Hiện tại ông vẫn tham gia giảng dạy, tư vấn và là Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ em không nơi nương tựa Thành phố Cần Thơ; vẫn tới giảng đường trong vai trò là sinh viên khi đã ở tuổi 80. Đối với ông: “Học không bao giờ là muộn! 81 tuổi - còn sức thì tôi còn học tập và cống hiến”.
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Người thầy thuốc lặng lẽ dốc hết sức mình bằng tất cả tình thương và sự sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh |
Khởi đầu là giảng viên Trường Y tế tỉnh Phú Thọ, ông quyết định rời bảng đen, phấn trắng để hòa mình trong đoàn quân trùng trùng ra trận. 81 ngày đêm đỏ lửa nơi chiến trường Quảng Trị là một ký ức mãi mãi không bao giờ quên trong tâm trí của người lính già năm xưa.
Không giấu được xúc động ông kể: “Khi vào Quảng Trị tôi mới thấy hết được sự khốc liệt của chiến tranh. Tôi và đồng đội đã trải qua nhiều trận đánh dữ dội. Chứng kiến sự ra đi của biết bao đồng chí mà mới vài phút trước thôi còn sát cánh bên nhau. Hỏi có sợ không? – sợ chứ! Nhưng rồi mình phải tập quen với sự khốc liệt ấy, xác định tâm lý cho mình rằng sẽ phải đối mặt với những tình huống xấu nhất mà vững lòng.
Trong mỗi trận đánh, thương vong đối với ta là rất lớn. Người cụt tay, cụt chân, đạn pháo găm đầy mình, máu loang đỏ... Họ đều rất trẻ, những khuôn mặt măng tơ đau đớn và tính mạng nguy cấp chỉ tính bằng giờ. vì thế, với trách nhiệm của một bác sĩ không cho phép tôi được sợ hãi và chùn tay…”
Dù cũng gửi lại chiến trường một phần máu xương, nhưng ông tự nhận mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội khi vẫn còn sống để lại tiếp tục được hành quân và chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt trong giờ khắc thiêng liêng của ngày 30/4/1975 lịch sử.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bác sĩ Sơn lại nhận nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và Campuchia. Hoàn thành nhiệm vụ, ông được giao trọng trách Phó hiệu Trưởng, Tham mưu trưởng Trường Quân y Quân khu 9 huấn luyện đào tạo cán bộ quân y, cán bộ dân y và học viên của nước bạn Campuchia.
Đi ngược chiến trường tìm người thân và đồng đội
Trở về thời bình, bác sĩ Phan Ngọc Sơn vẫn không vơi bớt nỗi nhớ về những đồng đội đã khuất trong đó có người em trai của ông. Dù bận rất nhiều công việc nhưng năm nào cũng vậy, ông vẫn sắp xếp thời gian, khoác ba lô đến chiến trường xưa để tìm hài cốt người thân.
Dựa vào những dữ liệu ít ỏi được các cơ quan chức năng cung cấp, ông đã đi khắp các cánh rừng, bám trụ hàng tuần nhưng vẫn chưa hoàn thành được tâm nguyện với những người thân. Ông bùi ngùi chia sẻ: “Máu xương của những người lính đổ xuống trong các cuộc kháng chiến để đổi lấy cuộc sống tự do cho dân tộc. Tôi may mắn còn sống trở về, luôn ghi nhớ ân tình của những người đồng đội. Những người lính chúng tôi sẽ tiếp tục gánh vác cả những phần việc của những đồng đội đã hy sinh.”
Là sinh viên ở tuổi 80
Cùng các cựu chiến binh thăm lại nghĩa trang Phú Hải, Quảng Trị nơi đồng đội ông yên nghỉ |
81 tuổi, người thầy thuốc ưu tú vẫn chưa ngơi nghỉ, an hưởng tuổi già. Ông vẫn tận tâm, tận lực vì sức khỏe nhân dân. Quyết định làm việc ở Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ em không nơi nương tựa Thành phố Cần Thơ với mong muốn giản dị là được chữa bệnh cho những mảnh đời kém may mắn. Trung tâm gồm các cụ ông, cụ bà tuổi cao sức yếu, không ai chăm sóc và những trẻ mồ côi không nơi nương tựa. 15 năm gắn bó với trung tâm, người thầy thuốc lặng lẽ dốc hết sức mình bằng tất cả tình thương và sự sẻ chia khiến những mảnh đời bất hạnh có thêm điểm tựa và ấm lòng hơn.
Ông luôn tâm niệm: “Các cụ các cháu một nhà/ Nhân viên phục vụ cũng là người thân”. Vừa khám chữa bệnh, vừa làm quản lý, là thành viên hội đồng tư vấn, giảng viên Trung tâm huấn luyện rồi thành viên tích cực trong đoàn Thầy thuốc từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ. Ngày đêm không quản khó khăn, ông lặn lội đến hỗ trợ khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo khó khăn và đồng bào bị lũ lụt…
Thời trai trẻ, người thanh niên Hà Nội miệt mài học tập trên ghế nhà trường, biến ước mơ làm bác sĩ thành hiện thực. Thời chiến cũng như thời bình, 58 năm gắn bó với nghề nhưng đam mê về y học vẫn luôn luôn mãnh liệt trong ông. 80 tuổi ông là sinh viên khoa Chẩn đoán hình ảnh của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và đã tốt nghiệp khóa học Siêu âm tổng quát cơ bản.
Khi được hỏi là một thầy thuốc giỏi được phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú với nhiều đề tài khoa học có giá trị cho y học, vừa chữa bệnh lại tham gia quản lý vậy lý do nào khiến ông vẫn dành thời gian đi học? Ông cười hiền hậu chia sẻ: “Y học luôn là niềm đam mê của tôi. Đối với tôi học chưa bao giờ là muộn!”
Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ năm nay, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Phan Ngọc Sơn vinh dự được dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu thành phố Cần Thơ giai đoạn 2013-2017. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ông không còn nhớ rõ mình chăm sóc cho bao bệnh nhân, cứu sống cho bao nhiêu người. Người lính Cụ Hồ giản dị và khiêm nhường ấy vẫn mong muốn được tiếp tục công việc chữa bệnh cứu người với tấm lòng tận tâm của một bác sĩ - một thầy thuốc ưu tú.