần.

Bên cạnh đó, sau khi xét nghiệm nhanh, đối với những trường hợp có kết quả dương tính, chính quyền địa phương cần sắp xếp địa điểm, cơ sở để thu dung, theo dõi y tế sát sao. Đối với công nhân test nhanh cho kết quả âm tính, cần có phương án chuyển tới địa điểm khác. Nhờ đó, nhằm giãn mật độ cho vùng lõi dịch, như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng.

Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ: “Trong thời gian rất ngắn 5 - 6 ngày đã hoàn thiện đơn vị ICU (hồi sức) tại Bệnh viện Phổi với 58 giường bệnh. Trong đó có 17 giường cho bệnh nhân nặng với đầy đủ hệ thống oxy trung tâm, khí nén và những dự trù vật tư tiêu hao, trang thiết bị”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bắc Giang tăng, số bệnh nhân nặng chắc chắn cũng sẽ ngày một lớn. Do đó, cần phải tiếp tục bổ sung nhân sự, trang thiết bị, vật tư tiêu hao và cùng với lực lượng tại chỗ, nhằm giải quyết “4 tại chỗ”.

So với đợt dịch tại Đà Nẵng, bác sĩ Linh đánh giá, “điểm nóng” Bắc Giang không có nhiều bệnh nhân lớn tuổi với nhiều bệnh nền như Đà Nẵng. Tuy nhiên, dịch tại Bắc Giang lần này do biến thể mới của virus gây ra, nên vẫn sẽ có bệnh nhân nặng.

Đặc biệt, khi ca mắc Covid-19 ngày càng nhiều, số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng. Do đó, theo bác sĩ Linh, dù kiểm soát, khoanh vùng tốt, nhưng vẫn phải dự trù tình huống xấu.

“Vì thế luôn phải trong tư thế chủ động, đánh giá chính xác, tích cực hơn mới có thể kiểm soát được ổ dịch Bắc Giang”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến tập huấn “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu công nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, tất cả địa phương trên cả nước phải phân công rõ trách nhiệm từng người.

Qua đó, trực tiếp phụ trách từng doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước chính quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Các địa phương phải kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống dịch với khu công nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp chưa ghi nhận ca mắc Covid-19, cần chủ động kiểm tra, có phương án phòng, chống dịch cụ thể.

“Chính quyền địa phương phải chỉ đạo ngành Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khám sàng lọc. Ít nhất khám cho 20% số công nhân lao động có nghi ngờ. Thực hiện nghiêm giãn cách trong sản xuất, giờ ăn trưa và tan ca, bảo đảm công tác phòng, chống dịch”, Thứ trưởng đề nghị.

Với doanh nghiệp đã có ca bệnh, cần làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly và truy vết triệt để ca nhiễm, giảm tối đa ca bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. Phải điều tra nắm chắc dịch tễ tại nơi cư trú.

Đối với việc vận chuyển công nhân, cần để xe thông thoáng, mở cửa, giảm 50% lượng người trên xe, thực hiện ngồi giãn cách, phun khử khuẩn xe hằng ngày.

Với những nơi vừa xuất hiện bệnh ngoài cộng đồng và trong doanh nghiệp, Bộ Y tế đề nghị địa phương phải thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cả hai nơi. Qua đó, tránh lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.