Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trẻ em và người lớn, khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn.

Để bảo vệ sức khỏe, mọi người nên hình thành thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường. Ảnh minh họa: ITN
Để bảo vệ sức khỏe, mọi người nên hình thành thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường. Ảnh minh họa: ITN

Ở trẻ em và cả người lớn, khi tiếp xúc ngắn hay dài hạn với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn.

Mối đe dọa từ ô nhiễm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người. Nguồn gốc của tác nhân gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động của con người như khí thải của các xe cơ giới, hoạt động công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiệt điện, lọc dầu, đốt rác thải công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động nấu ăn, sưởi ấm nhiên liệu.

Cơ quan Môi trường của Liên minh châu Âu (EEA) thống kê, ô nhiễm không khí gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở người dưới 18 tuổi trên toàn châu Âu. Không khí ô nhiễm đang là mối nguy hại toàn cầu bởi ảnh hưởng nghiêm trọng gây ra cho sức khỏe con người.

Trong đó trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất. Bởi, cơ thể trẻ ở tuổi này đang trong giai đoạn phát triển, tăng trưởng và hoàn toàn thụ động trước những tác hại môi trường do người lớn gây ra.

Thông qua nghiên cứu tại hơn 30 quốc gia, trong đó có 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), EEA nêu rõ bất chấp những tiến bộ gần đây, mức độ các chất gây ô nhiễm không khí phổ biến tại nhiều quốc gia châu Âu vẫn cao hơn khuyến nghị của WHO, đặc biệt tại khu vực Trung – Đông Âu và Italy.

Theo WHO, ô nhiễm không khí là sự ô nhiễm đối với môi trường (cả trong nhà và xung quanh) được gây ra bởi bất kỳ tác nhân vật lý, hóa học hoặc sinh học, có thể làm thay đổi bản chất tự nhiên của khí quyển.

Các chất gây ô nhiễm không khí có thể được phát thải trực tiếp vào bầu khí quyển (chất ô nhiễm sơ cấp) hoặc có thể được hình thành trong bầu khí quyển (chất ô nhiễm sơ cấp). Một số chất ô nhiễm sơ cấp có thể bao gồm sulfur dioxide (SO2), oxide của nitơ (NOx), carbon monoxide (CO), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).

Đối với chất ô nhiễm thứ cấp, ozone (O3) tại mặt đất là chất ô nhiễm thứ cấp đặc trưng và được hình thành bởi phản ứng quang hóa. Bên cạnh đó, bụi là một trong những chất ô nhiễm phổ biến nhất và có thể là cả chất ô nhiễm sơ cấp và thứ cấp.

Bụi là tổng các hạt (lỏng hoặc rắn) lơ lửng trong không khí. Mức độ độc hại của bụi có thể được xếp hạng theo kích thước, với các hạt bụi thô (PM10), hạt bụi mịn (PM2.5) và hạt bụi siêu mịn (PM0.1) có đường kính khí động học lần lượt nhỏ hơn hoặc bằng 10mm, 2,5mm và 0,1 mm.

Đối với người có sẵn bệnh phổi như hen suyễn, COPD, ô nhiễm không khí có thể làm tăng các triệu chứng. Ảnh minh họa: ITN

Đối với người có sẵn bệnh phổi như hen suyễn, COPD, ô nhiễm không khí có thể làm tăng các triệu chứng. Ảnh minh họa: ITN

Giảm chức năng phổi

Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, các hạt bụi tồn tại trong không khí có vai trò quan trọng quyết định chất lượng bầu không khí.

Các loại bụi mà mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi có kích thước lớn. Bên cạnh đó còn có các hạt bụi mịn (nhỏ hơn 1/30 đường kính sợi tóc) thì mắt thường không thể nhìn thấy hay cảm nhận.

Những hạt bụi đó lại là tác nhân gây ra các vấn đề bệnh đường hô hấp nghiêm trọng như: Phản ứng viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, tấn công sau vào mạch máu và quả tim.

“Ở trẻ em và cả người lớn, khi tiếp xúc ngắn hạn hay dài hạn với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Bằng chứng mới nổi cũng cho thấy ô nhiễm không khí xung quanh có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường và sự phát triển thần kinh ở trẻ em”, bác sĩ Hương cho biết.

Trong khi đó, người lớn có sức khỏe bình thường cũng có thể gặp các triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đờm, tức ngực, khó thở khi hít thở trong bầu không khí bị ô nhiễm. Những triệu chứng này sẽ biến mất khi chất lượng không khí được cải thiện.

Đối với người có sẵn bệnh phổi như hen suyễn, tắc nghẽn mạn tính, ô nhiễm không khí có thể làm tăng các triệu chứng như khó thở nhiều hơn kèm theo tức nặng ngực, ho nhiều hơn, thở khò khè.

Các nghiên cứu cho thấy, ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc bị ô nhiễm không khí cao, tần suất nhập viện do các căn nguyên về bệnh đường hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bụi mịn giảm 20 - 70μg/m3 thì tỷ lệ người có nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí cũng giảm 15%. “Để bảo vệ sức khỏe, mọi người nên hình thành thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường. Khẩu trang bằng vải cotton sẽ giúp ngăn chặn khoảng 30% các hạt bụi trong không khí. Các loại mặt nạ chuyên dụng dành cho các phẫu thuật viên sẽ ngăn chặn được khoảng 80% bụi”, bác sĩ Hương khuyến cáo. Bên cạnh đó, các gia đình cần tránh khói từ bếp than, bếp củi, từ người hút thuốc lá, thuốc lào trong phòng kín, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên.

Nhằm duy trì, củng cố “hàng rào” bảo vệ sức khỏe, mọi người được khuyến cáo ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau, trái cây để bảo vệ sức khỏe chung và tránh sự hình thành các gốc tự do từ không khí ô nhiễm.

Có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, như rau xanh và đậu cá, thịt, trứng và sữa. Bổ sung các bữa ăn phụ với các chế phẩm giàu vitamin và khoáng chất, lợi khuẩn cần thiết cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe.

“Trường hợp xuất hiện những triệu chứng dai dẳng như ho, khó thở, đau mắt, ngứa họng, người dân cần đi khám bác sĩ ngay. Từ đó, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mạn tính khác hay khởi phát triệu chứng của một căn bệnh tim mạch”, bác sĩ Hương cho biết.

EEA cũng cho biết, ô nhiễm không khí vẫn gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở người dưới 18 tuổi trên toàn châu Âu. Đồng thời, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính sau này trong cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.