>>> 'Bí kíp' giúp trẻ hứng thú với việc học
>>> Để trường học không là 'nỗi ám ảnh' với trẻ
Kết quả là trẻ mè nheo, cáu giận, gây khó khăn cho cha mẹ.
Nếu các triệu chứng như la hét, khóc lóc, ăn vạ liên tục xuất hiện và kéo dài, có nguy cơ trẻ đang bị khủng hoảng tâm lý khi đi học. Tình trạng này sẽ khiến trẻ trở nên nhút nhát, mất dần tự tin, ngại giao tiếp và ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển.
Tâm lý chống đối
Với phần lớn trẻ em, trường học nhìn chung là nơi vui vẻ và thú vị, bất chấp bài kiểm tra, kỳ thi hay bài tập về nhà. Đây là nơi bé sẽ dành những năm tháng tươi đẹp nhất để thu nạp kiến thức và kết bạn.
Tuy nhiên, có những trẻ không muốn đến trường, thậm chí là sợ hãi. Đối với những trẻ này, trường học có thể gợi nên phản ứng tâm lý và thể chất đáng lo ngại. Đặc biệt, nhất là khi trẻ đến tuổi đi học, không những bé mà cả cha mẹ đều lo lắng. Bởi, đó là lần đầu tiên trẻ rời xa vòng tay của gia đình. Không ít phụ huynh đau đầu khi bé không muốn đến trường, quấy khóc hoặc thậm chí là trở nên trầm cảm, rối loạn tâm lý.
Làm sao để trẻ thích đi học là câu hỏi khó với nhiều phụ huynh. Vì sợ đi học, một số trẻ tiểu học có thể than đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa. Những triệu chứng này có thể tăng nặng hơn ngay trước giờ đi học. Kết quả là trẻ mè nheo, cáu giận, gây khó khăn cho cha mẹ.
Trong khi một số trẻ nôn nóng được trở lại lớp học, thì vài em lại tỏ rõ thái độ lo lắng, chán chường. Trước tình huống đó, không ít cha mẹ đặt ra câu hỏi: Liệu con mình có vấn đề gì hay không?
Các số liệu thống kê cho thấy, khoảng 5% các trường hợp trẻ em xuất hiện những dấu hiệu nhận biết của chứng sợ đi học. Trẻ thường xuyên bám lấy cha mẹ, quấy khóc liên tục, không muốn đến trường hoặc thậm chí là giả vờ đau bệnh để không phải đi học. Nếu cha mẹ cho phép trẻ được ở nhà thì các biểu hiện đó sẽ dần thuyên giảm và nhanh chóng trôi qua.
Trong những năm tháng đầu đời, trẻ thường lệ thuộc và sinh hoạt với cha mẹ. Do đó, khi đến tuổi đi học, trẻ sẽ có tâm lý sợ sệt, lo lắng và cảm thấy cô đơn khi không được ở gần gia đình. Trẻ sẽ có những hành vi chống đối hoặc không thể hòa nhập tốt với môi trường mới.
Nếu nhận thấy môi trường sinh hoạt mới không an toàn và cho rằng đó là mối đe dọa lớn thì trẻ sẽ có xu hướng bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ đối với cha mẹ. Trẻ sẽ thường xuyên la hét, khóc lóc, ăn vạ và cố gắng làm mọi cách để từ chối việc phải đến trường. Thông thường, cha mẹ hay cho rằng đây là những biểu hiện nhất thời và trẻ sẽ dần bình thường trở lại để thích nghi tốt với môi trường.
Theo các chuyên gia, nếu xét về mặt tâm lý thì các biểu hiện này cũng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng cứ liên tục xuất hiện và kéo dài thì có nguy cơ trẻ đang bị khủng hoảng tâm lý khi đi học. Tình trạng này nếu không được quan tâm và cải thiện đúng cách sẽ khiến trẻ trở nên nhút nhát, mất dần tự tin, ngại giao tiếp và ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển trong tương lai.
Khi đến tuổi đi học, nhiều trẻ sẽ có tâm lý sợ sệt, lo lắng. Ảnh minh họa. |
Thời gian đầy thử thách
Trước khi kỳ nghỉ hè, việc khó khăn nhất của vợ chồng chị Ngân vào buổi sáng là đưa được con gái đến trường. Do mới vào lớp 1, nên bé Bệu - con chị Ngân - rất sợ đi học, thường viện đủ cớ để “trốn” ở nhà.
Vợ chồng chị thường đưa ra nhiều lý do khiến con cảm thấy hứng thú với lớp như: “Đến trường học vui lắm, quen nhiều bạn tốt” hay “Cuối tuần cha mẹ sẽ cho con đi chơi công viên”. Thậm chí, có nhiều hôm, do không kiềm chế được cơn giận, chị Ngân đã mắng và dọa con: “Nếu không đi học thì phải ở nhà một mình, sau này sẽ không có việc làm”… Song, từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc, mọi biện pháp của chị Ngân cũng không thể giải quyết được tình trạng sợ đi học của bé Bệu.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh - Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) - cho biết, khi trở lại trường học, trẻ sẽ bước vào những ngày có nền nếp, kỷ luật hơn. Đặc biệt, mùa tựu trường là thời gian đầy thử thách và nhiều cảm xúc đối với những trẻ lần đầu tiên đi học.
Ngoài ra, các phụ huynh cũng cảm thấy cô đơn, buồn bã sau khi con trẻ khôn lớn và rời khỏi gia đình đi học xa nhà. Trẻ trong độ tuổi đi học cũng phải đối mặt với việc tới trường mới. Trong khi đó, nhiều trẻ sẽ thấy lo lắng khi trở lại trường học.
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là những em mới đi học lần đầu, hoặc sắp đi học ở trường mới, gặp khó khăn trong học tập thì ngày đầu tiên tới trường có thể quá sức đối với bé. Theo chuyên gia này, trẻ nhỏ có thể phải vật lộn với nỗi lo chia ly. Trẻ ở mọi lứa tuổi ngay cả khi không thể hiện sự lo lắng cũng có thể đang phải vật lộn với chứng lo âu khi tựu trường. Trẻ có thể lo lắng về việc cảm thấy không được các bạn ở trường yêu mến, hay không thể đạt được thành tích cao trong học tập.
Trong khi đó, thanh thiếu niên bước vào trường trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng gặp phải tình trạng lo lắng khi tựu trường. Học sinh cấp hai có thể cảm thấy lo lắng về môi trường mới, khối lượng kiến thức nhiều hơn, cùng với áp lực xã hội ngày càng tăng khi trở thành thanh thiếu niên. Học sinh trung học, cùng với áp lực gia tăng về kết quả học tập và kỳ vọng ngày càng tăng cao, có thể đang gặp phải chứng lo âu xã hội.
“Khi nói đến việc giúp con định hướng và đối phó với sự thay đổi, chúng ta, với vai trò là cha mẹ, đó chính là sự bình tĩnh, tự tin và tự trọng. Chúng ta nên chuẩn bị cho con những điều cơ bản - bữa trưa, quần áo thoải mái và các dụng cụ học tập cần thiết. Hãy bắt đầu truyền cho trẻ niềm tin vào bản thân và khả năng đương đầu với những thử thách trong cuộc sống”, chuyên gia Thúy Trinh cho biết.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần giải thích rằng, nếu các con lo lắng về khả năng giải quyết công việc ở trường, thì đó là hoàn toàn bình thường. Khi trẻ lo lắng, bạn bè cũng như giáo viên luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ các con.
Phụ huynh hãy lắng nghe mối quan tâm của trẻ và khuyến khích con chia sẻ nỗi sợ hãi. Cha mẹ có thể hỏi những câu như: “Cô giáo hỗ trợ thế nào nếu con gặp khó khăn trong việc làm bài tập ở trường? Các bạn không thích con vì điều gì?”…
Bằng cách dạy trẻ đối mặt với nỗi sợ hãi, cha mẹ đang trao cho con khả năng suy nghĩ chín chắn và logic về khả năng xảy ra các tình huống xấu nhất mà bé tưởng tượng.
Cha mẹ cần thường xuyên hỏi han về những điều khiến trẻ cảm thấy không thích trường học. Ảnh minh họa. |
Tránh tranh luận
Trong khi đó, bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - đã đưa ra một số gợi ý để giúp cha mẹ khi trẻ không muốn đến trường. Trước hết, phụ huynh nên kiểm tra những nguyên nhân liên quan đến thể chất của trẻ. Nếu trẻ kêu mệt hoặc đau ở chỗ nào đó, hãy cho con đi khám.
Phụ huynh nên cẩn thận vẫn hơn. Bởi, không nên nghĩ là con kêu vì làm nũng, muốn nghỉ học. Cha mẹ cũng cần nói chuyện với con, thường xuyên hỏi han, trao đổi về những điều khiến trẻ cảm thấy không thích trường học. Sau đó, hãy thông báo về kế hoạch con sẽ quay trở lại trường.
Phụ huynh cần tránh các cuộc tranh luận về tầm quan trọng của việc đi học. Theo nữ giảng viên này, đây là việc nên làm, nhất là đối với những trẻ có cá tính mạnh hoặc đã lớn. Bài “thuyết trình” về việc học của cha mẹ sẽ không có hiệu quả gì, thậm chí là phản tác dụng. Điều đó sẽ càng khiến trẻ chán học hơn. Cha mẹ cũng cần lắng nghe các “manh mối”. Khi đó, phụ huynh phải thực sự là một nhà thám tử để điều tra xem con mình đang gặp vấn đề gì.
Điều quan trọng khác là cha mẹ hãy gặp gỡ giáo viên để cùng tìm cách giải quyết. Việc này sẽ giúp cô thông cảm và chia sẻ với tình trạng của con và cha mẹ. Cũng thông qua buổi gặp này, phụ huynh có thể trao đổi với cô xem liệu con mình có bị bắt nạt không và chuyện này cần được giải quyết triệt để.
Phụ huynh cần giữ tâm trí cởi mở. Đồng thời, không đổ lỗi cho giáo viên rằng, vì cô đã làm điều gì sai nên con mình không muốn đến trường. Theo bà Phan Hồ Điệp, khi gặp những phiền toái, cách khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm nhất là đổ lỗi. Song, làm như vậy không giải quyết được chuyện gì.
Khi trẻ không muốn tới trường, cha mẹ không nên biến việc để con ở nhà trở nên hấp dẫn. Thay vào đó, hãy để con biết rằng, nếu thực sự bị bệnh, trẻ cần gặp bác sĩ và ở trên giường nghỉ ngơi.
Trong trường hợp trẻ không “giả ốm” mà vẫn không đến trường, cha mẹ hãy yêu cầu con học, đọc tại bàn với tư thế thẳng lưng. Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ hãy đánh thức con dậy theo đúng thời gian biểu. Việc này khó vì cha mẹ thường đi làm, nhưng phụ huynh hãy cố gắng hết sức trong giai đoạn con mình đang “trì hoãn”. Nếu không, phụ huynh hãy nhờ sự giúp đỡ của một người nào đó không phải đi làm.
Điều quan trọng là cha mẹ phải thiết lập quy tắc đối với con. Bởi, một số trẻ nhận thấy, khi con vờ đau bụng thì cha mẹ sẽ khó phát hiện. Vì thế, cha mẹ hãy đề ra quy tắc, trừ trường hợp con bị sốt thì sẽ nghỉ học. Trường hợp còn lại, con sẽ đến trường và nếu cần thì xuống phòng y tế.
Phụ huynh cũng có thể đưa ra một số thay đổi để đem lại cảm xúc tích cực cho trẻ. Ví dụ, thay vì mẹ vẫn đưa trẻ đến trường thì để cha hoặc ngược lại. Phụ huynh cũng nên dành nhiều thời gian để hỏi con về trường lớp và đón trẻ bằng nụ cười, cũng như sự ấm áp.