Nhưng cũng với nhiều người, việc Giáo sư Nguyễn Thanh Việt được chọn là rất xứng đáng. Bảng thành tích của vị giáo sư gốc Việt này rất đáng nể. Ông là tác giả của tiểu thuyết được viết bằng tiếng Anh “The Sympathizer” (Cảm tình viên) xuất bản năm 2015. Cuốn sách đã gây tiếng vang lớn khi thắng giải Pulitzer cho các tác phẩm hư cấu năm 2016 cùng nhiều giải thưởng khác sau đó.
Năm 2017, tuyển tập truyện ngắn “The Refugees” của Nguyễn Thanh Việt thu hút sự chú ý rộng rãi tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tập truyện ngắn với lời đề từ “tặng những người tị nạn, ở bất cứ đâu” sau đó đã được xuất bản tại nước ta với tên gọi “Người tị nạn”. Ông Nguyễn Thanh Việt còn được biết đến với học hàm Giáo sư tại Đại học Nam California. Ông cũng là một nhà báo, một cây bút bình luận của tờ New York Times.
Sự kiện người gốc Việt vươn tầm quốc tế không chỉ có Giáo sư Nguyễn Thanh Việt. Thế giới từng biết đến tên tuổi của Trương Vĩnh Ký với vai trò là một nhà báo, một học giả được liệt vào sổ vàng “Toàn cầu bác học thập bát quân tử”. Thời hiện đại, người ta cũng biết đến những tài năng như Ngô Bảo Châu, Võ Đình Tuấn, Chu Hoàng Long…
Thế nhưng, điều đó vẫn chưa phá vỡ được hoài nghi người Việt có tài trí như đang tự hào? Bởi từ lâu, chúng ta thường nghe nói rằng nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao người Việt Nam thông minh, chịu khó, có óc sáng tạo… là tiền đề để nền kinh tế Việt Nam “hóa rồng”.
Nhưng “Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!” - Đó là lời “nói đùa” mà rất đau của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới được chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan thuật lại với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước tại một hội nghị ở Đà Nẵng cách đây vài năm.
Vậy thì chúng ta có tài trí hay không? Câu trả lời 50 – 50 là “lúc có - lúc không”. Tại hội thảo kinh tế ngày 19/6/2019, Giáo sư Avishay Braverman (Israel) thành thật: Người Việt Nam cũng thông minh không kém gì người Israel và người Mỹ.
Thông minh, thế nhưng tại sao chúng ta vẫn nghèo? Điều này được nhiều người luận giải với ti tỉ ý kiến khác nhau. Nhưng có những yếu điểm mà chính chúng ta cũng dễ nhận thấy như thích an phận thủ thường, ngại va chạm, ngại khó sợ khổ. Ở một khía cạnh nào đó, tâm lý ấy trở thành tính tốt nhưng xét toàn diện sẽ kéo tụt sự phát triển chung của xã hội.
Rồi những suy nghĩ và hành động tiêu cực, tư lợi, ích kỷ cũng khiến đất nước chậm tiến. Người chưa nghề chỉ mong học lỏm, người có nghề thì khư khư giấu giếm. Nhóm lợi ích quyền lực ra sức vơ vét, doanh nghiệp xẻ núi phá rừng hủy hoại môi trường sống…
Cho nên, người Việt chúng ta tài trí cũng lắm mà tật xấu cũng nhiều. Muốn đất nước phát triển thì mỗi người phải tân tiến, tự tin chứ không tự ti, học thật làm thật chứ không học lỏm làm giả. Đặc biệt luật pháp và các thiết chế phải chặt chẽ, khuyến khích sự học mà không chạy theo thành tích.
Có như vậy đất nước mới cởi bỏ được nghèo khó!