Gỡ mối lo trẻ “sợ” đến trường sau kỳ nghỉ Tết

GD&TĐ - Đối với trẻ, Tết là kỳ nghỉ đúng nghĩa nhất trong năm. Bởi khi đó, con có thể thoải mái vui chơi, ngủ “nướng” mà không cần lo đến bài vở, học thêm.

Trẻ thường gặp nhiều áp lực tâm lý khi trở lại trường lớp sau kỳ nghỉ. Ảnh minh họa.
Trẻ thường gặp nhiều áp lực tâm lý khi trở lại trường lớp sau kỳ nghỉ. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, sau Tết, trẻ vẫn mãi “vấn vương” chuyện chơi, lười học. Đó là nguyên nhân khiến phụ huynh vất vả vì phải dùng đủ cách giúp con hứng thú hơn với chuyện học tập.

Giáo viên cũng là nhân tố quyết định, giúp trẻ hào hứng hơn khi trở lại trường. Vì vậy, nhiều thầy cô chọn cách kết hợp trò chơi và mừng lì xì cho học sinh trong buổi đầu năm, giúp “khơi dậy” tinh thần học tập ở trẻ.

Nguyên nhân khiến trẻ ngại tới trường

Có lẽ, việc trẻ “ngại” đến trường sau Tết là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi, ngay cả đối với người trưởng thành, Tết cũng là lúc gác lại mọi công việc và dành trọn thời gian bên gia đình. Vì vậy, suy nghĩ trở lại văn phòng sau Tết đôi khi cũng khiến họ cảm thấy uể oải.

Chị Thanh Tâm (Ba Đình, Hà Nội) có con gái học lớp 4, chia sẻ: “Vì con được nghỉ học khá dài, trong khi ở quê có nhiều anh chị em cùng độ tuổi, nên bé nhà tôi rất hào hứng khi Tết đến. Bởi vậy, khi gần tới ngày phải trở lại trường học, bé thường năn nỉ xin mẹ cho ở lại quê chơi thêm vài ngày”.

Nữ phụ huynh này cho biết, thường ngày, con gái chị đi học rất ngoan và không bao giờ quấy khóc. Thậm chí, trên đường đến trường, bé hay nói chuyện và hát. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ Tết, bé thường khóc và từ chối đến trường khi biết sắp đến ngày đi học.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Ngọc Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: “Bé nhà tôi năm nay 5 tuổi. Thường ngày, con dậy đúng giờ, vệ sinh cá nhân và tự giác lấy cặp để mẹ đưa đi học. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết năm ngoái, con gào khóc và nằm ăn vạ, nhất quyết không chịu tới trường. Năm nay, vợ chồng tôi cũng rất ái ngại khi lo con sẽ tiếp tục không chịu tới trường sau kỳ nghỉ Tết”.

Chị Hà bày tỏ, trong thời gian nghỉ Tết, vợ chồng chị thường cho phép con thức khuya, ăn uống không điều độ vì còn mải… đi chơi.

“Có lẽ, đó cũng là nguyên nhân khiến bé nhà tôi sợ tới trường sau Tết”, nữ phụ huynh nhận định.

Rút kinh nghiệm từ những kỳ nghỉ lễ trước, lần này, chị Lê Thanh Hiền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tuyên bố sẽ chỉ cho cậu con trai đang học lớp 5 về chơi Tết với ông bà ở quê ít ngày. Trong khi đó, những năm trước, chị thường để con ở quê đến sát ngày học mới về. Chị Hiền cho biết, mỗi lần nghỉ hè hay kỳ lễ dài ngày, nói đến ngày đi học là con chị “sụt sịt”. Đặc biệt, vào ngày Tết, trẻ nghỉ dài ngày và được đi chơi, ăn uống, ngủ nghỉ thất thường.

Chị Hiền cho biết: “Để trẻ quay trở lại nền nếp cũ, trước khi đi học vài ngày, tôi đã bắt bé phải dậy đúng giờ, buổi tối mang sách vở ra ôn lại bài. Bên cạnh đó, để trẻ háo hức trong ngày đầu tiên đến trường, tôi cũng gợi hỏi đến những người bạn thân của bé, kiểu như: Bạn con có về quê không? Con có nhớ bạn Hải, bạn My không?...”.

Theo các chuyên gia tâm lý, người lớn sau kỳ nghỉ dài, khi quay trở lại với công việc thường uể oải, không muốn làm việc. Trẻ em cũng vậy. Do đang được vui chơi thỏa thích, không phải suy nghĩ tới bài vở hay gò bó vào khuôn khổ của trường lớp, nên chúng rất “ngại” đến trường sau Tết.

Chia sẻ về tình trạng này, chị Đặng Thục Hà My – giáo viên Tiếng Anh tại Trung tâm Bình Minh (Hà Nội) cho biết, mặc dù có phần “ngại” tới trường sau Tết, nhưng trẻ có xu hướng vui trở lại ngay khi gặp thầy cô, bạn bè.

Bên cạnh đó, trong tiết học đầu năm, chị My thường cho học sinh bốc thăm lì xì. Lì xì ở đây có thể là bánh, kẹo hoặc đồ dùng học tập. Bởi những hoạt động này, nữ giáo viên cho biết, học sinh thường nhanh chóng hòa mình vào không khí lớp học. Và, chỉ sau khoảng 3 ngày, các em đã hoàn toàn tập trung vào việc học.

Trong khi đó, chị Bùi Thúy Nga – giảng viên môn Tiếng Anh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chia sẻ, sau Tết, ngay cả sinh viên cũng khó tránh khỏi tình trạng uể oải, “ì ạch” khi tới lớp. Tuy nhiên, theo nữ giáo viên này, đây là điều hoàn toàn bình thường. Nắm bắt rõ tâm lý người học, ngày đầu năm mới, chị Nga thường trao đổi, chia sẻ về những chuyện vui ngày Tết.

Bên cạnh đó, nữ giáo viên này cũng kết hợp “học mà chơi” thông qua một số hoạt động như văn nghệ mừng năm mới, lì xì đầu năm… Nhờ đó, giúp người học dễ dàng “xốc” lại tinh thần học tập và hào hứng hơn khi tới trường.

Chị Nga cho biết, tâm lý “chán trường, lớp” này ở sinh viên thường không kéo dài. Khoảng 1 tuần sau khi trở lại trường, người học dần bắt nhịp nhanh chóng và “vào guồng” như trước.

Nhiều trẻ “chán” học do được gần cha mẹ vào dịp Tết. Ảnh minh họa.
Nhiều trẻ “chán” học do được gần cha mẹ vào dịp Tết. Ảnh minh họa.

Con “nghịt hơi” cha mẹ?

Theo các chuyên gia tâm lý, lứa tuổi mầm non, ngoài ham chơi, nguyên nhân sâu xa ít người biết đến là do trẻ thích được ở gần cha mẹ. Kỳ nghỉ Tết dài ngày, cha mẹ không phải đi làm, lúc nào cũng kề cận khiến bé cảm thấy an tâm và hạnh phúc.

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM), đối với trẻ ở độ tuổi thiếu nhi, các bé cần tự lập để đến trường. Lý do là bởi, một số trẻ có mối quan hệ gắn bó với cha mẹ hoặc người chăm sóc quá chặt chẽ. Đây được coi là một trong những yếu tố khiến trẻ phụ thuộc và gặp khó khăn lớn khi trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ học. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở các trẻ lứa tuổi mầm non, thậm chí tiểu học.

“Các em vốn đã khó thích nghi khi rời xa cha mẹ để đến lớp, lại được củng cố bằng khoảng thời gian dài ở nhà. Vì vậy, khi bắt đầu trở lại trường lớp, nhiều trẻ sẽ phản ứng mạnh bằng các hình thức khóc, la hét, thậm chí ói, ăn vạ để tiếp tục ở nhà”, chuyên gia Thiện cho hay.

Chính vì vậy, các phụ huynh được khuyến cáo nên khởi động lại quy trình từng bước. Nhờ đó, giúp con làm quen dần với trường lớp, bạn bè. Theo ông Toàn Thiện, điều quan trọng không thể thiếu là cha mẹ cần thay đổi mối quan hệ gắn bó quá phụ thuộc. Như vậy, phụ huynh sẽ có thể giúp con đối diện với sự chia ly khỏi vòng tay gia đình.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tạo lập cho trẻ các kỹ năng phục vụ bản thân như: Tự xúc ăn, đi vệ sinh, thay quần áo… Với những kỹ năng này, trẻ sẽ có thể tự tin khi bước vào môi trường sinh hoạt tại trường.

“Trong khi đó, đối với trẻ ở lứa tuổi trung học, mối quan hệ bạn bè mang ý nghĩa quan trọng. Hoạt động chủ đạo của các em là học tập và giao tiếp với bạn bè. Từ đó, dự báo việc trở lại trường sau thời gian nghỉ dài là cơ hội gặp lại bạn bè, thầy cô. Các em có thể rất háo hức để chia sẻ cùng nhau những sự kiện, hoạt động đã trải qua”, chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, trong thời gian dài nghỉ học, rất có thể nhiều trẻ sẽ duy trì thói quen sử dụng điện thoại, Internet kéo dài. Hành động đó sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ. Do đó, cha mẹ cần nhắc con xây dựng thời gian biểu phù hợp để tránh tình trạng thức khuya, ăn uống không đúng bữa.

Như vậy, khi đi học lại, trẻ sẽ dễ dàng bắt nhịp sinh hoạt học tập như trước và có đủ sức khỏe, tinh thần tốt để đến trường.

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

“Chìa khóa” bảo đảm sức khỏe

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sau Tết, cần bồi dưỡng ăn uống đúng cách để giúp trẻ khắc phục mệt mỏi. Như vậy, các con sẽ đủ sức khỏe để trở lại trường sau thời gian dài ở nhà.

TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết, một thực đơn an toàn là cần duy trì ăn uống đa dạng thực phẩm, bảo đảm đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.

Bữa sáng rất quan trọng, nên ăn sáng thật no và đầy đủ dinh dưỡng. Mọi người cũng nên ăn đủ ngày ba bữa, nên ăn ít chất bột đường, chất béo. Đồng thời, nên ăn nhiều thịt nạc, rau, củ, quả, tránh ăn nhiều bánh kẹo dẫn đến chán ăn bữa chính. Nên hạn chế ăn quá nhiều trong một bữa. Bởi khi đó, cơ thể chưa kịp tiêu hóa. Nếu ăn tiếp bữa khác sẽ làm tăng cân nhanh.

Trái cây là thực phẩm được khuyến cáo nên dùng nhiều nhất trong những ngày Tết. Bởi, đây là nguồn cung cấp vitamin quan trọng. Đồng thời, là nguồn cung cấp nước, chất xơ. Nhờ đó, giúp cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều năng lượng, nhiều đạm, nhiều béo trong những ngày xuân.

Đương nhiên, để tốt nhất cho sức khỏe, chỉ nên ăn những loại trái cây còn tươi, sạch sẽ không dập nát, không có những vết thâm hay úng bên trong thịt quả cho dù vỏ bên ngoài tươi đẹp. Đặc biệt, những loại trái cây như cam, quýt, bưởi rất tốt cho những ngày này vì nhiều nước, nhiều chất xơ, giàu vitamin C, có lớp vỏ tự nhiên có thể bảo quản lâu và thuận tiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.