Mũi tên hướng tới nhiều đích
Rõ ràng, đối với học sinh (HS) phổ thông, NCKH là hoạt động mới mẻ, khó khăn, đòi hỏi tư duy sáng tạo, thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện… nhưng hấp dẫn và tất yếu mang lại nhiều hiệu quả tốt.
Khi tiến hành hoạt động NCKH, HS được vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, được tương tác, thực hiện trọn vẹn cả quá trình sáng tạo đó. Trong quá trình HS NCKH, các thầy cô giáo, nhà khoa học chỉ đóng vai trò hướng dẫn, cố vấn. HS tự mình giải quyết, áp dụng giữa lí thuyết và thực hành sao cho sáng tạo linh hoạt nhất.
Học sinh tiến hành NCKH thực sự là hoạt động góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Hoạt động này là môi trường để HS nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, khơi dậy sự nhiệt tình, tính chủ động say mê NCKH; giúp HS phát huy được tính sáng tạo, phát triển năng lực nghiên cứu, phong cách làm việc khoa học, sự tìm tòi, ý thức mong muốn cải tiến và đổi mới trong chính mỗi sản phẩm nghiên cứu của mình.
NCKH cho HS cơ hội để thể hiện các kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tổ chức, kĩ năng thuyết trình… HS thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động giáo dục. Được giáo dục toàn diện, biết ứng dụng lý thuyết vào thực hành, có khả năng chủ động trong cuộc sống, tăng kĩ năng hợp tác, đánh giá và thúc đẩy quá trình tự hoàn thiện của mỗi cá nhân…
Thúc đẩy đam mê
NCKH giúp tăng cường khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực hành. Ảnh: Thanh Long |
Làm gì để HS đam mê NCKH? Làm sao để hoạt động NCKH được nhân rộng và phát triển thực chất trong các nhà trường là vấn đề đòi hỏi có sự vào cuộc từ phía các thầy cô giáo và Ban Giám hiệu nhà trường.
Trên cương vị người hướng dẫn HS NCKH nhiều năm, thầy giáo Phạm Đức Khương - THCS Hiệp Hòa (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ kinh nghiệm “thổi” đam mê NCKH cho HS: Cần dẫn dắt các em từ những ý tưởng ban đầu, đơn giản hóa các sự việc phù hợp với kiến thức trình độ của HS.
Mặt khác, phải lựa chọn được lĩnh vực phù hợp với dự án đang nghiên cứu để làm cơ sở dữ liệu cho việc thực hiện dự án. Bước đầu cơ bản hình thành cách các em tiếp xúc và thực hiện dự án như thế nào, thực hiện dự trù trong khoảng thời gian bao lâu. Cùng HS dự đoán các khó khăn có thể xảy ra liên quan đến quá trình thực hiện dự án NCKH cùng cách khắc phục các khó khăn… Đặc biệt, lĩnh vực chọn trong cuộc thi nên gần gũi thực tế với đời sống nơi HS đang học tập và nghiên cứu. Dự án có thể chỉ cần đơn giản, dễ làm nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện, nếu nhân rộng thì bất kể cá nhân nào cũng có thể làm được nếu đọc qua tài liệu…
Cô giáo Nguyễn Thị Dạ Ngân - Trường THPT Đồng Dậu (Vĩnh Phúc) lại cho rằng để nhân rộng NCKH trong nhà trường tốt nhất, “thổi” lên trong mỗi HS ý thức đam mê NCKH thì GV phải biết lập kế hoạch khả thi triển khai hoạt động NCKH. Cùng đó nâng cao nhận thức và hiểu biết công tác NCKH đến từng cán bộ, GV, HS, CMHS.
Mặt khác cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm kiếm ý tưởng và tổ chức các cuộc thi cấp trường bắt đầu bằng việc phát động xây dựng “Ý tưởng sáng tạo” trong HS. Ý tưởng phải xuất phát từ chính bản thân HS trong quá trình học tập và nhu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng đã biết vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống. HS hiện thực hóa ý tưởng một cách tự nguyện, đam mê và kiên trì thực hiện.
Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề kinh phí và cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động NCKH cần có sự hỗ trợ, kết hợp từ phía nhà trường với Ban đại diện cha mẹ HS ngay từ đầu năm học để dự toán hỗ trợ nguồn kinh phí cho các đề tài. Làm tốt công tác vận động, huy động nguồn kinh phí để hỗ trợ công tác NCKH...