5 “bí kíp” giúp trẻ vui khi đến trường

GD&TĐ - Phần lớn trẻ em ở Australia đã trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài.

Trẻ có thể vừa vui và căng thẳng sau kỳ nghỉ. Ảnh minh họa
Trẻ có thể vừa vui và căng thẳng sau kỳ nghỉ. Ảnh minh họa

Các em đều trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ thực sự phấn khích, háo hức, cho đến lo lắng, sợ hãi hoặc bồn chồn. Tuy nhiên, những cảm xúc đan xen này được cho là phổ biến khi trẻ sắp trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học.

Trong số đó, những lo lắng lớn nhất của trẻ ở lứa tuổi mầm non là cảm thấy bị bỏ rơi, bị trêu chọc hoặc nói lời tạm biệt với cha mẹ/ người chăm sóc khi tới trường. Một cuộc khảo sát cho thấy, mối quan tâm của trẻ em trong độ tuổi đi học là về các kỳ thi (27%), không muốn trở lại trường học (13%) và các vấn đề với giáo viên (14%). Ngoài ra, một số trẻ em cho biết cảm thấy cô đơn và bị cô lập. Bên cạnh đó, mối quan tâm chính của thanh thiếu niên là đối phó với căng thẳng (44,7%), các vấn đề ở trường hoặc học tập (34,3%) và sức khỏe tâm thần (33,2%).

Không nghĩ đến trường học cho đến khi phải quay lại là một cách để tận hưởng tuần cuối cùng của kỳ nghỉ. Nhưng đối với một số người, điều này có thể khiến việc đi học trở lại khó khăn hơn.

Christine Grove - giảng viên kiêm Nhà tâm lý học Giáo dục và Phát triển cùng Kelly-Ann Allen - nhà tâm lý học Giáo dục và Phát triển và Giảng viên cao cấp, Đại học Monash đã chia sẻ những “bí quyết” giúp giảm bớt những trải nghiệm tiêu cực ở trường học đối với trẻ.

1. Thiết lập thói quen trở lại trường học

Sau kỳ nghỉ, điều cần thiết là phụ huynh tạo cho con thói quen khi quay lại trường. Để thực hiện điều này, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ kiến thức về những gì hỗ trợ tốt nhất cho con trong thời gian thay đổi. Các chuyên gia gợi ý, cha mẹ có thể thiết lập một biểu đồ thực tế để trẻ chuẩn bị và cảm thấy sẵn sàng. Biểu đồ này có thể bao gồm những việc cần làm mỗi ngày trước khi đến trường như: Thức dậy, ăn sáng, mặc quần áo. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần chú ý tới một số vấn đề như: Trẻ sẽ cần sự giúp đỡ nào từ cha mẹ để sẵn sàng?

Những việc gì con có thể làm một mình? Sau đó, cha mẹ và con hãy thiết lập những điều này cùng nhau.

Tuần đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ dài có thể gây gián đoạn chế độ nghỉ ngơi của trẻ. Vì vậy, yếu tố quan trọng là cha mẹ không quên những thói quen lành mạnh về giấc ngủ (khoảng 9 - 11 giờ đối với trẻ 5 - 13 tuổi và 8 - 10 giờ đối với trẻ 14 - 17 tuổi), tập thể dục (khoảng một giờ mỗi ngày đối với hoạt động thể chất trung bình đến mạnh với tần suất ba lần một tuần) và chế độ ăn phù hợp.

Đi ngủ và thức dậy đều đặn cũng giúp ích cho trẻ. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia đề nghị, cha mẹ cần thiết lập thói quen giác ngủ cho trẻ hai tuần trước ngày đầu tiên đi học. Và, cha mẹ được khuyến khích trở lại trường học cùng con. Do đó, phụ huynh hãy cân nhắc điều chỉnh lịch trình. Nhờ đó, giúp quá trình thay đổi từ nghỉ sang học của con suôn sẻ hơn. Nếu không thể đưa con tới trường vào buổi sáng, cha mẹ nên sắp xếp các buổi tối để dành nhiều thời gian hơn bên trẻ, đặc biệt là trong tuần đầu tiên con trở lại trường.

2. Nói về việc đi học lại

Hầu hết trẻ em đối phó với một số mức độ căng thẳng hoặc lo lắng về trường học. Trẻ có cái nhìn sâu sắc về trải nghiệm ở trường. Vì vậy, cha mẹ được khuyên nên tìm hiểu về điều khiến con lo lắng bằng cách hỏi trực tiếp.

Phụ huynh hoàn toàn có thể hỗ trợ bằng cách bình thường hóa trải nghiệm lo lắng và căng thẳng. Hãy trấn an con về cảm giác chung của chúng. Động viên rằng, con có khả năng sẽ vượt qua khi đã ổn định. Bởi, lo lắng và can đảm có thể tồn tại cùng nhau.

3. Giúp con có cảm giác thân thuộc với trường học

Cảm giác thân thuộc ở trường có thể ảnh hưởng đến sự thành công trong học tập và hạnh phúc của học sinh. Cha mẹ có thể tạo điều kiện cho trẻ có thái độ tích cực về trường học, bằng cách thể hiện giọng điệu khích lệ khi nói về điều đó.

Đồng thời, phụ huynh nên thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống và công việc ở trường, cũng như sẵn sàng hỗ trợ con cả về mặt học tập và xã hội. Hơn 1/2 số phụ huynh trong một cuộc khảo sát cho biết, bài tập về nhà và bài vở ở trường là nguyên nhân gây căng thẳng lớn nhất cho con họ. Khi cha mẹ quan tâm nhiều hơn tới bài tập ở trường của con, họ sẽ có khả năng hỗ trợ trẻ tốt hơn.

4. Để ý các dấu hiệu căng thẳng

Nghiên cứu cho thấy rằng, cha mẹ có thể bỏ qua sự căng thẳng hoặc lo lắng ở con. Do đó, cha mẹ có thể phát hiện ra căng thẳng nếu con họ cố gắng trốn khỏi lớp học, xuất hiện bồn chồn hoặc khóc, né tránh các hoạt động… Ngoài ra, học sinh nhỏ tuổi có thể cần quan tâm nếu thường xuyên mút ngón tay cái, quá gắn bó với đồ chơi…

Nếu những hành vi này kéo dài trong khoảng nửa học kỳ, cha mẹ hãy nói chuyện với giáo viên trong lớp hoặc điều phối viên của trường về những gì đang xảy ra. Từ đó, cùng nhau xây dựng chiến lược hỗ trợ. Với những trẻ có hành động này, có thể điều gì đó đang xảy ra nhiều hơn sự lo lắng thông thường ở trường học, chẳng hạn như bị bắt nạt.

5. Khuyến khích câu hỏi

Phụ huynh cần khuyến khích những câu hỏi mà trẻ em và thanh thiếu niên có thể đưa ra về học kỳ mới hoặc chương trình sau kỳ nghỉ. Trẻ có thể sẽ tự hỏi: Liệu có sự khác biệt nào so với trước đó? Thông thường, các trường sẽ cung cấp thông tin tới phụ huynh nếu có bất kỳ sự thay đổi nào. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa nhận được thông tin, cha mẹ có thể liên hệ để tìm hiểu kỹ hơn.

Quan trọng nhất, phụ huynh cần cho con biết rằng, không có gì là vượt quá giới hạn để chia sẻ. Bởi vậy, hãy sắp xếp thời gian cho những cuộc trò chuyện với trẻ. Đây là điều vô cùng cần thiết để giúp trẻ giải tỏa căng thẳng khi tới trường.

Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.