Người Trung Quốc và cuộc chạy đua vào đại học Mỹ

Giấc mơ đại học Mỹ đã biến các dịch vụ trường quốc tế, trung tâm ôn luyện, tour thăm quan "ngôi trường mơ ước" thành ngành kinh doanh hái ra tiền tại Trung Quốc.

Harvard là một trong những cái tên được khao khát nhất trong danh sách các đại học Mỹ. Ảnh: CNN
Harvard là một trong những cái tên được khao khát nhất trong danh sách các đại học Mỹ. Ảnh: CNN

Theo Economist, tại các hiệu sách ở Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng bắt gặp Bí quyết vào Stanford, Đứa trẻ ngốc nghếch của chúng ta sẽ vào được Cambridge hay Cô gái Harvard Liu Yiting, những cuốn sách "bí kíp" cho các bậc phụ huynh giữa cơn sốt đưa con mình vào các trường đại học danh giá ở phương Tây, mà chủ yếu là Mỹ.

Tiền Trung Quốc - giấc mơ Mỹ

Năm 15 tuổi, Ren Futong, tên tiếng Anh là Monica, nói với bố mẹ mình: "Con chán ngấy chuyện phải học thi như một cái máy rồi". Bố mẹ Monica, một đại tá quân đội Trung Quốc và một kỹ sư công nghệ thông tin, im lặng một thời gian trước khi đồng ý cho cô bắt đầu xin học tại Mỹ, chấp nhận nguy cơ "mất trắng" nếu Monica thất bại.

Gia đình Monica là một trong rất nhiều gia đình Trung Quốc đang chạy đua để đưa con cái đến Mỹ học tập. Số lượng sinh viên Trung Quốc tại các trường của Mỹ đã tăng gấp 5 lần trong 10 năm qua, từ 62.523 sinh viên vào năm 2005 lên đến 304.040 vào năm 2015.

Monica tìm kiếm tự do học thuật và một nền giáo dục cởi mở hơn, trong khi với những học sinh không có cơ hội đỗ cao trong kỳ thi đại học của Trung Quốc, các trường học phương Tây là một lối thoát giúp họ có công việc tốt về sau, hoặc “lên giá” trong thị trường hôn nhân.

Đối với một số gia đình, việc gửi con cái đi du học là biểu hiện của sự giàu có hoặc bước đầu tiên để chuyển tài sản ra nước ngoài và di cư trong tương lai.

Sinh viên Trung Quốc chiếm một phần ba tổng số sinh viên học tập tại Mỹ, đóng góp 9,8 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ.

Cuộc chơi "một mất một còn"

Nguoi Trung Quoc va cuoc chay dua vao dai hoc My - Anh 1

Số sinh viên Trung Quốc đến Mỹ đã tăng gấp 5 lần trong vòng 10 năm. Ảnh: Reuters

Sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục Mỹ và Trung Quốc đẩy học sinh vào những áp lực khổng lồ một khi đã chọn theo đuổi các trường đại học của Mỹ.

Năm 2015, các trường thuộc hệ thống Ivy League (một nhóm các đại học danh giá và lâu đời bậc nhất tại Mỹ) chấp nhận khoảng 200 sinh viên từ Trung Quốc.

Một nhà tư vấn tại Bắc Kinh nói thẳng: “Mỗi năm Harvard chỉ nhận 7,8 sinh viên Trung Quốc thôi, và 1 trong số đó là dành cho con cháu một lãnh đạo hoặc tài phiệt”. Cạnh tranh vào các trường này là cực kỳ khốc liệt.

Để vào một trường đại học Mỹ, Monica phải bỏ ôn thi đại học trong nước và bước vào một quy trình tuyển sinh hoàn toàn khác. Trước đó, Monica từng là học sinh đứng đầu toàn quốc trong kỳ thi tuyển sinh vào trung học, là niềm tự hào của gia đình. Nếu cô không thể vào được trường tốt tại Mỹ, tương lai ảm đạm sẽ chờ đón Monica.

Các trường của Mỹ yêu cầu ứng viên nộp kết quả các bài thi SAT, ACT, trình độ tiếng Anh, bảng điểm trung học, thư giới thiệu, thư xin học, bài luận… Tất cả những thứ này hầu như không xuất hiện trong hệ thống của Trung Quốc, nơi kết quả kỳ thi đại học quyết định tất cả.

Chưa hết, các đại học Mỹ thậm chí còn yêu cầu ứng viên kể về trải nghiệm sống của họ, điều khiến họ đặc biệt hơn những người khác. Đối với một số học sinh Trung Quốc đã bị triệt tiêu hết cá tính trong một hệ thống chạy theo điểm số, quá trình xin học này đôi khi trở thành hành trình đi tìm bản thân.

Monica tìm đến Elite Scholars of China, dịch vụ tư vấn của một cặp vợ chồng người Mỹ mở tại Bắc Kinh. Mỗi năm, họ nhận hướng dẫn khoảng 100 học sinh xuất sắc làm xin học ở Mỹ.

Khác với nhiều chỗ tư vấn khác, trung tâm này nhất quyết buộc học sinh tự viết đơn xin học, và phải vượt qua “tư tưởng Cao Khảo” vốn ám ảnh họ từ nhỏ trong hệ thống trường phổ thông Trung Quốc.

Lu Xuanqi, hay còn gọi là Christina, nhớ rõ lần đầu tiên cô cảm thấy mất phương hướng sau khi nói chuyện với những người hướng dẫn: “Trong suốt cuộc đời tôi, điểm số chính là bản ngã của tôi”. “Khi người hướng dẫn hỏi tôi có gì ngoài điểm số không, tôi chẳng còn gì”.

Ngược lại, bài luận khiến Monica hết sức phấn khích. Chủ đề cô chọn là sự xung đột của sự vâng lệnh và ý chí cá nhân trong bối cảnh xã hội Trung Hoa.

"Tôi chết chìm trong sự giống nhau. Trong một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân không được tôn trọng, tôi nhìn thấy những năm tháng tiếp theo của đời mình sẽ y hệt những người khác. Tôi không muốn như vậy", Monica viết trong bài luận.

Dịch vụ "chắp cánh ước mơ"

Nguoi Trung Quoc va cuoc chay dua vao dai hoc My - Anh 3

Hai hệ thống giáo dục khác biệt làm sinh viên Trung Quốc rất khó khăn nếu muốn xin học tại Mỹ. Ở Trung Quốc, tất cả những gì sinh viên phải quan tâm là dồn toàn lực cho kỳ thi Cao Khảo. Ảnh: Reuters

Cuộc chạy đua vào các trường đại học Mỹ, đặc biệt là những trường danh tiếng, đã kéo theo một ngành kinh doanh giáo dục phát đạt không kém dịch vụ luyện thi Cao Khảo.

Ở các thành phố lớn, trường quốc tế nở rộ, các trường công cũng mở thêm các chương trình quốc tế. Năm lớp 11, Monica xin chuyển qua chương trình quốc tế tại chính ngôi trường cô đang học. Từ đây, cô sẽ không phải để đáp ứng kỳ thi Cao Khảo nữa.

Học phí chương trình này tại trường Monica là 15.000 USD/năm (dù cô được học bổng). Với khoảng 400 sinh viên theo học, chương trình này đem lại nguồn thu đáng kể cho trường.

Nhiều bậc phụ huynh chuẩn bị cho con họ từ rất sớm. Shang Learning là một trung tâm tư vấn tại Thượng Hải, chuẩn bị cho các học sinh cấp 2 ở Trung Quốc để vào các trường dự bị ở Mỹ.

Theo một khảo sát, tỉ lệ đậu vào các trường thuộc hệ thống Ivy League đối với học sinh từ trường dự bị cao hơn so với từ trường trung học Trung Quốc.

Shang Learning nhận đào tạo các học sinh từ 9-15 tuổi, với chi phí khoảng 23.000 USD/người. Học sinh được huấn luyện các kỹ năng từ đọc, viết, đến trả lời phỏng vấn.

Nguoi Trung Quoc va cuoc chay dua vao dai hoc My - Anh 4

Một buổi ôn luyện tại trung tâm Elite Scholars of China ở Bắc Kinh. Ảnh: 1843 Magazine

Để chắc chắn hơn, những đứa trẻ Trung Quốc được đưa đến Mỹ để nhìn tận mắt Harvard, Yale, hay bất cứ ngôi trường nào mà các bậc phụ huynh mơ ước. Các tour thăm thú trường đại học Mỹ có thể lên đến hàng ngàn USD/ngày.

Đến giai đoạn căng thẳng của đợt tuyển sinh, để làm đẹp cho hồ sơ con cái trước yêu cầu về "trải nghiệm" của các đại học Mỹ, nhiều bố mẹ Trung Quốc sẵn sàng móc hầu bao.

Một quan chức giáo dục ở Bắc Kinh cho biết thậm chí có người từng thuê máy bay riêng đưa con trai lên Tây Tạng để quay một video về chuyện cậu bé giúp đỡ các cộng đồng thiểu số ở đây.

Các trường học nhanh chóng bắt kịp xu hướng này. Trường trung học Đại học Bắc Kinh đã tổ chức cho học sinh chương trình quốc tế một tour thăm viếng một ngôi làng ở Botswana (châu Phi) xa xôi, mong rằng chuyến đi có thể giúp tô đậm cá tính và trải nghiệm của học sinh mình trong đơn ứng tuyển.

Sau những năm dài áp lực và đánh đổi, cả Monica và Christina đều nhận được thư chấp nhận của ngôi trường họ xin vào. Ngay sau khi kết quả được công bố, hai cô gái từ vai người đi học, lập tức trở thành "ngôi sao" được các trung tâm tư vấn săn đón.

Trước khi lên đường đến Mỹ, Monica và Christina được mời đến các buổi nói chuyện, nơi hàng trăm phụ huynh và học sinh đang chờ để nghe câu chuyện của họ và mơ tiếp giấc mơ Mỹ của chính mình.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ