Nhà văn - nhà giáo Hoàng Ngọc Phách:

Người tiên phong trong lĩnh vực tiểu thuyết hiện đại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhớ nhà văn Hoàng Ngọc Phách là nhớ một người tiên phong trong lĩnh vực tiểu thuyết hiện đại, nhớ một nhà văn mà cốt cách văn hóa rất đáng nể trọng.

Bìa tiểu thuyết 'Tố Tâm' do NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp ấn hành. Ảnh tư liệu.
Bìa tiểu thuyết 'Tố Tâm' do NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp ấn hành. Ảnh tư liệu.

“Tố Tâm” như một lưu dấu văn hóa

Nhà văn Hoàng Ngọc Phách thời viết 'Tố Tâm'. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Hoàng Ngọc Phách thời viết 'Tố Tâm'. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Hoàng Ngọc Phách là người thực hiện ngoạn mục những “luống cày vỡ” trên cánh đồng văn chương Việt Nam hiện đại và “Tố Tâm” như là một “đột phá khẩu”, mở lối cho thể loại tiểu thuyết tiến vào phạm trù hiện đại.

“Tố Tâm” xuất bản lần đầu (1925, NXB Chân Phương) chỉ có 80 trang in. Đúng là ngắn song được đánh giá cao, vì: ““Tố Tâm” đã là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng một thời, ta cũng phải nói thêm, nó là một quyển sách của một thời đại và cần phải đặt nó vào thời của nó mà xét thì mới đúng” (Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại); “Tác phẩm mở đầu cho dòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam thế kỉ XX” (Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam. Từ cuối thế kỉ XIX đến 1945);

“Sự xuất hiện của “Tố Tâm” vào năm 1925 đã làm chấn động đời sống văn học. Từ sự kiện này, đông đảo người đọc đã biết đến tiểu thuyết như một thể loại văn học mới chính thức xuất hiện” (Lê Tú Anh - Tiểu thuyết Việt Nam 1900 - 1930);

““Tố Tâm” là một cuốn tiểu thuyết mang tính cách mạng về thể loại. Nó đưa ra một hình thức tiểu thuyết khác hẳn với những chuẩn mực tiểu thuyết đương thời” - (Giáo trình văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỉ XX).

Có thể gọi “Tố Tâm” là “tiểu thuyết ngôn tình” đang rất phát đạt hiện nay như Vũ Ngọc Phan ngay từ 1942 đã viết: “Một ái tình tiểu thuyết, quyết không thể kể là một quyển tiểu thuyết tâm lí được”. Dù là “ái tình tiểu thuyết” hay “tâm lí tiểu thuyết”, tựu trung, “Tố Tâm” vẫn là một cột mốc, một dấu ấn ghi nhận bước ngoặt trên chặng đường một thế kỷ của nền tiểu thuyết Việt Nam, dẫu sao vẫn còn non trẻ so với các nền tiểu thuyết lừng danh thế giới như Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ…

“Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách đã có ảnh hưởng như thế nào đến khuynh hướng tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam, đặc biệt đối với các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn nói riêng, và văn chương lãng mạn nói chung trong giai đoạn kế tiếp (1930 - 1945), như là đỉnh cao thành tựu của quá trình hiện đại hóa văn chương Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX? Tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 -1945 với những đóng góp không nhỏ của Nhất Linh, Khái Hưng… xét cho cùng cũng không đi quá “phên giậu” mà nhà văn Hoàng Ngọc Phách đã rào đặt từ “Tố Tâm”.

Vì thế nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ đã dành đến 14 trang (sách Việt Nam văn học sử giản ước tân biên) chỉ để phân tích, đề cao “Tố Tâm”: “Tác phẩm đã ứng vào cái điệu sầu của thời đại và cảm bọn thanh niên lãng mạn lúc bấy giờ”. Như vậy, cả Thơ mới (1932 - 1945), cả “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, đều có một “hòa âm chung” là “điệu sầu của thời đại”.

Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì “Tố Tâm” đã “bắt mạch” và “đón đầu” trúng căn bệnh tinh thần thời đại. Ông Phạm Thế Ngũ dẫn lời ông Nghiêm Toản: “Chúng tôi còn nhớ khi đang đi học vào khoảng năm 1925, đọc truyện “Tố Tâm”, thường ngậm ngùi rưng rưng nước mắt, miệng luôn ngâm nga những câu thơ trong truyện và thần phục là tuyệt cú, trong khi một anh bạn nội trú người Trung Kỳ đang theo ban tú tài, ngày Tết không về xứ, ra vườn bách thảo chôn hoa và làm thơ, câu đối viếng hoa”.

Có thể nói, đánh giá của nhà văn Thạch Lam về “Tố Tâm” là sâu sắc nhất: “Chỉ có những tác phẩm nào có nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào nhất thời, để suy xét đến những tính tình bất diệt của loài người, chỉ những tác phẩm đó mới bền vững mãi mãi” (Sự bền vững của một tác phẩm - Nhân cuốn Tố Tâm tục bản).

Trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam thế kỉ XX, cắm được những “cột mốc”, thậm chí có thể gây “hội chứng” như “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, là không nhiều. Có thể kể ra sau “Tố Tâm” (1925) là “tam kiệt tiểu thuyết” của nhà văn Vũ Trọng Phụng cùng xuất hiện trong năm 1936 – “Số đỏ”, “Giông tố”, “Vỡ đê”.

Tính hiện đại của “Tố Tâm” không chỉ ở cách cảm nhận và tái hiện đời sống trong tính “chưa hoàn tất” như đặc trưng tư duy tiểu thuyết quy định, mà còn ở những tìm tòi hình thức nghệ thuật của nó.

“Tố Tâm” có thể coi là tác phẩm mở đầu cho khuynh hướng tiểu thuyết ngắn được xác định như một văn mạch thời hiện đại. “Tố Tâm” với độ dài 80 trang rất hợp thời vì tính chất “phải khoảng” (từ dùng của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu trong công trình “Đến hiện đại từ truyền thống”, bởi: “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ”).

Tác giả đã vận dụng “phép tỉnh lược” để xây dựng kết cấu tác phẩm khiến cho tiểu thuyết gọn nhẹ và vẫn đảm bảo tối đa công năng thể loại, theo hướng khái quát hóa nghệ thuật đời sống theo chiều sâu. Tiểu thuyết ngắn thường có xu hướng giản lược cốt truyện và nhân vật. Những đặc điểm này thẩm thấu rất rõ trong “Tố Tâm”, sau gần một thế kỷ đọc lại vẫn thấy hiển hiện.

Văn hóa nhà văn

Bìa tiểu thuyết 'Tố Tâm'.

Bìa tiểu thuyết 'Tố Tâm'.

Thế hệ nhà văn trước 1945, có một ưu điểm vượt trội so với thế hệ trưởng thành sau 1945, đó là cái “phông nền” văn hóa rộng và cao. Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho yêu nước, thân phụ từng tham gia phong trào Cần Vương, do gia cảnh mà từ nhỏ Hoàng Ngọc Phách đã được học ở Hà Nội (Trường Bưởi danh tiếng).

Thử hình dung, vào những năm 20 của thế kỉ XX, Hoàng Ngọc Phách tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (khóa 1919 - 1922), khi đó là bậc học vấn cao trong mặt bằng dân trí xã hội.

Sau 1945, Hoàng Ngọc Phách từng ở những vị trí hoạt động quan trọng: Tham gia Ủy ban Nhân dân cách mạng và Hội đồng nhân dân Bắc Ninh, Giám đốc Học khu Bắc Ninh (1945 - 1951), Giám đốc Giáo dục khu XII (1947 - 1948), Giám đốc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (1951).

Từ năm 1954 làm việc tại Ban Tu thư Bộ Giáo dục (chuyên công việc biên soạn sách giáo khoa cho bậc THPT). Từ năm 1959 về làm công tác nghiên cứu tại Viện Văn học. Một tiểu sử, một lí lịch khoa học và văn chương như Hoàng Ngọc Phách, nhất định là bằng chứng sinh động cho một tầm kích văn hóa của nhà văn.

Là người Việt Nam, tất nhiên nhà văn Hoàng Ngọc Phách trước hết phải thấm nhuần văn hóa truyền thống dân tộc. Trong các công trình nghiên cứu, biên khảo của ông chúng ta thấy tác giả rõ ràng nghiêng về vốn văn hóa dân tộc. Nhưng là con người của thời hiện đại, thuộc thế hệ “Tây học”, Hoàng Ngọc Phách tất nhiên cũng “thấm nhiễm văn hóa phương Tây” (Giáo trình văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỉ XX).

Về phẩm tính này của nhà văn Hoàng Ngọc Phách, có thể giải thích được khi chúng ta biết đến cuộc chuyển đổi “hệ hình văn học” diễn ra ở Việt Nam mạnh mẽ và quyết liệt trong ba mươi năm đầu thế kỉ XX, và đạt tới hưng thịnh của quá trình hiện đại hóa văn học vào giai đoạn 1930 - 1945.

Rõ ràng, nhà văn Hoàng Ngọc Phách và thế hệ của ông cùng lúc được thụ hưởng cả hai ngọn gió lành Đông - Tây. Những nhà văn tài năng trưởng thành trong buổi “văn học giao thời” (1900 - 1930) thường vừa đứng vững trên mảnh đất truyền thống Á Đông và dân tộc, vừa mở lòng đón đợi, hấp thu những tinh hoa văn hóa/văn học thế giới, đặc biệt đến từ nước Pháp văn minh.

Văn hóa nhà văn còn thể hiện ở cách ứng xử đối với tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt. Chúng ta đã ghi nhận đóng góp của “Tố Tâm” trong bối cảnh viết văn và đọc văn bằng Quốc ngữ (La-tinh).

Người viết thì theo “Tây học” (rõ nhất và mạnh nhất là ảnh hưởng giáo dục và văn chương Pháp) và công chúng nghệ thuật lúc đó chủ yếu cư dân thành thị (số đông là thanh niên được đào tạo trong nhà trường Pháp - Việt). Từ Quốc ngữ Nôm đến La-tinh là cả một bước tiến dài đối với người Việt Nam trong sự mở rộng nhãn quan về thế giới xung quanh.

Trong Tôn chỉ (gồm 10 điểm) của Tự lực văn đoàn (do nhà văn Nhất Linh khởi xướng), có một tôn chỉ nhấn mạnh: “Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam”. Sự lan tỏa của một cuốn tiểu thuyết như “Tố Tâm”, dĩ nhiên trước hết là do “chuyện” hay, song sau hết phải là “văn” hay (có nhiều nhà văn học theo cách viết của “Tố Tâm”).

Tiếng Việt đến Hoàng Ngọc Phách, trở nên giản dị hơn, quyến rũ hơn. Nam thanh nữ tú nhiều thế hệ vẫn thích học thuộc cái câu kết trong bức thư tuyệt mệnh của nàng Tố Tâm: “Rồi đây, sau khi hương tàn khói tỏa, có lúc nào anh qua chỗ em an giấc ngàn thu này, nhờ anh đề hộ vào gốc cây, tảng đá hay bức tường mấy chữ rằng: Đây là mồ một người bạc mệnh, chết vì hai chữ ái tình”.

Nhà văn Hoàng Ngọc Phách thời trẻ. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Hoàng Ngọc Phách thời trẻ. Ảnh tư liệu.

Nhà văn - nhà giáo Hoàng Ngọc Phách (1896 - 1973, quê xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) “đứng chân” trong nhiều công trình, tiêu biểu như: “Theo dòng” (Tiểu luận, 1941) của Thạch Lam, “Nhà văn hiện đại” (1942) của Vũ Ngọc Phan, “Việt Nam văn học sử yếu” (1943) của Dương Quảng Hàm, “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại” (1974 - 1975) của Phan Cự Đệ, Giáo trình văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỉ XX (Chủ biên: Trần Ngọc Vương, 2010)...

Số lượng trước tác của nhà văn Hoàng Ngọc Phách không nhiều so với các nhà văn Việt Nam hiện đại, gồm: “Tố Tâm” (tiểu thuyết, 1925), “Thời thế văn chương” (1941), “Đâu là chân lý” (truyện ký và luận thuyết). Một số công trình khảo cứu, chú giải văn chương sau 1945, gồm: “Giai thoại văn học Việt Nam” (1954), “Văn thơ Nguyễn Khuyến” (1957, soạn chung), “Cung oán ngâm khúc” (1957), “Chèo và tuồng” (1958);

“Sơ tuyển văn thơ yêu nước và cách mạng” (4 tập, 1958, soạn chung), “Thơ văn Nguyễn Công Trứ” (1959), “Khảo luận về Nhị Độ Mai” (1959). Một số hồi ký của nhà văn: “Chuyện Trường Bưởi”, “Chuyện trường Cao đẳng Sư phạm” (1989). Đời văn của Hoàng Ngọc Phách được tinh tuyển trong “Tuyển tập Hoàng Ngọc Phách” (1989).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ