Ông Lê Văn Ý bị mù một mắt trái, cụt một tay phải và chân phải, cùng nhiều vết thương khác. Từ nhiều năm qua, ông đã giúp đỡ nhiều em học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng được quay trở lại lớp và thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Với những người dân và học sinh nơi đây, ông Ý là “ông Bụt” giữa đời thường…
Tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, ông Ý đã chiến đấu một cách kiên cường, với nhiều chức trách và nhiệm vụ khác nhau như: giao liên, du kích, quân báo... Đến khi bị thương, không còn trực tiếp cầm súng được, ông vẫn tham gia chiến đấu với vai trò cán bộ thông tin, tuyên truyền cách mạng ở địa phương thông qua việc viết bài, sáng tác thơ, ca cổ để đăng tải trên các tập san cách mạng và phục vụ cho đoàn văn công của đơn vị.
Đất nước hòa bình, bằng bản lĩnh của người “bộ đội cụ Hồ”, dù bị nhiều thiệt thòi nhưng ông Ý vẫn tham gia sản xuất để tự lo cho cuộc sống của bản thân. Với khoản thu nhập từ 2,7 công đất trồng dừa và vườn kiểng giá trị cao… đủ “điều kiện” cho ông tìm một người vợ, thế nhưng dù gia đình có nói sao thì ông Ý vẫn không chịu, vì sợ “người ta khổ”.
Cuộc sống dần ổn định, ông Ý lại tiếp tục làm người chiến sĩ thời bình trong cuộc chiến chống “giặc dốt”.
Mặc dù việc đi lại rất khó khăn, nhưng hễ nghe ở đâu có học sinh bỏ học vì nghèo là ông quyết tìm đến cho bằng được, để động viên gia đình và chung tay hỗ trợ, phụ cấp cho các em từ tiền mua tập sách, bút, cặp cho đến quần áo và cả tiền ăn hàng ngày. Đó là số tiền ông Ý dành dụm từ tiền trợ cấp thương binh hàng tháng của mình và hoa lợi từ sản xuất.
Ông Ý kể, vào những năm mới giải phóng, cuộc sống bà con còn khổ, chủ yếu là làm ruộng. Tuy nhiên, vào năm 1978, nạn rầy nâu đã tàn phá toàn bộ diện tích lúa của người dân nơi đây. Phần đông họ phải bỏ xứ, tha phương cầu thực, làm thuê làm mướn để chạy cơm từng bữa.
Chính vì vậy mà việc học của con em họ bị gián đoạn, hoặc các em, các cháu phải theo cha mẹ đi làm ăn xa, đồng nghĩa với việc nghỉ học.
“Thời của mình, sinh ra trong loạn lạc, không có điều kiện để học hành, nhưng giữa thời bình mà để các em phải bỏ học thì đó là trách nhiệm của xã hội và là của bản thân mỗi chúng ta.
Hơn thế nữa, đó là những mầm non, những nhân tài tương lai của đất nước, chúng ta cần phải chăm lo các em được học hành, xóa mù chữ, xóa dốt tới nơi tới chốn để mai này kiến thiết đất nước”, ông Ý nói.
Nghĩ là làm, lúc đó ông dùng hết số tiền có được đồng thời vay mượn thêm để giúp 8 học sinh quay lại trường và đứng ra chu cấp toàn bộ chi phí học tập cho các em.
Việc làm của ông Ý được chính quyền địa phương ghi nhận, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mang ơn, bà con xung quanh quý mến, thế nhưng ông lại không được gia đình ủng hộ.
Từ những lời nói ra nói vào chì chiết, ông bức xúc quyết định “trả” lại mảnh vườn và vườn kiểng cho người anh trai, ra dựng riêng một căn nhà lá ọp ẹp cạnh dòng sông Hàm Luông để ở.
Lâm vào cảnh khó khăn, song chuyện giúp học sinh nghèo vẫn được ông Ý duy trì. Kinh tế không còn như trước, cứ mỗi lần tựu trường ông lại… thiếu nợ vì phải đi vay hỏi để mua tặng sách, xe đạp… cho những “con, cháu” của mình.
Gặp người thương binh “tàn nhưng không phế” trong ngôi nhà tình nghĩa - mà theo chính quyền địa phương nơi đây, họ đã phải “năm lần bảy lượt” năn nỉ, ông Ý mới đồng ý nhận với lí do là “nên nhường cho người khác”, ông Ý nói:
“Tuổi mình già, sống nay chết mai, còn làm được gì giúp ích cho đời, cho xã hội thì mình cố gắng. Nhìn mấy đứa nhỏ được đến trường và trưởng thành là niềm hạnh phúc của bản thân tôi”.
Đến nay, tổng số học sinh mà ông Ý giúp đỡ, hỗ trợ đã lên đến 25 em, trong số này có không ít người đã thành tài quay về giúp đỡ quê hương, như những gì ông Ý mong muốn.
Anh Nguyễn Văn Ẩn, người đầu tiên được ông Ý giúp thời điểm những năm 1980, sau đó tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM, giờ làm việc tại tỉnh Long An, cho biết: “Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, không có tiền đi học, tôi định sẽ nghỉ học để đi làm thuê nhưng may nhờ có ông Tám (ông Ý) giúp đỡ, tôi được quay lại trường và học hành, ra trường đi làm đến ngày hôm nay.
Có thu nhập ổn định, tôi và mẹ có mang ít tiền đến trả ơn ông Tám nhưng ông không nhận mà bảo tôi nên cố gắng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Ơn nghĩa của ông Tám đối với học sinh nghèo và người dân rất sâu nặng. Đây là tấm gương để thế hệ đi sau như chúng tôi noi theo”.
Bà Trần Bạch Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: “Chú Tám đã quên đi lợi ích bản thân để chìa tay giúp đỡ, hỗ trợ học sinh nghèo. Có thể nói, việc làm ấy cũng góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục ở địa phương vì có tác động đến nhiều bậc người lớn cùng làm theo. Dù chiếc áo của chú Tám có sờn, có rách nhưng chú vẫn cố gắng để học trò nghèo nơi đây vẫn được mặc áo mới mỗi dịp tựu trường…”.
Tâm nguyện cuối đời của người thương binh ấy cũng bình dị mà cao quý như chính con người ông: hiến xác cho nghiên cứu khoa học, và Trường Đại học Y Dược TPHCM là nơi tiếp nhận ý nguyện trên.