Nguy cơ biến chứng ở người cao tuổi nhiễm cúm

GD&TĐ - Người cao tuổi nguy cơ cao mắc biến chứng hô hấp nghiêm trọng khi nhiễm cúm, như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng phổi do vi khuẩn.

Bệnh cúm xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh minh họa
Bệnh cúm xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh minh họa

Hằng năm, ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm. Người cao tuổi nguy cơ cao mắc biến chứng hô hấp nghiêm trọng khi nhiễm cúm, như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng phổi do vi khuẩn.

Những biến chứng nguy hiểm nhất

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, người cao tuổi nguy cơ cao mắc biến chứng hô hấp nghiêm trọng khi nhiễm cúm, như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng phổi do vi khuẩn. Các biến chứng khác có thể gặp gồm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy giảm chức năng tim nói chung và tăng nguy cơ đột quỵ tim.

PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh dẫn chứng, thống kê của UCLA Health trên những bệnh nhân cúm cao tuổi nhập viện cho thấy, biến chứng tim nghiêm trọng xảy ra ở khoảng 1/8 bệnh nhân. 7% trong số này tử vong.

Nhóm này có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim vào tuần đầu sau khi mắc cúm cao gấp 6 lần so với các bệnh khác. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm là viêm phổi và suy hô hấp, tác động gây rối loạn nhịp tim hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng suy tim.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, hằng năm, ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm. Bệnh cúm xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau. Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, nội tiết), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo Bộ Y tế, vắc-xin cúm an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ từ 70 - 90%. Ở những người lớn tuổi, vắc-xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh. Đồng thời, giảm 70 - 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm.

Một số nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ năm 2016 cho thấy, vắc-xin cúm có thể ngừa từ 15 - 45% nguy cơ nhồi máu cơ tim. Vắc-xin giúp giảm từ 30 - 57% nguy cơ nhập viện ở người già, giảm 79% nguy cơ nhập viện ở người bệnh tiểu đường. Đồng thời, giảm biến chứng, tỷ lệ tử vong do cúm ở bệnh nhân tim mạch. Ở những bệnh nhân nhập viện với hội chứng mạch vành cấp, nhóm tiêm vắc-xin ít gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn so với nhóm không tiêm (9,5% so với 19%).

Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2014 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ cũng cho thấy, tiêm phòng giảm nguy cơ nhập viện và giảm 74% nguy cơ diễn tiến nặng nhập khoa hồi sức nhi trong các mùa cúm 2010 - 2012.

Giảm 80% ca tử vong liên quan đến cúm (theo nghiên cứu năm 2018). Giảm chi phí y tế và tình trạng mất khả năng lao động do bệnh. Đặc biệt, giảm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, giúp tập trung nguồn lực điều trị cho các loại bệnh khác.

Tăng cường hệ miễn dịch

Theo BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, vắc-xin cúm không chỉ quan trọng với trẻ em, mà còn cần thiết cho cả người lớn. Tiêm vắc-xin ngừa cúm là một giải pháp toàn diện xây dựng “lá chắn thép” để bảo vệ sức khỏe.

Hầu hết những người mắc cúm thường ở tình trạng nhẹ, không cần chăm sóc y tế hoặc thuốc kháng virus và nhanh chóng hồi phục trong vòng vài ngày đến dưới 2 tuần.

Tuy nhiên, cúm mùa không đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Bởi, cúm có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như: Viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai… thậm chí là tử vong.

Cúm cũng khiến các bệnh lý mãn tính trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, người mắc bệnh hen suyễn mãn tính dễ bị các cơn hen suyễn kịch phát hành hạ nếu mắc bệnh cúm. Bệnh nhân suy tim sung huyết mãn tính có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn dưới sự tác động của cúm.

Chuyên gia dẫn chứng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo, ai cũng có thể mắc cúm mùa, không phân biệt độ tuổi, giới tính… đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nhất.

Những người được khuyến khích cần tiêm phòng cúm mùa càng sớm càng tốt gồm: Người trên 65 tuổi; phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai; trẻ em, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi; người có các bệnh lý mãn tính: Hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, ung thư… Người nhiễm HIV/AIDS; người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.

“Hiện chưa có thuốc điều trị hữu hiệu cho cúm. Nếu tỷ lệ tiêm ngừa vắc-xin không duy trì liên tụ̣c ở ngưỡng cao, cúm mùa vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và kinh tế nặng nề trên toàn cầu”, BSCKI Bạch Thị Chính cho biết.

Theo chuyên gia này, Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới nên virus cúm (cả virus cúm Nam bán cầu và cúm Bắc bán cầu) có thể xuất hiện quanh năm. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3 - 4 và 9 - 10 hằng năm. Bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa Đông - Xuân.

Bác sĩ Chính chia sẻ, việc tiêm ngừa cúm không có tác dụng phòng bệnh Covid-19, nhưng giúp tăng cường hệ miễn dịch, tạo miễn dịch bẩm sinh không đặc hiệu. Từ đó, mang lại sự bảo vệ bổ sung, giảm nguy cơ nhập viện, biến chứng nghiêm trọng do Covid-19 gây ra.

Quan trọng, các triệu chứng của bệnh cúm có rất nhiều điểm tương đồng với Covid-19 như sốt, sổ mũi, ho… Do đó, chủng ngừa vắc-xin cúm đầy đủ, đúng lịch sẽ giúp giảm nhầm lẫn triệu chứng của Covid-19 và cúm mùa. Từ đó, giúp điều trị bệnh kịp thời, giảm thiểu sự quá tải cho các cơ sở y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ