Qua đây, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao tay nghề, năng lực sư phạm, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới.
Với SHCM, thầy cô có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong nghề nghiệp; hình thành các mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp, xây dựng môi trường học tập và tự học suốt đời.
Tổ chức SHCM càng quan trọng khi triển khai Chương trình GDPT 2018 với việc nhà trường được giao quyền chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn; phát huy tính chủ động, sáng tạo tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện chương trình.
SHCM được tổ chức tại trường hoặc cụm trường và thường diễn ra theo hai hình thức là tổ chức chuyên đề, dự giờ trao đổi kinh nghiệm về bài học.
Trước đây, vấn đề cốt lõi của SHCM thường là tổ chức dự giờ rút kinh nghiệm, đánh giá, xếp loại giáo viên; tiết dạy. Bài dạy minh họa được coi là bài dạy mẫu và được thiết kế theo mẫu chung, bám sát SGK, sách giáo viên; ít khi thầy cô dám thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
Phương pháp dạy học do đó thường máy móc, không linh hoạt. Khi dạy, giáo viên cố gắng làm “tròn vai”, tuân thủ thời gian, chủ yếu tập trung vào học sinh khá giỏi. Để đối phó với việc đánh giá, xếp loại tiết dạy, một số giáo viên đã “chuẩn bị trước”, đa số các tiết dạy minh họa thường mang tính “biểu diễn”, “trình diễn”…
Cũng bởi mục đích đánh giá, xếp loại tiết dạy nên người dự giờ thường tập trung theo dõi giáo viên dạy, ít chú ý đến người học. Không khí buổi SHCM thường nặng nề và giáo viên dạy hầu như chỉ biết lắng nghe một chiều từ các ý kiến đóng góp. Cũng do cách làm này nên kết quả học tập của học sinh ít được cải thiện. Những học sinh gặp khó khăn trong học tập thường bị giáo viên “bỏ quên”.
Trước thực trạng trên, Bộ GD&ĐT đã có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Trong đó có thể kể đến Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH năm 2014 hướng dẫn SHCM về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm GDTX qua mạng; Công văn 1315/BGDĐT-GDTH năm 2020 hướng dẫn SHCM thực hiện Chương trình GDPT cấp Tiểu học. Đổi mới SHCM theo hướng nghiên cứu bài học được đặc biệt nhấn mạnh.
Thay vì hướng đến đánh giá giáo viên, SHCM theo nghiên cứu bài học hướng đến giáo viên, bảo đảm tất cả học sinh tham gia quá trình học tập. Dạy minh họa không còn những tiết “trình diễn” vì mục đích của SHCM không phải để đánh giá tiết dạy mà chủ yếu cùng nhau trải nghiệm và học tập từ thực tế, tạo cơ hội cho giáo viên phát triển năng lực chuyên môn, phát huy khả năng sáng tạo.
Hiện nay, triển khai SHCM theo hướng nghiên cứu bài học không còn xa lạ và đem đến luồng gió mới, hình thành văn hóa góp ý trong các nhà trường. Tuy nhiên, khi triển khai còn gặp khó khăn bởi hạn chế về không gian lớp học, đồ dùng dạy học. Giáo viên phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ, trong khi đó để tổ chức một buổi SHCM, nhất là SHCM theo nghiên cứu bài học cần đầu tư nhiều thời gian, tập trung trí lực của một nhóm giáo viên.
Một số nhóm bộ môn ghép các môn, chỉ có một hoặc hai giáo viên trong một nhóm, nên dự giờ, thao giảng sẽ khó khăn khi trao đổi chuyên môn, góp ý đánh giá sau tiết dạy. Môn Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên theo Chương trình GDPT 2018 hầu hết chưa có giáo viên đảm nhận được toàn bộ môn học nên thực hiện SHCM cũng gặp khó…
Có thể nói, thay đổi từ SHCM truyền thống sang dựa trên phân tích hoạt động học tập của học sinh cần có thời gian chuẩn bị, đặc biệt về nhận thức. Trong đó, phải thực sự coi SHCM môn là nền tảng, biện pháp quan trọng để thay đổi chất lượng học tập của học sinh và văn hóa nhà trường.