Vào ngày 26 tháng 4 năm 2025, các cuộc đụng độ vũ trang giữa Quân đội Pakistan và Ấn Độ đã xảy ra tại Thung lũng Leepa, nằm trong khu vực tranh chấp Kashmir.
Theo thông tin lan truyền trên nền tảng X và được xác nhận bởi các phương tiện truyền thông, lực lượng Pakistan đã xác định và phá hủy hai trạm kiểm soát của Ấn Độ ở khu vực Lipa, dọc theo Đường kiểm soát (LoC) phân chia phần Kashmir của Ấn Độ và Pakistan.
Sự cố này là diễn biến mới nhất trong một loạt các hành động leo thang căng thẳng sau vụ tấn công khủng bố gần đây ở Pahalgam khiến 26 người thiệt mạng.
Theo bài đăng trên trang mạng xã hội X, cuộc giao tranh ở Thung lũng Lipa bắt đầu từ một trận đấu súng dữ dội, trong đó cả hai bên đều sử dụng vũ khí hạng nhẹ lẫn hạng nặng.
Quân đội Pakistan đã thực hiện một chiến dịch nhằm phá hủy hai trạm kiểm soát của Ấn Độ, được cho là có vai trò kiểm soát lãnh thổ và ngăn chặn phiến quân xâm nhập.
Để đáp trả, Ấn Độ đã điều động tiêm kích của không quân và triển khai máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) để trinh sát. Hiện vẫn chưa có số liệu thương vong chính thức, nhưng Reuters đưa tin New Delhi xác nhận "có một số vũ khí hạng nhẹ bắn từ Pakistan" và "đã bị đáp trả thích đáng".
Cuộc xung đột xảy ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng sau vụ tấn công ngày 22 tháng 4 tại Pahalgam, khi phiến quân sát hại 26 khách du lịch.
Ấn Độ cáo buộc Pakistan hỗ trợ khủng bố, tuyên bố đình chỉ Hiệp ước nước Indus và đóng cửa biên giới Attari - Wagah.
Về phần mình, Pakistan gọi vụ tấn công Pahalgam là một "chiến dịch cờ giả" do Ấn Độ dàn dựng để biện minh cho hành động leo thang.
Thung lũng Lipa nằm đối diện với khu vực Pandu, đã từng xuất hiện trên báo chí vì các cuộc đụng độ biên giới trước đó. Năm 2019, tờ Times of India đưa tin, Quân đội Ấn Độ đã phá hủy các đồn bốt của Pakistan trong khu vực để đáp trả nỗ lực xâm nhập của phiến quân.
Cuộc tấn công hiện tại của Quân đội Pakistan có thể là phản ứng trước sự gia tăng hiện diện quân sự của Ấn Độ sau vụ Pahalgam. New Delhi đã triển khai thêm binh sĩ, máy bay không người lái và tiến hành chiến dịch "tìm kiếm và tiêu diệt" các chiến binh ở Kashmir, tờ The Guardian đưa tin.
Về mặt lịch sử, khu vực Kashmir vẫn là tâm điểm của cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan. Từ năm 1947, hai nước đã giao tranh để giành quyền kiểm soát lãnh thổ, dẫn đến 3 cuộc chiến lớn và nhiều trận giao tranh nhỏ.
Đường kiểm soát được thiết lập theo Hiệp định Simla năm 1972 thường xuyên trở thành hiện trường của các vụ xả súng.
Việc đưa vũ khí hạt nhân vào trực chiến hồi năm 1974 (Ấn Độ) và năm 1998 (Pakistan) đã làm gia tăng rủi ro, khiến mỗi sự cố đều có khả năng gây ra thảm họa.
Những diễn biến gần đây, bao gồm việc Pakistan tẩy chay các hội nghị thượng đỉnh khu vực và nhiều động thái ngoại giao cứng rắn rõ ràng chỉ làm gia tăng lo ngại.