Nguyên nhân gia tăng bệnh đường hô hấp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian qua, tại một số bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội, số người mắc các bệnh về đường hô hấp nhập viện có xu hướng gia tăng.

Nếu không điều trị đúng cách, nhiễm trùng lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm phổi với nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa
Nếu không điều trị đúng cách, nhiễm trùng lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm phổi với nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết thay đổi thất thường. Đó là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Số ca mắc bệnh hô hấp tăng

Thời gian gần đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1), Covid-19 tại một số quốc gia như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...

Ngày 13/11, Trung Quốc đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp. Đồng thời, ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc Trung Quốc.

Ngày 26/11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là do hiện đang vào mùa Đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường. Kết quả giám sát đã ghi nhận các tác nhân được phát hiện chủ yếu là virus cúm. Ngoài ra, còn có rhinovirus, Mycoplasma pneumoniae, virus hợp bào hô hấp, adenovirus...

Tại Malaysia, Singapore, số mắc Covid-19 gia tăng từ 50 - 100% so với tuần trước đó. Hầu hết, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và nhận định dịch bệnh gia tăng do các yếu tố như mùa du lịch cuối năm và việc giảm khả năng miễn dịch của người dân.

Tại Campuchia, ngày 24/11 ghi nhận thêm 1 ca mắc cúm A/H5N1 ở người. Tích luỹ năm nay, Campuchia đã ghi nhận 6 ca mắc ở người. Trong đó, có 3 ca tử vong.

Theo Bộ Y tế, hiện nay trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường. Đó là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao. Đó là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Biện pháp bảo vệ đường hô hấp

Bệnh về đường hô hấp là bệnh lý phổ biến, khiến khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm, có khoảng 4 - 5 triệu trẻ em tử vong do bệnh về đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.

Thời gian qua, tại một số bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội, số lượng người mắc các bệnh về đường hô hấp nhập viện có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, các khoa nhi cũng ghi nhận số lượng bệnh nhi tăng đột biến, nhiều phòng kín giường bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô cho biết, vào thời điểm giao mùa, nếu không dự phòng cẩn thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể tái phát và tiến triển rất nhanh.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất.

Chia sẻ về các bệnh hô hấp, PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khuyến cáo, tuân thủ phác đồ điều trị và lịch tái khám, tiêm vắc-xin phòng cúm, phế cầu, ho gà, Covid-19, thực hiện các biện pháp bảo vệ đường hô hấp... là yếu tố quan trọng giúp điều trị ổn định bệnh hô hấp.

Đồng thời, tránh tái phát bệnh do tác động của thời tiết và môi trường. Những người không mắc bệnh cũng cần bảo vệ sức khỏe. Bởi, thời điểm này có nhiều yếu tố kích thích đường thở như phấn hoa, bụi khói, không khí khô hanh. Đó có thể là tác nhân khởi phát bệnh hô hấp.

Trong khi đó, theo PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ - Phụ trách chuyên môn Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Mũi họng dễ bị tổn thương do tác động đột ngột của thời tiết, nếu không điều trị đúng cách, nhiễm trùng lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm phổi với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Người dân thường có tâm lý chủ quan khi xử trí bệnh mũi họng, điều trị tại nhà, tự mua thuốc uống thay vì thăm khám. Thói quen này dẫn tới lạm dụng kháng sinh, thuốc chống co mạch điều trị ngạt mũi, tự dùng các bài thuốc truyền miệng không có cơ sở khoa học. Nhiều ca tự ý dùng thuốc khiến bệnh chuyển biến nặng. Từ đó, gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị do bệnh đã chuyển mạn tính.

PGS Kỳ nhấn mạnh, phát hiện chính xác nguyên nhân, điều trị đúng phác đồ là điều kiện tiên quyết giúp các bệnh mũi họng phế quản tránh tái phát. Khi có triệu chứng của bệnh, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không được chủ quan, lơ là. Đồng thời, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Cụ thể, cần đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên phương tiện công cộng và tại địa điểm tập trung đông người, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, súc miệng, họng bằng nước súc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng. Thực hiện ăn chín, uống chín. Người dân cần đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Người dân cũng cần tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ