'Bí kíp' giúp trẻ hứng thú với việc học

GD&TĐ - Có nhiều phương pháp để khắc phục chứng lười học ở trẻ. Trong số đó, cha mẹ cần tôn trọng, thảo luận, không mua chuộc…để trẻ hào hứng hơn

Cha mẹ nên bàn với con trong việc lập kế hoạch, mục tiêu cho học tập. Ảnh minh họa.
Cha mẹ nên bàn với con trong việc lập kế hoạch, mục tiêu cho học tập. Ảnh minh họa.

Tự chọn môn học yêu thích

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN), bất cứ việc gì nếu được thực hiện và theo dõi một cách có hệ thống sẽ luôn mang lại kết quả tích cực. Điều này cũng đúng với việc học của trẻ. Vì thế, cha mẹ hãy lên một kế hoạch cụ thể và theo sát, rồi nghĩ cách giúp trẻ ham học hơn.

Thay vì gặng hỏi con “bài kiểm tra được bao nhiêu điểm?”, hãy nhấn mạnh nhiều hơn đến con đã làm được những gì, suy nghĩ và cảm nhận của trẻ. Cách giúp trẻ ham học hơn là mỗi ngày bố mẹ nên dành thời gian để trò chuyện với con. Đó có thể là chủ đề về những hoạt động hằng ngày ở lớp học hay những điều mà con cảm thấy thú vị và cần chia sẻ với trẻ.

Thông qua hành động này, phụ huynh sẽ hiểu thêm khá nhiều điều về trẻ. Trong trường hợp con có gặp rắc rối, cha mẹ cũng sẽ kịp thời có biện pháp xử lý tốt hơn.

Nên đề ra một thời gian cố định và những việc cần làm trong ngày. Cụ thể, trước khi bắt đầu buổi học ở nhà, trẻ cần chuẩn bị mọi thứ cần thiết từ sách vở, tài liệu liên quan cho đến các đồ dùng học tập. Tuyệt đối tránh nói chuyện và giữ không gian yên tĩnh khi ngồi học. Phải hoàn tất mục tiêu đã đề ra thì mới ngưng lại.

Cách giúp trẻ ham học hỏi hơn là để con tự chọn lấy môn học mình yêu thích và hoàn thành môn đó trước. Như thế, cha mẹ sẽ chẳng tốn công ép con ngồi vào bàn học. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng đừng vội đánh giá hứng thú của trẻ xem cái nào là tốt hơn. Vì tất cả những môn học mà trẻ thích đều giúp chúng tự tin hơn. Biết đâu thông qua đó, người lớn sẽ khám phá ra một năng khiếu đặc biệt của con.

Luôn “hợp tác” với giáo viên

Cô giáo Nguyễn Kim Ngân (Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Hà Nội) cho rằng, cha mẹ nên hiểu một điều, những kiến thức ngày nay mà con được học so với thời của cha mẹ có thể đã khác xa nhau. Vì thế, đôi khi phụ huynh sẽ gặp những tình huống là giảng mãi con vẫn không hiểu mình đang nói gì.

Do vậy, đừng ngần ngại nhờ đến sự trợ giúp của thầy, cô giáo ở trường để củng cố kiến thức cho con. Bởi lẽ, họ là những người trực tiếp giảng dạy hằng ngày nên sẽ có cách giải đáp những thắc mắc của trẻ hợp lý.

Trong trường hợp phát hiện thấy con học kém đột ngột, cha mẹ cũng liên hệ với giáo viên phụ trách ngay. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra chiến lược sẽ giúp con cải thiện điểm số và yêu thích môn học đó hơn.

Hơn nữa, cách giúp trẻ ham học hơn là đừng bao giờ bắt ép con phải làm hoặc nghe theo những mong muốn của riêng mình. Nên nhớ rằng, mỗi người chúng ta có cách học và tiếp thu hoàn toàn khác nhau. Vì thế, tuyệt đối không nên áp đặt phương pháp học tập của mình với trẻ.

Cách dạy con học tốt nhất là hãy quan sát và tìm hiểu xem con tiếp thu bài vở như thế nào. Chỉ khi biết được cách học của con, cha mẹ mới có thể tìm ra biện pháp tốt nhất để phát huy khả năng và cải thiện kết quả học tập của trẻ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Không mua chuộc việc học

Chị Đỗ Vân Thắng (cán bộ ngân hàng Vietinbank) chia sẻ, thường được nghe những câu chuyện của đồng nghiệp rằng phải “mua chuộc” con mới chịu học. Theo chị Thắng, học hành là cả một quá trình, không thể một lúc nhồi nhét vào đầu con mọi kiến thức có trong sách giáo khoa ngay được. Đặc biệt là cận kề những ngày thi cử quan trọng, trẻ rất dễ bị áp lực và đâm ra chán nản dễ buông xuôi hơn.

Theo chị Thắng, bố mẹ chính là nguồn động viên để con có hứng thú quay lại việc học. Cách giúp trẻ ham học hơn là có thể đề ra những mục tiêu ngắn, trung và dài hạn để dễ theo dõi tiến độ.

Ở mỗi giai đoạn như vậy, cha mẹ sẽ đặt ra kế hoạch ôn bài vở phù hợp, phân chia lịch trình trong ngày thành nhiều giờ và xác định những kiến thức cần tập trung học trong khoảng thời gian đó. Điều quan trọng là phải đảm bảo trẻ có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

Những lời khen và động viên không bao giờ thừa để khuyến khích con cố gắng hơn nữa. Tuy nhiên, người lớn tuyệt đối không được dùng quà cáp, tiền hay bất cứ thứ gì khác để “mua chuộc” nỗ lực của con.

Bởi lẽ, cách này chỉ có thể giải quyết vấn đề tạm thời và sau đó trẻ sẽ vẫn ham chơi và lười học như trước. Thậm chí, trẻ sẽ coi việc học giống như đang “làm thuê” cho bố mẹ.

Ngay cả người lớn khi làm một điều gì đó cũng cần có mục tiêu rõ ràng mới hào hứng, hứng thú làm. Vậy thì việc học của con cũng vậy. Cha mẹ cần cùng con xác định những mục tiêu rõ ràng trong việc học của con. Đừng tự lên mục tiêu cho con, hãy cùng trẻ thảo luận.

Để con tự lập

Cô Nguyễn Thị Liên (giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen, Hà Nội) đưa ra lời khuyên, cha mẹ đừng bao giờ biến con mình thành một đứa trẻ chỉ biết ăn và học. Hãy rèn luyện cho con thói quen làm việc nhà và chăm sóc bản thân. Một đứa trẻ cần biết tự làm những việc mang tính thiết yếu như tự giặt quần áo và chăm sóc mình khi bố mẹ vắng mặt. Chúng cần biết chúng có trách nhiệm làm sạch, làm đẹp không gian sống bằng chính sức mình.

Trẻ từ lớp 6 đã đủ tuổi để nên biết việc này. Nếu như cha mẹ để cho trẻ chỉ biết ăn, học thì trẻ sẽ không có tinh thần tự lập và dễ nảy sinh tính phụ thuộc, lười biếng cả trong việc học.

Đừng bao giờ cấm đoán những sở thích của trẻ nếu nó không phải là tiêu cực. Người lớn càng cấm thì trẻ càng nảy sinh tâm lý chống đối. Và nó sẽ rất dễ gây ra tâm lý chán nản lười học nếu như trẻ bị cấm đoán.

Thay vào đó, hãy hướng con đến cách giải trí lành mạnh và tích cực hơn. Ví dụ như chơi những trò game bổ ích, không mang hơi hướng bạo lực. Được phép thần tượng một cách lành mạnh bằng cách học hỏi những điều hay, tốt ở họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.