Nguồn gốc tiêm chủng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 khiến tiêm chủng trở thành chủ đề nóng trên thế giới. Không phải mới đây, mà chủng ngừa đã có lịch sử lâu đời với nhiều điều thú vị.

Bức tranh mô tả cảnh tiêm chủng ở Anh vào năm 1802.
Bức tranh mô tả cảnh tiêm chủng ở Anh vào năm 1802.

Từ Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại, đến Anh Quốc thế kỷ 18, các phương pháp tiêm chủng ngừa bệnh từng phổ biến rộng rãi. 

Phát xuất từ Trung Quốc và Ấn Độ

Các phương pháp chủng ngừa ban đầu đều nhắm vào một căn bệnh gây chết người, đó là đậu mùa. Các ghi chép sớm nhất về tiêm chủng đều mô tả đây là một nỗ lực nhằm loại bỏ bệnh đậu mùa khỏi Trung Quốc và các khu vực khác, như châu Âu.

Với rất nhiều loại vắc-xin bắt buộc cho trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn, chúng ta hiện không còn sợ hãi như thời kỳ đậu mùa bùng phát vào đầu thế kỷ 16 đến thế kỷ 20. Tuy nhiên, có được như vậy là một hành trình dài, đầy thử thách của y học.

Chủng ngừa được cho là đã xuất hiện từ khoảng năm 1.000 thuộc Công nguyên, do các đạo sĩ hoặc nhà sư Phật giáo phát triển, có sự kết hợp giữa y học và phép thuật, cho nên việc ghi lại phương pháp này không được khuyến khích.

Các ghi chép chính thức về chủng ngừa ở Trung Quốc xuất hiện vào cuối những năm 1600. Hoàng đế Khang Hy lúc đó đã công khai tuyên bố ông và hoàng gia đã chủng ngừa nhằm tránh mắc căn bệnh đậu mùa nguy hiểm. Điều này đã khuyến khích các thầy thuốc Trung Quốc xuất bản cẩm nang y học, hướng dẫn các phương pháp tiêm chủng cho công chúng.

Theo đó, đầu tiên là lấy vảy từ vết thương của bệnh nhân bị nhiễm rồi nghiền thành bột để ngậm hoặc pha với nước uống. Chất lỏng từ mụn đậu mùa cũng được thấm vào vải để nhét vào mũi của những người muốn được chủng ngừa, nhằm tạo ra phản ứng miễn dịch.

Tuy nhiên, một số người cho rằng Ấn Độ mới là nơi phát triển chủng ngừa trước tiên, vì họ đã sử dụng kim tiêm trước Trung Quốc. Các ghi chép từ thế kỷ 18 tiết lộ rằng, những người Bà La Môn đã lấy kim sắt nhọn, nhúng vào mụn mủ của người bị nhiễm bệnh rồi châm vào da của người chưa bệnh.

Một tài liệu từ năm 1731 của Oliver Coult có ghi thủ thuật này lần đầu tiên được thực hiện bởi một thầy thuốc tên Dununtary ở Champanagar hơn 150 năm trước đó. Điều này cho thấy, phương pháp tiêm chủng đã được sử dụng vào khoảng những năm 1580, cùng thời với việc chủng ngừa ở Trung Quốc.

Cũng có người cho rằng, việc tiêm chủng đã được thực hiện ở Ấn Độ từ hàng nghìn năm trước, nhưng các văn bản có trước tài liệu của Coult đều chỉ bàn về bệnh đậu mùa và cách điều trị chứ không đề cập việc tiêm chủng cụ thể.

Mặc dù quốc gia nào phát triển chủng ngừa trước tiên còn nghi vấn, nhưng nhiều nhà sử học tin rằng, cả hai phương pháp ở Ấn Độ và Trung Quốc độc lập với nhau, không được chia sẻ cho đến sau những năm 1500.

Các thầy thuốc Ấn Độ được cho là đã phát triển chủng ngừa đầu tiên.

Các thầy thuốc Ấn Độ được cho là đã phát triển chủng ngừa đầu tiên.

Chủng ngừa đến châu Âu

Bức tranh cổ của Trung Quốc cho thấy một người có dấu chủng ngừa ở tay.
Bức tranh cổ của Trung Quốc cho thấy một người có dấu chủng ngừa ở tay.
Khi có nhiều bệnh gây ra các triệu chứng lâu dài và tử vong, thúc đẩy sự tiến bộ trong y học là cần thiết. Tài trợ thêm cho công nghệ trong y học là điều cấp bách nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Với nỗ lực của các nhà khoa học và các chuyên gia y tế, hy vọng một ngày nào đó chúng ta có thể sống trong một thế giới hoàn toàn không còn dịch bệnh.

Chủng ngừa được giới thiệu đến châu Âu và Đế chế Ottoman vào thế kỷ 18, sau khi xuất hiện một bức thư của Emanuel Timonius tại  

Constantinople đăng trên tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society.

Bức thư này đã được John Woodward đọc ở Hiệp hội Hoàng gia, sau đó nhiều người có uy tín cũng gửi thư đến hiệp hội để phổ biến những gì mà họ biết về việc tiêm chủng ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi.

Khi những thông tin này lan rộng khắp châu Âu, bà Mary Wortley Montagu, phu nhân của Đại sứ Anh tại Đế chế Ottoma, đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và tận mắt chứng kiến việc tiêm chủng đang phát huy tác dụng.

Được nhớ đến như một “nhà khoa học tiên phong và nhà đấu tranh cho nữ quyền vào thế kỷ 18”, Wortley Montagu từng sống sót sau khi mắc bệnh đậu mùa, đã tiêm ngừa đậu mùa cho con trai mình ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó quay trở lại châu Âu và đưa con gái đến gặp bác sĩ người Scotland, Charles Maitland, để được tiêm.

Việc tiêm chủng của gia đình nhà chính trị này đã truyền bá nhanh chóng cho khái niệm ngừa bệnh theo phương pháp mới, giúp các quan chức có thêm thông tin để khuyến khích người dân tiêm chủng chống bệnh đậu mùa.

Một số tài liệu cho rằng, việc tiêm chủng đã tồn tại ở châu Âu từ những năm 1600, nhưng chưa trở nên phổ biến như ở các nơi khác trên thế giới. Phương pháp phổ biến ở đây cũng tương tự như ở Ấn Độ, kim sẽ được nhúng vào mụn mủ của người bệnh rồi đâm vào da của người lành để gây nhiễm trùng.

Ngoài dịch mủ, một số thầy thuốc còn dùng vảy vết thương nghiền thành bột rồi nhúng kim vào. Nhiều người thậm chí còn cố gắng chủng ngừa mà không cần đến thầy thuốc, bằng cách mua vảy vết thương từ những người bị nhiễm bệnh rồi chà xát vào vết thương hở của mình.

Các khu vực khác của châu Âu cũng đã thử các phương pháp chủng ngừa ít phổ biến hơn. Có thể đơn giản bằng cách cho trẻ cầm vảy trên tay trong vài giờ để làm cho đậu mùa thấm qua da chúng. Các gia đình khác còn lấy quần áo của những đứa trẻ bị nhiễm bệnh, mặc cho trẻ không bị nhiễm để tạo miễn dịch cho chúng.

Đôi khi, họ còn dùng một sợi chỉ nhỏ ngâm trong dịch của mụn đậu mùa và quấn quanh cổ tay của một đứa trẻ để thử cấy mầm bệnh vào. Sử dụng kim để đưa chất liệu bị nhiễm bệnh vào da là phương pháp phổ biến nhất ở châu Âu vào thời điểm này.

Tuy nhiên, trong việc tiêm chủng, họ cẩn trọng hơn so với một số quốc gia khác. Trên thực tế, họ quan tâm đến những tác động của thí nghiệm y học, đến nỗi lần đầu tiên họ đã thử cấy bệnh đậu mùa trên các tù nhân, nói với những người này rằng nếu sống sót sau khi được tiêm chủng sẽ được trả tự do. Điều này đã vô tình dẫn đến nhiều tù nhân được phóng thích cho thấy phương pháp tiêm chủng khá hiệu quả.

Sự ra đời của vắc-xin

Bác sĩ Edward Jenner, lần đầu tiên tiêm phòng bệnh đậu mùa cho một cậu bé vào năm 1796.
Bác sĩ Edward Jenner, lần đầu tiên tiêm phòng bệnh đậu mùa cho một cậu bé vào năm 1796.

Edward Jenner, một bác sĩ người Anh, đã bắt đầu nghiên cứu ảnh hưởng của việc tiêm chủng vào cuối những năm 1700. Sau nhiều năm học việc nơi một bác sĩ đồng quê, Jenner bắt đầu nghiên cứu các phương pháp cấy bệnh đậu mùa, sau khi thấy một số lượng lớn nông dân chăn nuôi bò sữa không bị nhiễm bệnh này.

Ông lưu ý bệnh đậu mùa ở bò, do một loại virus liên quan đến bệnh đậu mùa ở người nhưng yếu hơn, có thể là chìa khóa để đánh bại căn bệnh gây chết chóc này. Theo ông, khi loại vi khuẩn bị suy yếu được tiêm vào người, cơ thể sẽ tự phát sinh ra một yếu tố kháng lại bệnh đó.

Vì thế, những người đã được tiêm sẽ không mắc bệnh đậu mùa nữa. Năm 1796, Jenner quyết định kiểm tra lý thuyết của mình bằng cách cấy chất dịch từ mụn đậu mùa bò cho một cậu bé. Kết quả cho thấy, cậu bé đã được miễn dịch với bệnh.

Sau thành công này, Jenner đã đặt ra thuật ngữ “tiêm chủng” (vaccination), bắt nguồn từ thuật ngữ vaccinus trong tiếng Latin, có nghĩa là “của, hoặc từ bò”. Ông tiếp tục điều trị cho những người khác trên khắp nước Anh và được biết đến như là “Cha đẻ của tiêm chủng”.

Sau thành công của Jenner, các loại vắc-xin khác đã được đưa vào sử dụng, bao gồm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, quai bị và rubella. Nghiên cứu vắc-xin khác cũng đã tạo ra vắc-xin chống viêm gan A và B, cũng như vắc-xin phòng bệnh cúm hằng năm.

Vắc-xin kết hợp cũng trở nên phổ biến, tiêm chủng cho bệnh nhân chống lại nhiều bệnh trong một loại vắc-xin (chẳng hạn như MMR đối với bệnh sởi, quai bị, rubella). Chất tăng cường cho vắc-xin cũng trở nên phổ biến hơn để bảo vệ con người chống lại bệnh tật lâu dài, với một số loại vắc-xin cần nhiều chất tăng cường hơn những loại khác.

Gần đây nhất, một loại vắc-xin cũng như vắc-xin tăng cường đã được tạo ra cho Covid-19 và các loại vắc-xin khác đang được nghiên cứu cho các bệnh như viêm gan C, Ebola, sốt rét và sốt Lassa. Ngoài việc phát triển các loại vắc-xin mới cho các bệnh khác, nghiên cứu y học hiện nay đang tập trung vào việc tạo ra vắc-xin hiệu quả hơn về lâu dài.

Trong khi nhiều loại vắc-xin cần liều tăng cường để duy trì phản ứng miễn dịch (chẳng hạn như tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19, hoặc tiêm phòng cúm hằng năm), sự tiến triển trong nghiên cứu mới có thể giúp cải thiện các loại vắc-xin hiện tại để chúng tồn tại, có hiệu quả suốt đời.

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.