Ông Nhiệm khuyến học
Về thị trấn Tân Phong (Quảng Xương, Thanh Hóa) hỏi đến thương binh nặng Lê Bá Nhiệm (77 tuổi) làm công tác khuyến học, có rất nhiều người biết và gọi ông bằng cái tên “ông Nhiệm khuyến học”. Bởi, hơn 30 năm qua, mặc dù chỉ còn 1 cánh tay, chân đi khập khiễng, nhưng ông đã dành tâm huyết của mình để làm công tác khuyến học ở địa phương.
Trong căn nhà khang trang, ngăn nắp ở Tổ dân phố Tân Đoài, thị trấn Tân Phong, chúng tôi được nghe ông Nhiệm tâm sự về quá trình tham gia công tác khuyến học của mình ở địa phương. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, lại khuyết đi cánh tay phải và chân trái bị gãy, nhưng ông Nhiệm vẫn đi lại như “con thoi”.
Đưa bàn tay trái lên nắm vào cánh tay cụt của mình, ông Nhiệm bảo rằng: “Cánh tay phải này tớ gửi lại chiến trường từ năm 1971. Số tớ còn may mắn hơn nhiều đồng đội đấy. Tớ chỉ mất một tay và gãy 1 chân, nhưng đầu óc không bị ảnh hưởng gì. Vì thế, khi về nghỉ chế độ, tớ làm công tác khuyến học và tham gia Ban chấp hành Hội Cha mẹ học sinh (CMHS), để động viên tinh thần học tập của các cháu”.
Ông Nhiệm tham gia công tác khuyến học ở địa phương từ năm 1988 đến nay. Mặc dù có những lúc sức khỏe không được tốt, nhưng không vì thế mà ông bỏ cuộc. Ông bảo rằng, từ khi tham gia công tác khuyến học và Hội CMHS, chưa bao giờ ông có tư tưởng chán nản hay ý định bỏ cuộc nếu vẫn còn sức lực.
“Tớ đã tham gia công tác này tới 26 năm ở Trường Tiểu học và một thời gian dài ở Trường THCS Nguyễn Du (thị trấn Tân Phong). Hiện nay, tớ cũng tham gia ở Trường Mầm non Tân Phong 1.
Thật lòng mà nói, làm công tác khuyến học, khuyến tài và tham gia Hội CMHS không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ, nếu người nào không có thời gian rảnh rỗi và có tâm huyết, không thể tham gia”, ông Nhiệm chia sẻ
Cũng theo ông Nhiệm, khi tham gia Hội CMHS và làm công tác khuyến học ở trường, điều cần nhất là Ban chấp hành CMHS phải giữ được quan điểm “Tất cả vì lợi ích của học sinh”, chứ không phải vì điều gì cả. Giữa nhà trường và Hội CMHS phải cùng chung quan điểm, các khoản thu, chi phải rõ ràng, minh bạch và không được “lạm thu”.
“Trước kia, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất ở trường học có nhiều vấn đề chưa minh bạch. Còn bây giờ, liên quan đến huy động xã hội hóa, cũng có nhiều trường không rõ ràng. Có những trường không xây dựng đề án huy động để đầu tư, mua sắm cái gì, mà cứ đặt ra một mức chung chung rồi kéo dài nhiều năm”, ông Nhiệm bộc bạch.
“Làm khuyến học phải bằng cái tâm”
Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Hội nghị “Dự thảo quy định mức thu dịch vụ và tiếp nhận tài trợ đối với các cơ sở giáo dục công lập”, ông Lê Bá Nhiệm được Sở GD&ĐT Thanh Hóa mời dự. Trong Hội nghị này, được chủ tọa mời lên phát biểu, ông đã giãi bày nhiều tâm tư, tình cảm về công tác khuyến học và Hội CMHS nhà trường.
Ông cho rằng, làm công tác khuyến học và tham gia Hội CMHS, phải xác định không phải là “cánh tay nối dài” của Ban Giám hiệu nhà trường. Trong khi đó, có thông tin dư luận lại cho rằng, Hội CMHS là phối hợp với nhà trường để góp phần “lạm thu” đầu năm học. Điều đó là hoàn toàn không đúng. Bởi, theo quan điểm của ông, làm khuyến học, tham gia Hội CMHS là xuất phát bằng cái tâm.
Theo ông, ở địa phương mình còn nhiều gia đình có điều kiện khó khăn, nên việc đóng góp đầu năm học cho các cháu không phải là đơn giản. Khi bước vào năm học mới, câu chuyện về các khoản đóng góp xã hội hóa trong trường học lại được bàn tán xôn xao.
“Chúng tôi là đại diện Hội CMHS trong trường học, nên hiểu được mức đóng góp thế nào là phù hợp với mặt bằng chung của người dân địa phương. Làm sao để hài hòa được giữa cha mẹ học sinh và Ban Giám hiệu nhà trường. Có làm được điều đó, thì người dân mới tin tưởng mà bầu mình lên làm, nhà trường cũng thấy được mình có trách nhiệm”, ông Nhiệm chia sẻ.
Cô giáo Bùi Thị Hợp – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phong I, thị trấn Quảng Xương chia sẻ: “Hiếm có người nào mà làm việc tâm huyết như bác Lê Bá Nhiệm. Hàng năm, mỗi khi bắt đầu nghỉ hè, bác ấy thường đề nghị Ban Giám hiệu, kế toán nhà trường phối hợp với Hội CMHS phải kiểm tra tài sản vật chất cho năm học mới, cần những cái gì, có dự toán hẳn hỏi. Phần nào được Nhà nước hỗ trợ, còn phần nào cần phải kêu gọi phụ huynh đóng góp, lúc đó mới họp bàn và đưa ra họp phụ huynh rộng rãi để kêu gọi”.
Cô Lê Thị Phương – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (thị trấn Tân Phong) cho biết, ông Nhiệm là thương binh nặng, nhưng rất có trách nhiệm với công tác khuyến học ở địa phương. Ông Nhiệm đã gắn bó với công tác này hàng chục năm trời ở các trường học của thị trấn Tân Phong và được mọi người rất quý mến.
“Bác Nhiệm là một người rất nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc. Bác ấy có phương pháp làm việc rất khoa học. Bác ấy sẵn sàng đóng góp ý kiến chân thành, rất đúng nghĩa theo góc độ phụ huynh nhà trường. Thậm chí, bác ấy còn giám sát cả công tác lên lớp của các thầy, cô giáo trong nhà trường. Chúng tôi rất trân trọng và quý mến bác Nhiệm”, cô Phương chia sẻ.
Sau 33 năm làm công tác khuyến học và tham gia Hội CMHS, thương binh nặng Lê Bá Nhiệm đã được Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, Hội Khuyến học huyện... trao tặng nhiều giấy khen về công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương.
Bà NGUYỄN THỊ THU (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương)