Nguồn thu cho cơ sở GD Đại học: Xây dựng văn hóa hiến tặng

GD&TĐ - Cùng với các nguồn thu đến từ học phí, ngân sách Nhà nước, hợp tác với doanh nghiệp..., cơ sở giáo dục đại học có thể phát triển từ nguồn hiến tặng.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường
Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Chưa có thói quen

Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong lĩnh vực giáo dục đại học, hiến tặng được hiểu là cho tặng, hỗ trợ… các trường theo hình thức tự nguyện không hoàn lại bằng tiền, hiện vật hoặc phi vật chất...

Tuy nhiên, ở Việt Nam hoạt động này chưa phát triển, chú trọng - dù đây là một trong những nguồn thu lớn đối với các trường. “Chúng ta không có thói quen, văn hóa hiến tặng chưa hình thành rõ nét. Các hoạt động hiến tặng chủ yếu thông qua học bổng”, GS.TS Nguyễn Đình Hương nhìn nhận.

Quan điểm đầu tư cho giáo dục là trách nhiệm của Nhà nước còn phổ biến. Đây là rào cản khiến hoạt động hiến tặng trong lĩnh vực này hạn chế, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu thực tế. Ngoài ra, quá trình thực hiện vận động tài trợ, quản lý nguồn quỹ chưa chuyên nghiệp, tính giải trình chưa cao nên không tạo được niềm tin ở nhà tài trợ.

Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận thấy, một trong những rào cản khiến hoạt động hiến tặng trong lĩnh vực giáo dục đại học chưa phổ biến là tâm lý lo ngại, chưa yên tâm về mục đích sử dụng nguồn tài trợ. Họ chưa đủ tin tưởng về tính công khai và hoài nghi về sự vô tư trong sáng khi sử dụng nguồn tiền được cho tặng. Tâm lý này khiến họ e dè và chưa thực sự “mạnh tay” hiến tặng.

Trao học bổng cho sinh viên của Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Trao học bổng cho sinh viên của Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Thiếu hướng dẫn cụ thể

Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam viện dẫn, Khoản 2, Điều 98, Luật Giáo dục 2019 quy định, các khoản đóng góp, tài trợ cho giáo dục của tổ chức, cá nhân được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Còn tại Khoản 4, Điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học nêu: “Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên”.

“Quy định là vậy nhưng thực tế hoạt động hiến tặng ở nước ta còn lúng túng, chưa tạo được động lực vì thiếu hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, bên hiến tặng đã thực sự vô tư hay chưa? Liệu có kèm theo điều kiện hoặc quyền lợi gì từ việc hiến tặng?”, TS Lê Viết Khuyến đặt vấn đề.

Từ thực tiễn, GS.TS Nguyễn Đình Hương đề xuất, cần tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích hoạt động hiến tặng cho giáo dục đại học. Hoạt động này cần phát triển thành phong trào, với quy chế, điều lệ rõ ràng, tường minh.

Trước mắt, có thể xây dựng đơn vị tiên phong, “đầu tàu” để dẫn dắt. Ngoài ra, cần có chính sách khấu trừ thuế với các khoản tài trợ, quyên góp cho giáo dục. Mặt khác, thủ tục hiến tặng cần đơn giản, thuận tiện. Đặc biệt, công tác vận động, sử dụng, quản lý nguồn hiến tặng cần thực hiện công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hóa.

Ở góc nhìn khác, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần xây dựng chính sách đầu tư nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học theo mô hình “chia sẻ chi phí” giữa các bên. Chi phí đơn vị sẽ được chia sẻ, bao gồm: Ngân sách Nhà nước; học phí từ người học và đóng góp của cộng đồng.

Hiện, có ba vấn đề lớn về tài chính mà hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt là: Thiếu kinh phí; bất bình đẳng và thiếu tự chủ tài chính. Cùng đó là ba thách thức lớn về tài chính: Các trường đại học thiếu kinh phí một cách trầm trọng; mức học phí cho các trường công thấp; nguồn thu khác như dịch vụ, khoa học, công nghệ; viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng thấp.

Do vậy, GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh, cải cách tài chính cho hệ thống các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; Tự chủ tài chính cho các trường đại học; Thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường và chia thành ba kênh hỗ trợ: Trực tiếp cho từng trường; học bổng và tín dụng sinh viên; tài trợ nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp để tạo cơ chế gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất và dịch vụ trong các trường đại học. Theo đó, các trường đại học cần có chính sách thiết thực trong việc gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa sản phẩm được thị trường đón nhận. Đổi mới và xây dựng các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo, thành lập doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong các trường đại học.

Theo TS Lê Viết Khuyến, cần xây dựng văn hóa hiến tặng trong lĩnh vực giáo dục đại học. Muốn vậy, điều kiện tiên quyết là bên tặng và nhận phải vô tư, trong sáng, tuyệt đối không tư lợi. Mọi hoạt động liên quan đến hiến tặng phải được công khai, minh bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Danh mục hộp quà tặng tết cao cấp nhập khẩu