Dự đoán về nguồn gốc của Ryugu

GD&TĐ - Hơn một năm sau khi sứ mệnh Hayabusa2 mang mẫu bề mặt đầu tiên của tiểu hành tinh Ryugu về Trái đất, các nhà khoa học đã xác định, tiểu hành tinh này là tàn tích nguyên sơ từ quá trình hình thành Hệ Mặt trời.

Tiểu hành tinh Ryugu có hình dạng như một viên kim cương.
Tiểu hành tinh Ryugu có hình dạng như một viên kim cương.

Kết quả đầu tiên

Đây là mẫu vật đầu tiên được đưa trở lại Trái đất từ một tiểu hành tinh giàu carbon. Những tiểu hành tinh như Ryugu được cho là có thể tiết lộ về cách vũ trụ của chúng ta được hình thành.

Các khoáng chất hữu cơ trong những tiểu hành tinh này cũng có thể làm sáng tỏ nguồn gốc của quá trình hình thành sự sống. Ryugu là một tiểu hành tinh tối, hình kim cương, rộng khoảng 3.000 feet (1 km). Tàu vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản đã thu thập mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh này vào ngày 22/2/2019.

Hayabusa2 đã bắn một “viên đạn” bằng đồng vào tiểu Ryugu. Nhờ đó, tạo ra một hố va chạm rộng 33 foot (hơn 10m). Trong khi đó, mẫu vật khác được thu thập từ miệng núi lửa trên tiểu hành tinh này vào ngày 11/7/2019. Sau đó, tàu vũ trụ Hayabusa2 bay ngang qua Trái đất và thả mẫu thu được xuống Australia vào tháng 12 năm ngoái.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, tiểu hành tinh loại C này tối hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu của các nhà khoa học. Cụ thể, Ryugu chỉ phản xạ khoảng 2% ánh sáng chiếu vào nó.

Ông Toru Yada - tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu cấp cao của Khoa học vũ trụ và du hành vũ trụ, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Nhật Bản - cho biết, sau khi mở mẫu, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên. Bởi, họ phát hiện, con tàu vũ trụ đã thu thập 5,4g mẫu vật từ tiểu hành tinh Ryugu. Khối lượng này lớn hơn nhiều so với mong đợi là 1g.

Trong nghiên cứu khác, cũng được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, các nhà khoa học đã xác định rằng, Ryugu hình thành từ đất sét và các khoáng chất khác, bao gồm cacbonat và một số chất hữu cơ bên trong mẫu. Đây là những kết quả đầu tiên được công bố về mẫu trên tiểu hành tinh Ryugu.

“Bộ sưu tập độc nhất vô nhị”

Hayabusa2 đáp xuống tiểu hành tinh, lấy mẫu vật.
Hayabusa2 đáp xuống tiểu hành tinh, lấy mẫu vật.

Ryugu được đánh giá là có những đặc điểm tương tự chondrit cacbon - thiên thạch nguyên thủy giàu chất hữu cơ. Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London (Anh), có khoảng 65.000 thiên thạch đã rơi xuống Trái đất. Tuy nhiên, chỉ 1.206 thiên thạch được chứng kiến rơi xuống.

Trong số này, có 51 thiên thạch là chondrit cacbon. Tuy nhiên, khi so sánh với đá chondrit cacbon, tiểu hành tinh Ryugu tối, xốp và dễ vỡ hơn dự kiến. Mật độ của các mẫu thu thập cũng thấp hơn nhiều so với bất kỳ thiên thạch được nghiên cứu nào khác.

Mật độ thấp này phù hợp với ý tưởng rằng, tiểu hành tinh Ryugu là một đống nhỏ các mảnh vụn được kết dính với nhau bởi lực hấp dẫn. Các mẫu này đã giúp các nhà nghiên cứu khẳng định những suy luận khi tàu vũ trụ Hayabusa2 ở gần Ryugu.

Cedric Pilorget - tác giả chính của nghiên cứu thứ hai và là Phó Giáo sư tại Đại học Paris (Pháp) - cho biết: “Một vài trong số những đặc tính này gần giống của chondrit cacbon. Trong khi đó, có một số khác biệt rõ ràng. Do đó, những mẫu này tạo thành một bộ sưu tập quý giá độc nhất vô nhị.

Đồng thời, có thể góp phần giúp xem xét lại các mô hình về nguồn gốc và sự tiến hóa của Hệ Mặt trời chúng ta”. Mẫu thu thập từ những tiểu hành tinh như Ryugu mang đến cho các nhà nghiên cứu một cơ hội hiếm có.

Nhờ đó, giúp nghiên cứu trực tiếp những tàn dư từ nguồn gốc của Hệ Mặt trời và các hành tinh. Lý do là bởi, những mẫu này không bị ô nhiễm khi rơi qua bầu khí quyển của Trái đất và đáp xuống bề mặt, giống như thiên thạch.

Sự tương đồng giữa hai tiểu hành tinh

Nghiên cứu trước đây cho rằng, cả tiểu hành tinh Ryugu và Bennu đều là những mảnh vỡ từ một thiên thể lớn và đã bị thứ gì đó va phải. Ông Michel cho biết, nhiều khả năng, cả hai tiểu hành tinh này đều có chung nguồn gốc. Hoặc, nguồn gốc của chúng đến từ cùng một khu vực. Chúng tôi có thể kiểm tra xem hai tiểu hành tinh có lịch sử chung hay không, hoặc xác định điều gì khác biệt và tại sao.

Các nhà nghiên cứu cho biết, quan điểm nguyên sơ này về nguồn gốc và sự tiến hóa của vật chất hữu cơ đại diện cho vật chất nguyên thủy nhất có sẵn trong các phòng thí nghiệm của Trái đất.

Nhà nghiên cứu Yada nói: “Là thành viên của nhóm sứ mệnh, tôi cảm thấy rất vui khi được tận tay xử lý và phân tích các mẫu từ tiểu hành tinh loại C đầu tiên”. Cũng theo ông Yada, một số mẫu của Ryugu đã được chia sẻ với các nhóm nghiên cứu khác. Dự kiến, các nhà khoa học sớm có thêm nhiều phát hiện về tiểu hành tinh này.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Pilorget cho rằng, đây đã và sẽ vẫn là một trải nghiệm đáng kinh ngạc. “Làm việc nhóm và hợp tác quốc tế thực sự rất tuyệt vời. Tôi thực sự hạnh phúc và tự hào khi được trở thành một phần của sứ mệnh lớn lao này”, Phó Giáo sư Pilorget chia sẻ.

Các mẫu từ Bennu - một tiểu hành tinh có thể sở hữu những điểm tương đồng với Ryugu, hiện trên đường trở về Trái đất sau khi sứ mệnh OSIRIS-REx của NASA thu thập chúng vào tháng 10/2020.

Các mẫu sẽ được đưa về Trái đất vào tháng 9/2023. “Chúng tôi muốn so sánh các mẫu Ryugu với Bennu để xem có gì giống và khác nhau giữa chúng”, nhà nghiên cứu Yada cho biết.

Ông Patrick Michel - Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp ở Paris, giám sát viên của cả hai nghiên cứu - nhận định, những kết quả đầu tiên này đã làm nên lịch sử. Các mẫu từ những tiểu hành tinh như Ryugu được cho là cung cấp một cái nhìn khác về đá không gian.

“Chúng đưa ra những kết quả đầu tiên của quá trình phân tích sơ bộ các mẫu từ một tiểu hành tinh chứa cacbon. Những nghiên cứu trước của chúng tôi thiên về thành phần mạnh nhất của các tiểu hành tinh – thứ có thể sống sót khi đi vào bầu khí quyển.

Chúng tôi cần đến các tiểu hành tinh và những mẫu vật của chúng. Nhờ đó, tiếp cận thành phần yếu nhất và có lẽ là nguyên thủy nhất của các thiên thể này”, ông Michel chia sẻ.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ