Người xưa chống rét thế nào?

GD&TĐ - Thời nay, kinh tế phát triển, hầu như rất ít người phải chịu đói, chịu rét. Vậy thời xưa, ngoài đốt lửa sưởi, ông cha ta chống rét thế nào?

Áo tơi chống rét cuối thế kỷ XIX. Ảnh minh họa.
Áo tơi chống rét cuối thế kỷ XIX. Ảnh minh họa.

Theo truyền thuyết, như trong tập “Lĩnh Nam trích quái” của tác giả Trần Thế Pháp biên soạn từ thời Trần, vào thời thượng cổ, người Việt bắt đầu chống rét bằng áo dệt từ vỏ cây.

“Truyện Hồng Bàng” mở đầu tập truyện với chuyện về Quốc tổ Lạc Long Quân, mô tả cảnh sống của nhân dân ta thời cổ: “Ban đầu quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm”.

Chúng ta vẫn chưa biết người dân Việt biết dệt vải từ khi nào, nhưng chính sử cho biết, ở thời nhà Triệu cai trị nước ta, nhà vua đã có thể chống rét bằng áo bông. “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, ở thời Triệu Vũ Đế, năm 179 trước Công nguyên, vua Hán Văn Đế đã sai Lục Giả đi sứ sang Nam Việt và gửi biếu Triệu vương 50 chiếc áo bông thượng hạng, 30 chiếc áo bông trung hạng, 20 chiếc áo bông hạ hạng.

Cũng theo truyền thuyết dân gian, như truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy, có chi tiết Mỵ Châu dùng áo lông ngỗng để mặc rồi bứt lông rải dọc đường làm dấu cho chồng tìm mình. Về sau, không thấy sử sách hay truyện nào nhắc về chiếc áo lông ngỗng này nữa.

Sang thời Lý, câu chuyện về lòng nhân ái của vua Lý Thánh Tông mà chính sử ghi lại cho hậu thế biết rõ các biện pháp nhà vua chống chọi với giá rét. Đó là sự kiện niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 2 (1055), mùa đông, tháng 10, trời đại hàn. “Toàn thư” chép lời vua Lý Thánh Tông bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

Câu chuyện về tình anh em thân thiết của Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang và vua Trần Thánh Tông được ghi trong sử sách cũng cho biết, Thượng hoàng Trần Thái Tông mặc áo bông trắng để chống rét. Câu nói của Trần Quốc Khang khi được Thượng hoàng ban áo bông: “Quý nhất là ngôi vua, tôi đã không tranh với chú hai rồi. Nay đức chí tôn cho tôi thứ nhỏ mọn này mà chú hai cũng muốn cướp sao?”, được đời sau hết lời ca ngợi rằng “trong hoàng gia, cha con, anh em hòa thuận không xảy ra xích mích”.

Ngoài ra, nhiều tài liệu thời Trần cũng đề cập đến việc các nhân vật mặc áo cừu khi trời rét. Tư đồ Trần Nguyên Đán từng có thơ viết rằng: “Vóc người nhỏ bé ẩn trong chiếc áo cừu nhẹ”. Tác giả Phạm Đình Hổ, sống vào cuối thời Lê Trung hưng, trong cuốn “Bị khảo”, có ghi rằng: “Cừu là áo da chống rét, sản sinh ở Trung Quốc, có hai loại, loại sang trọng là Hồ cừu (áo lông cáo), Điêu cừu (áo lông chồn), thứ đến là Dương cừu (áo lông dê)... Áo cừu có hai kiểu bên trong là da bên ngoài là lông và kiểu bên trong là lông bên ngoài là da... Phía Nam vùng Giang Hoài không có tuyết, ít sương, loại áo cừu thường mặc là loại bên trong là lông bên ngoài là da. Nước ta cũng vậy”. Truyện Từ Thức lên tiên kể chuyện xảy ra thời Trần, phần kết nói Từ Thức mặc áo cừu đi vào núi rồi không ai nhìn thấy nữa.

Ngoài ra, triều Trần có một câu chuyện khác biệt với các triều đại phong kiến khác ở nước ta, đó là việc vua Trần Thánh Tông hạ chiếu cho các tước vương, tước hầu trong họ, sau khi bãi triều thì vào chầu trong Nội điện và Lan Đình, cùng nhau ăn uống; khi trời tối không về được, thì trải gối dài, chăn rộng, kê giường liền sát vào nhau để cùng nằm chung, thể hiện sự yêu kính, thân ái trong họ.

Đời Lê, vào thời vua Lê Hiến Tông, năm 1499, triều đình chỉnh sửa quy chế áo xiêm “theo quẻ Càn Khôn”, trong đó quy định, mùa hạ bách quan mặc áo vải, mùa đông áo cừu. Lễ thường triều thì từ tháng 10 trở đi dùng áo là tơ gai, tháng 2 trở đi dùng áo sa. Gặp ngày trực hay mưa gió, cho mặc áo sa vải bông, gai. Khi tiếp sứ nhà Minh các quan được đi bít tất, hia; trời tháng 10 rét nên được mặc áo tơ gai, không mặc áo sa nữa.

Triều Nguyễn, triều đình có lệ hằng năm tặng các quan áo, vải mùa đông, như sách “Đại Nam thực lục” viết, khi trời rét, vua Minh Mạng tặng đình thần “mỗi người 2 cuốn đoạn và dầu bạc hà tây, dầu đinh hương, dầu quế, rượu chữa gió, giấm trừ khí độc, mỗi thứ 1 lọ”. Không chỉ tặng các quan, năm Tự Đức năm thứ 31 (1878), khi trời rét và mưa, vua sai ban cho quan quân thứ ở các tỉnh quế và dầu nóng.

Khi vua Tự Đức ban áo rét cho các tướng Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản, Ngô Tất Ninh, Lưu Vĩnh Phúc, đã giảng cho họ điển tích của chữ “hiệp khoáng”, tức là mặc áo bông và “đồng bào”, tức là mặc chung áo bông, ý nói vui khổ cùng chung. Nguyên trong sách “Tả truyện”, vua nước Sở đánh ấp Tiêu, quân sĩ nhiều người bị rét. Vua Sở đi tuần ba quân, vỗ về khuyến khích, quân lính được lời vua vỗ về, đều thấy nóng ấm như được mặc áo bông cả.

Tuy nhiên, đến tận năm Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), khi có giá rét, nhà Nguyễn vẫn dùng biện pháp cầu cúng. Mùa đông năm đó, Phủ Thừa Thiên luôn mấy tuần mưa rét, ruộng lúa phần nhiều bị tổn thương, trâu bò cũng chết rét nhiều. Triều đình sai Phủ doãn Thừa Thiên là Đào Tiến cầu đảo ở điện Huệ Nam (tức điện Hòn Chén), hết hôm ấy thì tạnh, nên thưởng cho ông Tiến cái khánh vàng có 4 chữ “liêm, bình, cần, cán” và một bậc quân công.

Nhưng đó là cách chống rét của triều đình, của các bậc quyền quý, giàu sang. Còn với dân thường, đến tận đầu thế kỷ XX, qua ảnh tư liệu, ta cũng chỉ thấy dân nghèo mùa hè chỉ mặc chiếc khố, váy yếm sơ sài, mùa đông có tấm áo rách, bên ngoài khoác mảnh áo tơi để chống rét mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.