Người trẻ 'đạp gió cưỡi mây' kể chuyện dân tộc Mông

GD&TĐ - 'H’Mông Phong Vân Hội' chính là tên được nhóm 23 sinh viên chọn đặt cho fanpage chính thức.

Được sự giúp đỡ từ cộng đồng người dân tộc Mông và nhóm H’mong Culture, các bạn trẻ tự tin hơn trong hành trình kể về văn hóa người Mông.
Được sự giúp đỡ từ cộng đồng người dân tộc Mông và nhóm H’mong Culture, các bạn trẻ tự tin hơn trong hành trình kể về văn hóa người Mông.

Phát xuất từ tình yêu văn hóa dân tộc Mông, nhóm sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã cùng nhau kể câu chuyện thú vị về sự thiên di và nếp sống của bà con dân tộc Mông ở “lưng chừng trời”.

Những người trẻ yêu văn hóa Mông

Theo TS Lư Thị Thanh Lê, sự kiện về văn hóa Mông do các bạn sinh viên ngành Quản lý giải trí và sự kiện, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức, gắn liền với học phần giải trí sự kiện và bản sắc văn hóa dân tộc.

Các bạn trẻ đã hợp tác chặt chẽ cùng các bạn người Mông đang sống, học tập và làm việc tại Hà Nội, các chuyên gia về văn hóa Mông, để kể những câu chuyện dài thông qua sự kiện kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật và talkshow để chia sẻ về dân tộc Mông, góp phần làm cho văn hóa dân tộc thiểu số lan tỏa rộng hơn, sâu hơn.

“H’Mông Phong Vân Hội” chính là tên được nhóm 23 sinh viên chọn đặt cho fanpage chính thức. Tuy nhiên, tên gọi thường nhật của nhóm là “Phong Vân Mông Tộc” - một cái tên gây rất nhiều tò mò.

Giải thích về cái tên này, nhóm các bạn trẻ ngành Quản lý giải trí và sự kiện, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, cho biết: “Phong Vân Mông Tộc” được bắt nguồn từ tên của sự kiện tôn vinh dân tộc Mông một cách ấn tượng và phong phú “Mông Tộc Phong Vân”. Sau đó, vì muốn giữ nguyên sự trang trọng và ấn tượng của tên gốc nên chỉ đảo ngược các vế để tạo nên chất riêng.

Đại diện nhóm giải thích rằng: “Tộc” để chỉ một nhóm người có nguồn gốc và văn hóa riêng biệt. Họ độc đáo theo cách riêng, tỏa sáng và bung nở giữa đại ngàn Tây Bắc với trang phục, âm nhạc, món ăn… chỉ riêng họ mới có.

“Phong Vân” xuất hiện mang ý nghĩa hồn của gió, là tinh thần của bầu trời, sự tinh túy của không gian và thời gian thể hiện sự linh thiêng về phong tục, truyền thống, niềm tin, văn hóa của người Mông.

“Phong Vân Mông Tộc” không chỉ là một cái tên mà còn mang rất nhiều tâm tư, tình cảm, ý nghĩa đằng sau bên trong, chứa đựng niềm tin, văn hóa, tín ngưỡng của người Mông.

Dự án kể chuyện văn hóa được các bạn trẻ bắt đầu từ nguồn gốc dân tộc Mông – một câu hỏi từng gây băn khoăn cho không ít người khi muốn tìm hiểu nguồn gốc của một dân tộc có truyền thống thiên di khắp cùng trời cuối đất.

Theo tìm hiểu, khảo sát của nhóm thì cách đây 4 - 5 nghìn năm, hai dân tộc là Mông và Dao cùng bị người Hán đẩy ra khỏi vùng đất Tam Miêu ở Trung Quốc, phải chịu các cuộc binh chiến và thiên di kéo dài hàng nghìn năm.

Vào cuối thế kỷ 7, đầu thế kỷ 8, họ bắt đầu thiên di vào vùng Đông Nam Á. Dựa trên màu sắc đặc điểm trang phục và ngữ âm, người Mông ở Việt Nam được chia thành 5 nhóm địa phương: Mông trắng, Mông đen, Mông xanh, Mông hoa và Mông đỏ, mỗi nhóm lại có trang phục riêng - đặc biệt là trang phục phụ nữ.

Người Mông chủ yếu sinh sống ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông… Hiện nay, người Mông đã di cư sang nhiều nơi khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lâm Đồng, dùng ngôn ngữ chính thuộc hệ Mông - Dao.

Người Mông tin vào “Vật linh giáo” và có quan niệm về “vạn vật hữu linh”. Vạn vật xung quanh cuộc sống người Mông đều có cách tồn tại riêng biệt. Họ thờ phụng mọi thứ, trong đó có cây cối (cây to, cổ thụ), núi rừng... với quan niệm cây thiêng, núi thiêng có sức mạnh siêu nhiên có thể bảo vệ, phù hộ cho bản làng, dòng tộc, gia đình.

Nếp sống ở “lưng chừng trời”

Mỗi chủ đề đều được 'Phong Vân Mông Tộc' tái hiện trong sự kiện biểu diễn nghệ thuật.

Mỗi chủ đề đều được 'Phong Vân Mông Tộc' tái hiện trong sự kiện biểu diễn nghệ thuật.

Từng chủ đề được nhóm 'Phong Vân Mông Tộc' chọn hình ảnh trình bày theo hướng dễ hiểu nhất.

Từng chủ đề được nhóm 'Phong Vân Mông Tộc' chọn hình ảnh trình bày theo hướng dễ hiểu nhất.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bạn Vũ Yến Nhi, Trưởng ban Truyền thông của “Phong Vân Mông Tộc” cho biết, nhóm được sự cộng tác từ H’mong Culture cùng một số chuyên gia nên chất lượng nội dung cũng như thông tin chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội có tính chính xác cao.

Như khi tìm hiểu về nếp sống của bà con dân tộc Mông, các thông tin vốn rất khác nhau do góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau. Do đó, không chỉ là sự đối chiếu so sánh, mà các bạn trẻ phải tham khảo qua ý kiến của các chuyên gia, ngay cả trang phục, ngôn ngữ... cũng được nhóm H’mong Culture tư vấn để đi đến những xác quyết đúng đắn nhất.

“Phong Vân Mông Tộc” thấy rằng, trong các tộc người phía Bắc Việt Nam, người Mông là một sự tồn tại đặc biệt, là ví dụ điển hình của sự thích nghi và sinh tồn - một tộc người có bản sắc và cá tính vô cùng độc đáo. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc người Mông sống trên đỉnh núi là một sự lựa chọn tất yếu của lịch sử.

Bởi khi họ di cư đến, những nơi thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt đều đã có chủ. Người Mông đến sau buộc phải chọn ở đỉnh núi cao. Nhưng ngay cả sau này khi được lựa chọn, nhờ thích nghi điều kiện tự nhiên cộng thêm bản tính kiêu hãnh, độc lập mà người Mông đời đời vẫn bám trụ trên những đỉnh núi, đúng như câu dân ca: “Loài cá sống ở nước/ Loài chim bay trên trời/ Người Mông sống ở núi”.

Gắn bó với những dãy núi cao, những cổng trời mờ sương nhìn xuống đáy vực sâu hun hút. Cuộc sống gian khổ, khắc nghiệt ấy đã “gieo” vào tính cách người Mông sự mạnh mẽ, tự do, phóng khoáng, khiến đá cũng phải “nở hoa”.

Đến nay, cộng đồng người dân tộc Mông vẫn lưu truyền câu nói xưa: “Không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông”, cho dù là đỉnh Tây Côn Lĩnh sừng sững giữa trời cũng chỉ là nơi in dấu chân họ.

Từ nỗ lực thích nghi với điều kiện sống trên núi cao, người Mông đã sáng tạo ra những hình thức canh tác tạo thành nét văn hóa của riêng mình. Trong hoàn cảnh không gian chỉ toàn đá tai mèo sắc nhọn, tủa lên trời như những ngọn giáo, đất đá khô cằn, họ đã sáng tạo kỹ thuật thổ canh trong hốc đá. Đó là minh chứng sống động cho khả năng thích nghi phi thường của người Mông.

Cuộc sống ấy, hướng canh tác độc – lạ ấy đã cho người Mông món “cơm vàng”, ấy là mèn mén - bột ngô hấp, được làm từ nguyên liệu hết sức bình thường nhưng có hương vị đặc biệt và mang linh hồn, văn hóa đậm đặc bản sắc, gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông.

Trước kia, mèn mén là món ăn chính, là “cơm” hàng ngày của người Mông. Ngày nay, cuộc sống của họ đã đủ đầy hơn, nhưng mèn mén vẫn giữ vai trò chủ đạo. Bởi, dù chỉ là món ăn nhưng mèn mén đã ngấm vào máu thịt, nuôi dưỡng bao thế hệ, trở thành đại diện ẩm thực không thể thiếu trong các ngày lễ, Tết.

Đời sống người Mông là kho báu lấp lánh

Các hình ảnh về cộng đồng người Mông được nhóm chọn lựa đem đến vẻ đẹp và lột tả được phong cách phóng khoáng của người vùng cao.

Các hình ảnh về cộng đồng người Mông được nhóm chọn lựa đem đến vẻ đẹp và lột tả được phong cách phóng khoáng của người vùng cao.

Mỗi phong tục, nghi lễ của người Mông đều được các bạn trẻ khảo sát, tìm hiểu và phân tích để tìm đến đáp án chính xác.

Mỗi phong tục, nghi lễ của người Mông đều được các bạn trẻ khảo sát, tìm hiểu và phân tích để tìm đến đáp án chính xác.

Trong câu chuyện se duyên của người Mông, nhóm “Phong Vân Mông Tộc” chọn thuật ngữ “Tau trừ” - nghĩa là một sự gây chú ý tới người bạn gái và chỉ trong dịp Tết mới được phép thực hiện.

Trai gái ở khắp các bản làng trong trang phục truyền thống không hẹn mà gặp, họ tìm đến các nơi bãi đất trống, dưới chân đồi để tổ chức chơi các trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, kéo co, hát giao duyên hay thổi khèn... Những thiếu nữ miền sơn cước thướt tha trong tà áo mới, e ấp trong những câu hát giao duyên, trữ tình.

Họ gặp gỡ nhau rồi tìm nhau qua điệu khèn dặt dìu, trao nhau những ánh mắt tình tứ. Khi ánh mắt ấy đã tìm thấy nhau, cô gái nhẹ nhàng, kín đáo tách khỏi đám đông. Hai bên đã chấp thuận nhau, chờ đợi người làm mai mối để thành vợ, thành chồng. Sau đó, các cặp đôi nắm tay nhau lên núi tìm chỗ tâm sự, trao gửi những yêu thương hứa hẹn.

“Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”, câu ca dao không chỉ của người Kinh, mà có lẽ lại hợp hơn với các đôi uyên ương dân tộc Mông. Họ đến với nhau bằng một đám cưới. Lễ cưới của người Mông gồm các nghi lễ chính: Dạm hỏi, dẫn cưới và lễ đón dâu. Lễ đón dâu được coi là quan trọng và trang nghiêm nhất, được tổ chức vào mùa Xuân, theo quan niệm đây là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở.

Lễ cưới người Mông gồm hai ông mối, hai người phụ việc, chú rể, phù rể, phù dâu. Khi ấy, nhà trai sẽ mang theo những sính lễ để làm lễ vật đón dâu như thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, thuốc lào, tiền mặt, mèn mén, cơm xôi, túi vải, ô đen. Trên đường tới nhà cô dâu dù ngắn hay dài, đoàn cũng phải dừng để ăn chút cơm, dâng rượu và đầu gà cúng những vị thần.

Sau khi cuộn Pênh Pa (tấm khăn vấn đầu cùng dải thắt lưng của người phụ nữ cuộn thành vòng tròn rồi buộc hai đầu lại) được ông mối treo lên chỗ trang trọng nhất trong nhà, thì cô dâu chú rể phải cúi lạy cảm ơn cha mẹ, anh em họ hàng và hai ông mối.

Sau thời gian khảo sát, phân tích, các bạn trẻ trong nhóm “Phong Vân Mông Tộc” thấy rằng, lễ cưới của người Mông thật khác so với người Kinh và các dân tộc khác. Tuy nhiên, công dưỡng dục và tình yêu đôi lứa vẫn luôn được đề cao, thể hiện sự hiếu thảo và thủy chung. Họ bên nhau làm lụng, nuôi dưỡng những đứa con để những cuộc hôn nhân viên mãn cứ tiếp tục kéo dài, mãi mãi.

Trong cuộc sống văn hóa của người Mông - lễ hội là một phần không thể thiếu, đặc biệt là lễ hội Gầu Tào - một trong những nghi lễ tâm linh quan trọng nhất của người Mông. Lễ hội gắn liền với truyền thuyết về các cặp vợ chồng hiếm muộn cầu con.

Điểm đặc sắc nhất của lễ hội là việc cử hành nghi thức phần lễ. Khi vào lễ, gia chủ sẽ bắt đầu khấn tạ trời đất với 3 bài cúng khác nhau với ý nghĩa hướng đến làng bản, lễ hội và gia đình.

Sau khi gia chủ hoặc thầy mo, trưởng bản làm những thủ tục lễ bái với những lễ vật cúng thần như: Thủ lợn, giấy tiền, ngô, thóc, xôi, rượu… Âm thanh lời cầu mưa vang vọng khắp bản làng, như thể muốn lay động trời cao.

Đại diện “Phong Vân Mông Tộc” nói rằng, các nét hay nét đẹp trong đời sống văn hóa của bà con dân tộc Mông không chỉ đa dạng, mà còn đặc biệt. Càng đi sâu tìm hiểu, khám phá càng thấy lấp lánh những kho báu quý giá của cộng đồng dân tộc thiểu số.

Những kho báu ấy không chỉ cần lưu giữ, mà còn cần được lan tỏa để không chỉ người Việt mà bạn bè quốc tế thấy được sự cộng hưởng phong phú của nền văn hóa đa dạng và đặc sắc trên mảnh đất hình chữ S.

“Trong quá trình tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mông, chúng em gặp không ít những trăn trở, băn khoăn - đặc biệt là những thông tin sai lệch về đồng bào. Tuy nhiên, rất may mắn cho nhóm là có được sự đồng hành của các bạn cộng đồng dân tộc Mông cũng như nhóm H’mong Culture đã hỗ trợ để nhận diện rõ hơn.

Để làm một sự kiện chỉn chu thì với 23 nhân sự trong nhóm là khá khiêm tốn và vất vả. Nhóm cũng rất may mắn khi có sự hỗ trợ quan tâm từ các thầy, cô giáo của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội)”. Bạn Vũ Yến Nhi – Trưởng ban Truyền thông “Phong Vân Mông Tộc”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ