Người truyền cảm hứng của lớp học miền núi đạt trung bình trên 9 điểm môn Văn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lớp 12D1, Trường THPT Anh Sơn 1, huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã có một kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công với điểm trung bình môn Ngữ văn là 9,25 điểm, trong đó có 6 em đạt 9,75 điểm.

Cô Hoàng Thùy Dương và học sinh của mình tại Trường THPT Anh Sơn 1, huyện Anh Sơn, Nghệ An.
Cô Hoàng Thùy Dương và học sinh của mình tại Trường THPT Anh Sơn 1, huyện Anh Sơn, Nghệ An.

Thành tích này đến từ nỗ lực, quyết tâm của lớp học miền núi, nhưng phía sau còn có một người truyền cảm hứng, đồng hành và tận tâm với trò – là cô giáo dạy văn Hoàng Thùy Dương.

Quả ngọt của cô trò trường miền núi

Cô Hoàng Thùy Dương – giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường THPT Anh Sơn 1 vẫn đầy xúc động khi nhắc đến thành tích xuất sắc của lớp 12D1. “Cả tôi và học sinh đã có một đêm không ngủ, vì hồi hộp, chờ đợi, rồi vỡ òa hạnh phúc. Khi bước sang ngày 24/7 – chính thức công bố điểm thi theo lịch của Bộ GD&ĐT, bạn nào cũng đang thức để vào tra cứu điểm. Rồi lần lượt các em nhắn tin báo điểm cho cô trong nhóm lớp. Tôi đã bất ngờ khi có 6 em đạt 9,75 điểm (Nghệ An không có điểm 10 văn), các em còn lại cũng đạt điểm cao”, cô Thùy Dương chia sẻ.

Theo cô Dương, lớp 12D1 là tập hợp chủ yếu những em có nguyện vọng học theo khối D và khối C của trường. Cả lớp có 44 học sinh, 6 bạn đạt 9,75 điểm môn Ngữ văn là em Đào thị Lan Anh, Nguyễn Thảo Vân, Bùi Thị Thảo Vy, Lê Nguyễn Huyền Vy, Trần Hà Khánh Vy và Nguyễn Thị Hải Yến.

Một tiết học văn đáng nhớ của lớp 12D1 do cô Nguyễn Thùy Dương hướng dẫn và để học sinh thể hiện.

Một tiết học văn đáng nhớ của lớp 12D1 do cô Nguyễn Thùy Dương hướng dẫn và để học sinh thể hiện.

Các thành viên còn lại trong lớp có 11 em đạt 9,5 điểm; 9 em đạt 9,25 điểm; 14 em đạt 9 điểm; 3 em đạt 8,75 điểm và 1 em đạt 8,5 điểm. Tính bình quân điểm môn Văn lớp 12D1 của Trường THPT Anh Sơn 1 đạt 9,25 điểm. Đây cũng là lớp học có điểm môn Ngữ văn trung bình nằm tốp cao nhất tỉnh Nghệ An.

Cô Dương chia sẻ, sau chút bất ngờ ban đầu, thì cảm xúc còn lại lúc này là hạnh phúc, tự hào và thấy xứng đáng. Bởi những điểm số này không phải là do may mắn, mà là nỗ lực của cả cô và trò trong suốt 3 năm THPT.

Khóa 54D1 cũng là khóa đặc biệt khi chiếm tới 2 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có thời điểm giãn cách xã hội, cô trò nói riêng và cả trường linh hoạt dạy trực tiếp, trực tuyến luân phiên hoặc song song. Nhưng các em đều quyết tâm học tập, không bỏ lỡ buổi học nào trong giai đoạn khó khăn ấy.

Theo cô Thùy Dương, có thể vì học sinh ở vùng miền núi còn vất vả, không có điều kiện học thêm ngoài mà chỉ học với thầy cô ở trường, nên các em lại càng cố gắng. “Dù trực tiếp đứng lớp, hay qua buổi học online, cô trò đều tương tác với nhau sôi nổi. Các em còn chủ động đề nghị cô ra đề thật nhiều. Các em có vấn đề gì không hiểu, hoặc làm sai, không đúng trọng tâm, tôi sẽ điều chỉnh ngay để các em nhớ” cô Dương nói.

Tập thể lớp 12D1, Trường THPT Anh Sơn 1 (Nghệ An) đã có một mùa thi tốt nghiệp THPT thành công với điểm trung bình môn văn là 9,25.

Tập thể lớp 12D1, Trường THPT Anh Sơn 1 (Nghệ An) đã có một mùa thi tốt nghiệp THPT thành công với điểm trung bình môn văn là 9,25.

Và vượt qua những khó khăn của năm học đặc biệt, lớp 12D1 khóa 54 lại là lớp có thành tích môn Ngữ văn cao nhất trong những lớp mà cô Hoàng Thùy Dương phụ trách. Đến nay, học trò của cô đã thông báo về đăng ký nguyện vọng đại học và tự tin có thể trúng tuyển.

Người truyền cảm hứng

Cô Hoàng Thùy Dương chia sẻ, học sinh của lớp 12D1 hầu hết đều có nguyện vọng xét tuyển vào đại học. Vì thế, điều thuận lợi của cô khi phụ trách lớp học này, là các em đều có mục tiêu rõ ràng, ý thức học tập tốt. Với môn Ngữ văn, là môn học không chỉ cần kiến thức, kỹ năng lập luận, lấy dẫn chứng phân tích, so sánh… mà còn là khả năng cảm thụ văn chương. Muốn làm được điều đó, trước hết phải để học trò yêu văn, thích học văn.

Không chỉ với lớp khối, mà cả những lớp đại trà khác, ngay khi các em bước vào năm học lớp 10, cô Dương đã truyền cảm hứng học văn cho trò qua những tác phẩm văn, thơ. Cùng với đó là vận dụng, liên hệ, kết nối với kiến thức xã hội, thời sự. Những bài giảng của cô gắn đối với từng tác phẩm đều được vận dụng thêm kiến thức từ thực tiễn.

Cô Thùy Dương luôn tạo điều kiện cho học trò thể hiện sáng tạo khi học văn với những "sản phẩm" nhóm về nội dung tác phẩm văn học, qua đó giúp tiết học sinh động, hứng thú hơn.

Cô Thùy Dương luôn tạo điều kiện cho học trò thể hiện sáng tạo khi học văn với những "sản phẩm" nhóm về nội dung tác phẩm văn học, qua đó giúp tiết học sinh động, hứng thú hơn.

Trong quá trình giảng dạy, cô cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm, trao đổi, chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng của mình với nhau để tổng hợp lại, và thuyết trình bài làm của nhóm. Nhằm tạo thêm hứng thú cho học sinh đối với môn văn, ngoài truyền thụ kiến thức, cô còn đổi mới bằng những tiết học trải nghiệm, sân khấu hóa, đóng vai nhân vật trong tác phẩm… Qua đó, giúp các em không áp lực khi học văn, mà hào hứng, thoải mái hơn.

Khi được giao nhiệm vụ ôn thi tốt nghiệp THPT, cô không “dạy tủ, học tủ” cho học sinh, mà dạy toàn bộ kiến thức, chương trình học trong SGK. Song song với đó là rèn luyện kỹ năng làm bìa cho học sinh qua từng lần kiểm tra, thi thử. Cô chia sẻ: “Việc ôn thi thường được nhà trường lên kế hoạch, triển khai từ đầu năm học, theo hướng học tới đâu luyện tập tới đó. Đến giai đoạn nước rút, cô trò sẽ cùng hệ thống lại kiến thức và tập trung luyện đề theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT”.

Cô cũng không làm mẫu cho học sinh, thay vào đó là đưa ra gợi ý, chỉ dẫn để học sinh trên nền tảng kiến thức đã có để phân tích, bình luận, đưa ra suy nghĩ, cảm nhận của mình. Cô cũng thường xuyên đặt câu hỏi gợi mở, liên hệ để các em biết vận dụng học văn vào cuộc sống. Khi có kỹ năng, phương pháp tư duy, thì khi gặp bất cứ văn bản, tác phẩm nào, thì học sinh cũng có thể làm được bài theo chất văn, lối hành văn riêng của mình.

Cô Thùy Dương là người truyền cảm hứng để học sinh của mình yêu văn hơn qua mỗi tiết học.

Cô Thùy Dương là người truyền cảm hứng để học sinh của mình yêu văn hơn qua mỗi tiết học.

Về đề thi Ngữ văn năm nay, cô Dương đánh giá đề có tính phân hóa cao, hay, và đánh giá được kiến thức, hiểu biết xã hội cũng như khả năng văn chương của học sinh. Và những nỗ lực của cô trò đã có quả ngọt khi các em đã biến những ngày tháng ôn thi miệt mài thành điểm số xứng đáng.

Cô Hoàng Thùy Dương từng là học sinh giỏi tỉnh môn Văn ba năm liền. Cô tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An) năm 1998 và đã có gần 25 năm gắn bó với Trường THPT Anh Sơn 1. Cô đã truyền cảm hứng, tình yêu môn văn của mình cho từng lứa học trò, góp phần bồi dưỡng tâm hồn cho các em trong độ tuổi hình thành nhân cách.

Thầy Nguyễn Cảnh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: "Cô Hoàng Thùy Dương hiện là tổ trưởng tổ Văn - Ngoại ngữ của trường. Cô có năng lực chuyên môn vững vàng, là giáo viên cốt cán bộ môn Ngữ văn của ngành giáo dục và nhiều năm tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT. Đối với học sinh, cô luôn tâm huyết, hết lòng và trách nhiệm”. Theo Hiệu trưởng nhà trường, thành tích của lớp 12D1 năm nay, là thành quả đáng ghi nhận của cô Dương tổ bộ môn Văn – Ngoại ngữ.

Thầy Nguyễn Cảnh Tuấn cũng cho biết thêm, lớp D1 là lớp định hướng tổ hợp môn Toán, Văn, Tiếng Anh của trường, với đầu vào cao. Các em học sinh của lớp thường có kết quả thi tuyển sinh lớp 10 cao và có thành tích trước đó như đạt học sinh giỏi huyện, tỉnh của 3 môn khối D. Những năm qua, thành tích của lớp D1 thường nổi trội, năm 2021 có 37/44 em đạt trên 9 điểm môn Ngữ văn. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay, lớp có 41/44 em trên 9 điểm, và toàn trường có 128 học sinh đạt trên 9 điểm môn văn, điểm trung bình toàn trường môn học này là 7,98.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Công an TP Thanh Hóa vừa phát hiện bắt giữ nhiều sản phẩm là thuốc chống đột quỵ giả bày bán trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.
Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.
Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.