Lớp học tình thương giữa xóm nghèo
Năm nay đã 67 tuổi, ông Nguyễn Hữu Thời vốn là thương binh hạng 3/4. Rời quân ngũ năm 1992, ông trở về quê nhà, tham gia công tác tại địa phương, nắm giữ các vị trí quan trọng trong Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học. Hiện nay, ông vừa là Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ, vừa là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Mỹ Thới.
Những năm tháng mới phục viên, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời cư trú tại khóm Nguyễn Du - một trong những nơi khó khăn nhất của không chỉ phường Mỹ Bình mà có lẽ là cả thị xã (nay là thành phố) Long Xuyên khi ấy. Đây là khu vực tập trung sinh sống của các hộ gia đình lao động nghèo, mưu sinh bằng nghề mua gánh bán bưng, bán vé số, làm phụ hồ… Nhà cửa đều lụp xụp, nằm trong các con hẻm sâu, cũng là “thế giới” của những đứa trẻ bị bố mẹ mải lo cơm áo gạo tiền nên không ngó ngàng gì đến, suốt ngày lang thang tụ tập, ngay miếng ăn cũng không đủ no, manh áo không đủ mặc…
Những hình ảnh ấy cứ diễn ra hàng ngày trước mắt, khiến ông không thể cầm lòng, nhiều đêm trăn trở tìm cách giúp đỡ những đứa trẻ tội nghiệp ấy, cũng là giúp đỡ những gia đình khó khăn trong thế giới bị bỏ quên này. Đến giữa năm 1995, sau khi đã tìm ra ý tưởng khả thi, ông bàn với Trưởng khóm và lãnh đạo phường nên xây dựng một lớp học tình thương giữa xóm nghèo để gom các em về dạy dỗ cho chúng nên người. Mọi công tác vận động, huy động cơ sở vật chất cũng như nhân sự, ông tự đảm nhiệm, chỉ cần chủ trương của lãnh đạo địa phương và nhất là một cơ sở hạ tầng hợp lý để có thể tập trung được các cháu.
Ý tưởng tốt đẹp ấy ngay lập tức nhận được sự tán thành của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân. Khóm Nguyễn Du bố trí cho ông một góc nhà văn hóa của khóm để ông sửa sang lại thành lớp học. Bàn ghế, tập vở cho các cháu học hành được ông vận động các nhà hảo tâm chung tay đóng góp.
Cái khó nhất khi ấy, ông Thời nhớ lại, chính là việc vận động các em đến lớp. Việc học hành hầu như chưa bao giờ xuất hiện trong đầu cha mẹ của những đứa trẻ ấy, khi bản thân họ cũng phần lớn mù chữ; còn lũ trẻ hầu hết cũng lang thang hư hỏng, lấy trò nghịch ngợm làm vui, thậm chí có đứa còn vi phạm pháp luật, có trong “sổ đen” của cơ quan chức năng. Thế rồi mưa dầm thấm lâu, với sự vận động kiên trì của ông cùng một bà giáo đã về hưu, một số gia đình bắt đầu gửi con đến học. Lúc đầu mới chỉ 5 - 6 cháu, đa số còn ở lứa tuổi tiểu học, chỉ vài tháng sau, số trẻ đến xin vào lớp học cứ thế tăng dần, lên 10, 20 rồi đến 50 cháu, với độ tuổi dao động từ 7 – 16 tuổi.
Lan tỏa lòng nhân ái, vun trồng trái ngọt
Sau 23 năm hoạt động không ngừng, với biết bao thế hệ HS được nên người nhờ sự tận tình của người thương binh Nguyễn Hữu Thời và các thầy cô giáo đã nghỉ hưu tận tình đứng lớp. Những thế hệ HS đầu tiên nay đều đã trưởng thành, một số em đã xây dựng gia đình, đa số có việc làm ổn định. Cái đáng mừng hơn với ông Thời là hầu hết các em sau khi vào lớp học, chỉ một thời gian ngắn đã thay đổi tính tình thấy rõ, không còn lang thang chơi bời, nói năng lễ phép, biết hỗ trợ bố mẹ việc nhà. Trong số hàng trăm em đã từng học ở đây, đến nay chỉ có một em vi phạm pháp luật, còn lại đều là những người tốt, tu chí làm ăn.
Hiện nay, phụ trách lớp học là hai bà giáo nghỉ hưu đã lâu, đó là bà Phan Thu Thủy và bà Trần Kim Phượng. Hai bà giáo tự phân công nhiệm vụ, mỗi người mỗi việc để dạy học cho trẻ, với “phụ giảng” tích cực chính là ông Thời. Theo bà Phan Thu Thủy, lớp học hiện nay là “lớp kép” - dạy từ lớp Một cho đến lớp Năm, mỗi em đều có một hoàn cảnh riêng rất đáng thương.
Em thì mồ côi cha mẹ; em từ Campuchia về không có giấy khai sinh; có em gia đình nghèo quá, đến manh quần tấm áo lành lặn cũng không có, quanh năm chân đất… Đáng thương nhất là em Phan Thị Thùy Mỵ, cha bỏ nhà ra đi, mẹ lấy chồng khác khiến em phải chịu cảnh hẩm hiu với bà nội đã cao tuổi… Trước những hoàn cảnh đáng thương ấy, các bà giáo, ông giáo bên cạnh việc dạy chữ, còn cố gắng tìm kiếm nguồn hỗ trợ, lo cho các cháu từ đôi dép, manh áo cho đến bữa cơm tại lớp học, để các cháu yên tâm với con chữ.
Từ góc phòng của nhà văn hóa khi xưa, nay lớp học tình thương, Khóm Nguyễn Du đã là một căn nhà khang trang, do Đoàn khối Dân Chính Đảng UBND phường Mỹ Bình cất tặng và bàn giao đầu năm 2018. Các trang thiết bị trong lớp cũng khá đầy đủ và đúng quy chuẩn của ngành GD, từ bàn ghế, đồ dùng dạy học, điện nước…; do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Các bà giáo hoàn toàn dạy học miễn phí, thậm chí còn lấy tiền nhà đi hỗ trợ trẻ. Bản thân ông Thời hàng hàng đều sử dụng toàn bộ tiền hưởng từ chế độ thương binh và các khoảng đóng góp khác, tổng cộng 5 triệu đồng/tháng để lo cho các cháu. Ngoài ra lớp học còn được sự hỗ trợ và giám sát về chuyên môn của Phòng GD&ĐT TP Long Xuyên...
Cùng với lớp học tình thương, ông Thời còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Ông bà cháu” (ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo) gồm 66 thành viên; cũng là các cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không có điều kiện chăm sóc dạy dỗ. Mục đích của câu lạc bộ là giáo dục các em về đạo đức, về lối sống, rèn luyện các em trở thành những người tốt và có ích cho xã hội. Câu lạc bộ họp định kỳ mỗi năm 4 lần, vào các ngày lễ như: Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, ngày khai giảng năm học mới và Tết Nguyên đán. Mỗi dịp họp mặt đều có quà thưởng cho các cháu, nhất là những cháu tiến bộ.
Ông Nguyễn Hữu Phước - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Mỹ Bình, cho biết: “Việc làm của ông Nguyễn Hữu Thời là hoàn toàn tự nguyện, phát xuất cái tâm và cái tình. Thế nên chúng tôi ai cũng cảm phục và rất ủng hộ, có điều kiện hỗ trợ được gì là ai cũng cố gắng để lớp học được hoạt động tốt hơn, các cháu có điều kiện hơn. Nói thật, nếu không có lớp học tình thương và Câu lạc bộ “Ông bà cháu” của ông Thời thì không biết các cháu bé ấy cuộc sống sẽ về đâu...”.