Nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau Tết

GD&TĐ - Việc thời tiết nồm ẩm kèm theo bảo quản không đúng cách có thể là nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm.

Có khoảng gần 40% số loài nấm mốc được biết đến có thể sản sinh ra độc tố. Ảnh minh họa
Có khoảng gần 40% số loài nấm mốc được biết đến có thể sản sinh ra độc tố. Ảnh minh họa

Việc chế biến nấu đi nấu lại nhiều lần đồ ăn, nhất là thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, đồ ăn nhiều gia vị, hết hạn sử dụng cũng là nguy cơ gây ra ngộ độc.

Tủ lạnh chỉ hạn chế vi khuẩn

Tết là thời điểm các gia đình Việt chuẩn bị rất nhiều thức ăn để chiêu đãi người thân, bạn bè. Song, không phải gia đình nào cũng chuẩn bị vừa đủ, mà mọi người thường có quan niệm “thà dư hơn thiếu”. Vì vậy, việc thừa thức ăn sau những ngày Tết là điều không tránh khỏi.

Theo Cục An toàn thực phẩm, người dân không nên để món ăn là các loại rau vào tủ lạnh khi dùng không hết. Bởi, hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều. Nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat sẽ lại tạo thành nitrit - chất gây ung thư. Vì vậy, không nên ăn các món rau đã để qua đêm.

Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay. Không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh, thực phẩm sẽ biến chất.

Đồng thời, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho thực phẩm. Khi ăn, phải nấu chín lại trước khi dùng. Bởi, nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó.

Tuy nhiên, tủ lạnh cũng không phải là “chiếc tủ thần kỳ” để bảo quản đồ ăn. Thức ăn được lấy ra ở trong tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau. Nếu còn, không để lại bữa sau, thức ăn để lâu nhất là 5 - 6 giờ.

Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh vẫn sinh ra độc tố. Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C. Tuy nhiên, độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính, gây ngộ độc.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, trong số các thức ăn ngày Tết, bánh chưng ngon và bổ dưỡng, nhưng nếu đã bi chua, mốc, ăn vào sẽ nguy hiểm. Do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng nên bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển.

Vì vậy, bánh chưng để lâu dễ bị mốc. Vì vậy, người dân cần cảnh giác với bánh chưng mốc. Những chiếc bánh mốc nhiều, chua, vữa, đắng… cần được bỏ. Những chiếc bánh bị mốc ít bên ngoài cũng phải được cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn.

Bên cạnh đó, thực phẩm ngày Tết còn có các loại bánh ngọt, mứt được sản xuất từ nhiều nguyên liệu khác nhau: Bột, đường, bơ, sữa, trứng... Sau khi được chế biến thành sản phẩm, những thức ăn trên đều đã được tiệt khuẩn, có thể sử dụng được.

Song, nếu để lâu, bảo quản kém, thực phẩm này sẽ dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc, nhất là bánh kem và các loại mứt. Khi mứt hút ẩm chảy nước là sắp hỏng. Đó là yếu tốt thuận lợi cho vi sinh vật và nấm mốc phát triển, làm hỏng mứt và bánh ngọt.

Nếu bánh ngọt chảy nước, mất mùi vị, màu sắc biến đổi, người dân cần bỏ đi. Nấm mốc cũng có thể xuất hiện ở các loại hạt có dầu như lạc, đậu nành, hạt điều, hạt hướng dương,…

Không sử dụng thực phẩm bị mốc

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, an toàn thực phẩm luôn bị tác động bởi yếu tố môi trường, chế biến, bảo quản, lưu thông, phân phối và sử dụng. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cần có sự phối hợp liên ngành, thực hiện toàn diện, xuyên suốt theo “chuỗi cung cấp thực phẩm”. Đồng thời, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, kinh doanh và sử dụng thực phẩm.

“Bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ gìn sức khỏe, để phòng ngộ độc thực phẩm cho bản thân và gia đình là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Người tiêu dùng cần thực hiện những lời khuyên đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý”, bác sĩ Tiến cho biết.

Khi hình dạng, màu sắc, mùi vị của thực phẩm bị biến dạng (so với đặc trưng của thực phẩm), hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì dù có phải tiêu hủy nó đi vẫn còn ít tốn kém hơn là chịu các chi phí khắc phục hậu quả do chính nó gây nên.

Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc do ăn phải độc tố của vi nấm, bác sĩ Tiến khuyến cáo, người dân không mua và sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị mốc như: Lạc, đậu nành, gạo, ngô, bánh ngọt, mứt... Không được đãi, rửa các lương thực, thực phẩm đã bị mốc để sử dụng trở lại vì độc tố sẽ còn bên trong.

Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì nhất thiết phải dừng việc sử dụng thức ăn đó. Đồng thời, giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu…để gửi đi xét nghiệm.

Báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc. Xử trí cấp cứu trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, phá hủy độc tính. Đồng thời, bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Theo bác sĩ Tiến, khoa học đã chứng minh, nếu ăn phải những thực phẩm nhiễm nấm mốc cũng có thể mắc bệnh nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra ở dạng ngộ độc cấp tính, nhưng phần lớn là ngộ độc mạn tính do cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ nấm mốc và độc tố nấm.

Chuyên gia này dẫn chứng, các nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng gần 40% số loài nấm mốc được biết đến có thể sản sinh ra độc tố, tuy khác nhau nhưng ít nhiều đều nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Các độc tố nấm đều độc, mức độ độc của chúng cũng khác nhau. Vì vậy, khi xâm nhập vào cơ thể, chúng gây bệnh không giống nhau. Với những loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ, độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng… Những độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo nguy hiểm như: Ung thư gan, suy thận, ung thư buồng trứng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thức ăn dinh dưỡng Pate cho mèo Grand Cru cung cấp quà tết doanh nghiệp số lượng lớn