Nỗi sợ mang tên 'bệnh cúm': Những điều cần biết

GD&TĐ - Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do nhiều loại virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc cúm. Ảnh: INT
Trẻ em là đối tượng dễ mắc cúm. Ảnh: INT

Triệu chứng điển hình của bệnh gồm sổ mũi, đau họng, ho, đau nhức cơ, nhức đầu, sốt. Bệnh cúm thường sẽ xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em bởi thường được tập trung nhiều ở các trường học, nhà trẻ…

Có ba nhóm virus gây bệnh cúm chính là A, B và C. Trong đó, loại A, B gây ra dịch cúm hàng năm và đặc biệt, cúm A thường diễn biến phức tạp, dẫn tới nhiều biến chứng ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan công tác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: Đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Bệnh cúm lan truyền nhanh trên thế giới trong các mùa dịch cúm và gây nên gánh nặng về kinh tế.

Bệnh cúm nói chung gây ra nhiều biến chứng. Nếu bệnh cúm đồng nhiễm ở những người có hệ miễn dịch yếu thì các dấu hiệu lâm sàng có xu hướng trầm trọng hơn và cũng dễ để lại di chứng hơn.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai khi mắc cúm sẽ làm tăng nguy cơ viêm phổi, viêm phế quản, biến chứng nhiễm trùng máu dẫn đến giảm huyết áp, viêm tai giữa, viêm nội tâm mạc, viêm não, viêm màng não…

Cúm A

Virus cúm A liên tục thay đổi và thường gây ra dịch lớn diện rộng. Đây là bệnh phổ biến nhất do virus cúm A gồm các chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Không chỉ lây giữa người với người, loại này còn có khả năng lây nhiễm cho động vật. Các loài chim hoang dã thường đóng vai trò là vật chủ cho virus.

Virus cúm xâm nhập vào cơ thể qua màng nhầy của mũi, mắt hoặc miệng của con người. Mỗi khi chạm tay vào một trong những khu vực này, bạn có thể tự lây nhiễm virus. Chính vì vậy, việc giữ cho tay không ẩn chứa mầm bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng đóng vai trò rất quan trọng.

Mặc dù có thể gây ra các triệu chứng gần giống nhau nhưng cúm A không giống như cảm lạnh thông thường. Cúm thường nặng hơn cảm lạnh, triệu chứng cúm cũng dữ dội và xuất hiện đột ngột hơn. Người bị cúm dễ bị sốt, ớn lạnh, ho khan, nhức mỏi toàn thân, đau đầu. Một số ít bị đau họng đi kèm nghẹt mũi, hắt hơi hoặc các vấn đề về dạ dày.

Ngoài ra, cúm còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng xoang, viêm cơ, tổn thương đa cơ quan, suy hô hấp và làm nặng thêm các bệnh mãn tính. Chính vì thế, việc phòng ngừa cúm A là điều cần thiết.

Cúm A có thể xuất hiện ở bất cứ ai nên mọi lứa tuổi đều cần cẩn trọng. Trong đó, cúm là bệnh lý rất nguy hiểm với trẻ em. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của cúm như mất nước, nhiễm trùng tai, viêm phổi… thậm chí là tử vong nếu không chữa trị kịp thời, đúng cách.

Phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh 2 tuần nếu bị cúm thì dễ rơi vào tình trạng bệnh nặng hơn. Người cao tuổi trên 65 cũng có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng liên quan tới cúm.

Lý do không nhỏ là do hệ miễn dịch đã dần suy yếu theo tuổi tác. Một số bệnh mãn tính có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh mắc phải cúm. Người béo phì có tỷ lệ biến chứng nặng vì cúm cao hơn người có cân nặng khỏe mạnh.

Tiêm vắc-xin cho trẻ tại Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Ảnh: INT

Tiêm vắc-xin cho trẻ tại Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Ảnh: INT

Cúm B

Cúm B chỉ được tìm thấy ở người. Đây là loại virus lành tính, đa phần người bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi. Tuy nhiên, vẫn có những người có nguy cơ gặp biến chứng. Đó là phụ nữ đang mang thai; phụ nữ sau sinh chưa đầy 2 tuần; người có hệ miễn dịch yếu hoặc đang mắc một số bệnh mạn tính; trẻ em; người già trên 65 tuổi.

Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, so với các năm trước thì năm 2022 số lượng bệnh nhi mắc cúm B được ghi nhận tại bệnh viện có sự gia tăng đột biến.

Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2022, Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho 124 trẻ, con số này cao gấp 3 lần so với số liệu được tổng hợp trong cả năm 2020. Các bệnh nhi khi nhập viện điều trị chủ yếu có các biểu hiện như sốt cao liên tục, khó đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm theo ho, viêm họng, sổ mũi.

Một thực tế đáng báo động là khi thấy trẻ bị cúm, các gia đình thường không đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám mà thay vào đó sẽ tự mua thuốc về điều trị cho con tại nhà.

Chỉ đến khi các biểu hiện của trẻ nặng lên, gia đình mới cho trẻ đến bệnh viện thì khi đó rất có thể bệnh đã gây ra những biến chứng nặng không đáng có, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Vậy nên, đối với nhóm đối tượng là trẻ em bị cúm B, bố mẹ cần phải đưa trẻ đến thăm khám kịp thời, nhanh chóng tại các cơ sở y tế uy tín, tin cậy trước khi đưa ra những biện pháp điều trị tại nhà. Trường hợp, các bậc phụ huynh tự ý sử dụng thuốc không có ý kiến của bác sĩ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng cho trẻ.

Với loại bệnh do virus cúm B hay những virus khác gây ra, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị riêng. Các bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân để kê thuốc hạ sốt nhằm điều trị các triệu chứng xuất hiện trên người bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng.

Chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt; nghỉ ngơi trong phòng có không gian thoáng, môi trường đảm bảo sạch sẽ. Sử dụng các loại thực phẩm có chứa thảo dược, khoáng chất, vitamin giúp tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch, loại bỏ các mầm mống gây bệnh và ngăn ngừa biến chứng do virus. Bổ sung chất dinh dưỡng trong thực đơn mỗi ngày. Đồng thời, tiêm phòng cúm là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu đối với cả trẻ em và người lớn.

Cúm C

Bệnh nhân nhi điều trị tại Khoa Nhi của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Ảnh: Theo baobackan.com.vn

Bệnh nhân nhi điều trị tại Khoa Nhi của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Ảnh: Theo baobackan.com.vn

Bệnh gây ra bởi virus loại C, rất ít gặp và luôn nhẹ hơn các trường hợp do virus nhóm A, B. Cúm C có các triệu chứng lâm sàng không điển hình và chúng cũng không gây dịch, nhưng đã được phát hiện có ở người và động vật, trong đó trường hợp lây nhiễm cúm C từ động vật sang người là rất hiếm gặp nhưng cũng đã có những báo cáo ghi nhận.

Bệnh cúm C không quá nguy hiểm do các triệu chứng lâm sàng khá nhẹ, có thể tự khỏi, không để lại di chứng do bệnh. Cũng vì thế mà bệnh cúm C khó trở thành đại dịch như những đợt bùng phát cúm A.

Dù vậy, cúm C cũng mang đầy đủ đặc tính của virus cúm, nên cũng có khả năng diễn tiến xấu đối với những người có bệnh lý nền, hệ miễn dịch kém hay với những phụ nữ mang thai. Đặc biệt, đã có một số bằng chứng cho thấy virus cúm C có thể gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng ở trẻ em dưới 2 tuổi.

Virus cúm C chính là nguyên nhân gây bệnh cúm ở người và động vật. Tỷ lệ nhiễm với các chủng virus cúm rất cao, có thể lên đến 90% cả người lớn và trẻ em. Virus cúm có thể tồn tại sẵn trong cơ thể người ở dạng mầm bệnh, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát và gây bệnh.

Virus cúm C có xu hướng gây nhiễm trùng đường hô hấp, biểu hiện của cúm C thường chỉ ở mức độ nhẹ, không gây quá nhiều vấn đề về sức khỏe. Cúm C gây ra triệu chứng tương tự cảm lạnh, bao gồm đau họng, hắt hơi, sốt, ho khan, chảy nước mũi, nhức đầu, đau cơ và đau dây thần kinh cảm giác.

Thời gian ủ bệnh sau khi mắc virus cúm C là khoảng 2 ngày, sau đó bệnh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng lâm sàng. Trong 2 ngày chưa có dấu hiệu bệnh, virus cúm cũng có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường bên ngoài.

Nhìn chung, các triệu chứng cúm C khá nhẹ, gây cảm giác khó chịu và bất tiện trong quá trình sinh hoạt. Tùy vào triệu chứng, người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị hoặc không.

Thông thường, sau khoảng 5 ngày, triệu chứng cúm giảm dần, trong đó những cơn ho và cảm giác mệt mỏi vẫn tiếp tục kéo dài. Trong vòng 1 - 2 tuần, các dấu hiệu của cúm C sẽ hết hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những trường hợp cúm diễn tiến nặng hơn, có thể gây biến chứng ở những đối tượng có hệ miễn dịch kém.

Để chủ động phòng các loại cúm, nhất là trong trường học, bác sĩ Nguyễn Thị Lan khuyến cáo, học sinh cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây như người mang bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh.

Việc vệ sinh cá nhân, sử dụng khẩu trang khi ra ngoài và khi đến những nơi công cộng là phương pháp hiệu quả hạn chế nguy cơ tiếp xúc với virus.

Cần phòng tránh các loại cúm bằng cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay với chất làm sạch đồng thời vệ sinh mũi, họng với nước sát khuẩn. Giữ ấm cơ thể khi thay đổi thời tiết, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp với hoạt động tập thể thao để nâng cao thể trạng.

Ngoài ra, không nên tự ý sử dụng thuốc cảm cúm, đặc biệt với những đối tượng trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú, người có bệnh lý nền, người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh lý khác…

Bệnh cúm có xu hướng nhắm vào các đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người điều trị ung thư, người bị bệnh mạn tính… Những người sống hoặc làm việc trong các khu đông dân cư, khu công nghiệp có nhiều khả năng bị cúm hơn do tăng nguy cơ tiếp xúc với người mắc bệnh. Bệnh cúm thường xảy ra vào mùa Đông, thời điểm giao mùa do virus cúm sống lâu hơn trong nhà ở điều kiện không khí ẩm, lạnh. BS Nguyễn Thị Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.