Thầy Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Đoàn Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú ATK Sơn Dương (Tuyên Quang) - cho biết: Hưởng ứng phong trào xây dựng văn hóa học đường, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, cuộc thi, diễn đàn có nội dung hay, hấp dẫn cho đoàn viên thanh niên.
Nhờ vậy, nhiều năm qua, nhà trường không có đoàn viên thanh niên vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội. Hầu hết, học sinh có bản lĩnh, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức và lối sống đẹp; có tri thức, sức khỏe, phẩm chất và năng lực tốt, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Em Hầu Thị Lan Anh - học sinh lớp 12A Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương - chia sẻ: Nhà trường và Đoàn trường luôn tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh để tổ chức các chương trình phù hợp. Từ các chương trình giáo dục kỹ năng sống, cũng như diễn đàn bổ ích, học sinh luôn tự rút ra được những bài học thiết thực cho bản thân, có thể vững tin xử lý các tình huống tương tự.
Còn theo cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Phan Việt Thống (Tiền Giang), xác định tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường, thời gian qua, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục học sinh về việc xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn, nâng cao văn hóa ứng xử trong trường học.
Phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực được phát động nhằm “thiết lập lại môi trường sư phạm với 6 đặc trưng là trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả”. Trường đã đưa các trò chơi dân gian vào hoạt động tập thể, vui chơi giải trí của học sinh; tổ chức hội thể thao cấp trường giúp học trò rèn luyện sức khỏe và giải trí sau những ngày học tập căng thẳng. Các môn được tổ chức như: Kéo co, nhảy bao bố, đua xe đạp chậm, cầu lông, bóng đá mini, đẩy gậy, vật tay, nhảy xa, thu hút được sự quan tâm đông đảo của học sinh toàn trường.
Còn tại Hà Nội, để xây dựng văn hóa học đường, các trường đã triển khai giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh và thu được kết quả khả quan. Cùng với đó, các trường luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa ứng xử, giao tiếp văn minh trên tinh thần tôn sư trọng đạo, giáo dục học sinh ngoan ngoãn, lễ phép.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.
Ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường. Một trong những giải pháp mới của ngành trong năm học 2022 - 2023 là triển khai phong trào quận giúp huyện, trường giúp trường nhằm nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, giảm dần sự chênh lệch giữa các địa bàn, góp phần tăng hiệu quả xây dựng văn hóa học đường.