Người thầy giữ lịch sử bằng… tiền cổ

Người thầy giữ lịch sử bằng… tiền cổ

(GD&TĐ) - Đó là cách gọi mà người thân và những học sinh yêu quý đặt cho thầy giáo trẻ Bùi Tiến Đạt (34 tuổi) hiện đang là giáo viên công tác tại Trường Trung cấp nghề Âu Lạc (TP Huế). Xuất phát từ niềm đam mê sưu tầm tiền cổ, hiện thầy Đạt đang sở hữu một bộ sưu tập quý giá với những đồng tiền mà nhiều nhà sưu tập phải mơ ước.   

Thầy giáo trẻ Bùi Tiến Đạt bên bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam qua các triều đại
Thầy giáo trẻ Bùi Tiến Đạt bên bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam qua các triều đại

Bộ sưu tập độc đáo 

Với hàng nghìn đồng xu cổ từ các triều đại phong kiến Việt Nam cũng như các nước phương Đông như: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… thầy giáo Bùi Tiến Đạt được giới chơi đồ cổ ở TP Huế đánh giá cao về độ tinh tế và am hiểu trong cách sưu tập. Được một người chơi chuyên nghiệp giới thiệu, chúng tôi đến căn nhà nhỏ số 14 đường Tống Duy Tân để được “mục kích” những gì mà nhiều người hâm mộ. 

Anh nói: “trong số hàng nghìn đồng tiền đó, tôi quý nhất là đồng tiền được đúc từ triều Nguyễn - thời Thiệu Trị. Theo nhiều người đánh giá đây là đồng tiền được đúc bị lỗi với chất liệu đồng thau. Tôi mua được nó tại hàng bán đồ cổ vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo (TP Huế)”. Đó là đồng tiền có 2 mặt với 2 niên hiệu khác nhau, mặt trước là “Thiệu Trị Thông Bảo”, mặt sau lại là niên hiệu “Gia Long Thông Bả”. Chính do bị lỗi nên tính quý giá của nó càng được nâng cao, mà theo thầy đến hiện tại chưa ai có. Thầy Đạt cho biết: “nhiều người đã tỏ ý mua lại đồng tiền này với giá hàng chục triệu đồng nhưng tôi kiên quyết không bán”. 

Ngoài ra, anh còn có nhiều đồng tiền “độc” như đồng “Thái Bình hưng bảo” thời Đinh Tiên Hoàng (niên đại 970 - 980), đây là đồng tiền được đúc đầu tiên của Việt Nam. Hay là những xu cổ “Bảo Đại thông bảo” thuộc đời vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. 

Trong mỗi bộ tiền như vậy, anh thường phân loại rõ ràng và được sắp xếp theo trình tự thời gian. Cụ thể, hiện anh có tới hơn 40 loại tiền cổ, riêng bộ tiền triều Nguyễn anh có đến 9 loại, hay anh có đầy đủ tiền cổ các triều đại như: Đinh, Lý, Trần, Lê… Và các đồng tiên không chính triều của các lãnh chúa cát cứ một thời như tiền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. 

Bộ tiền xu cổ của các triều đại phong kiến được trình bày chỉn chu và cất giữ rất cất thận.
Bộ tiền xu cổ của các triều đại phong kiến được trình bày chỉn chu và cất giữ rất cất thận.

“Bố là người truyền đam mê cho tôi…” 

Hàng ngày, ngoài giờ lên giảng đường, thầy giáo trẻ Bùi Tiến Đạt tranh thủ đi khắp nẻo phố để “săn lùng” tiền cổ. Nghe đâu có người vừa nhặt được đồng tiền hiếm dù xa tới mấy, hay trong túi không đủ tiền anh cũng vay mượn để mua bằng được. Với anh niềm đam mê như đã “ăn sâu” vào máu. Khi được hỏi về động lực nào thôi thúc anh, anh nói: “với tôi sưu tầm tiền cổ không chỉ là một thú vui, thói quen mà đó là một nhiệm vụ. Nhiệm vụ phải hoàn thành tâm nguyện đang dang dở của cha tôi. Cha là người đã truyền đam mê cho tôi”. 

Anh sinh ra trong một gia đình gia giáo, cha anh là một chuyên gia sưu tầm tiền cổ có tiếng ở Huế. Thuở nhỏ, anh thường được cha dẫn đi khắp nơi để kiếm tìm những đồng xu đã ngã màu thời gian đó. Anh kể, cứ mỗi lần có một đồng xu mới tìm được, bố anh lại trân trọng, nâng niu rồi đặt trong tủ kính hẳn hoi. Thấy thế tôi mới hỏi: “tại sao cha lại sung sướng đến vậy”, rồi ông diễn giải cho tôi về ý nghĩa, lịch sử hình thành cũng như vẻ đẹp trong mỗi đồng tiền. 

Đồng tiền “Thiệu Trị Thông Bảo” bị đúc lỗi độc nhất vô nhị.
Đồng tiền “Thiệu Trị Thông Bảo” bị đúc lỗi độc nhất vô nhị.

“Lớn lên tôi mới thấy những gì cha tôi bỏ công sưu tập thật sự là một công việc thấm đẫm giá trị”. Nói đoạn anh bỗng trầm giọng: “cha tôi ra đi khi mọi dự tính đang dang dở. Vì vậy tôi phải tiếp tục công việc của ông, giữ những đồng tiền để giữ lịch sử và văn hóa của dân tộc”. Năm 1996, thầy giáo Bùi Tiến Đạt bắt đầu công việc sưu tầm. 

Anh thường lang thang qua các sạp đồ cổ trong thành phố để tìm mua những đồng tiền lạ, hoặc những đồng tiền đang còn thiếu. Anh từng đi khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam để mong mua bằng được một xu tiền. Vì đam mê, anh phải thường xuyên vay mượn tiền của người thân và bạn bè, anh nói: “khi may mắn bắt gặp một đồng tiền quý giá, dù đắt đến mấy tôi cũng mua, nếu mình chậm tay sẽ lỡ ngay”. 

Giữ lịch sử bằng những gì có thể 

Với nhiều người, những đồng xu có vẻ vô tri vô giác đó chỉ là miếng sắt phế liệu không đáng phải bỏ tiền ra mua. Nhưng với thầy giáo trẻ Bùi Tiến Đạt, một đồng xu là mỗi một linh hồn, chứa đựng trong đó biết bao bài học mà các bậc tiền nhân phải kỳ công, phải đấu tranh để đúc ra nó. Đã không ít lần mẹ anh phàn nàn vì anh bỏ tiền túi ra để mua quá nhiều tiền cổ tưởng chừng như vô nghĩa đó, trong khi lương bổng của anh thì rất hạn hẹp. Nhưng bằng niềm đam mê cháy bỏng của mình, anh đã thuyết phục và nhận được sự ủng hộ từ bà.

Đồng Ngũ Thụ của Trung Quốc
Đồng Ngũ Thụ của Trung Quốc

Những đồng tiền cổ luôn được anh nâng niu như một báu vật, tỉnh thoảng anh lại đem ra lau chùi, chống gỉ. Nhìn những đồng xu được trưng bày trên kệ, người xem không khỏi thán phục về mức độ am tường của anh. Trong số đó, anh đầu tư thời gian vào sắp xếp tiền cổ từ thời Đinh đến triều Nguyễn, đặc biệt là bộ tiền nhà Lê và nhà Nguyễn. 

Anh tâm sự: “tôi thường đem những hiểu biết của để chia sẻ cho mọi người xung quanh, nhất là các học sinh mà hàng ngày mình thường tiếp xúc. Và rất được mọi người yêu thích. Bạn trẻ ngày nay rất ít quan tâm đến lịch sử, tôi chỉ mong rằng, mỗi đồng tiền là mỗi bài học sinh động về trực quan để qua đó, các bạn trẻ cùng tìm hiểu và thêm tự hào về lịch sử nước Việt”. Ngoài ra, để những người quan tâm có thêm hiểu biết về lịch sử các nước châu Á, trong bộ sưu tập của anh còn có nhiều đồng quý và cổ như: Ngũ Thụ, Bán Lạng (Trung Quốc). 

Giới chơi đồ cổ ở Huế vẫn thiếu thốn một sân chơi quy tụ, mang tính chuyên nghiệp. Cho nên, dù bận bịu công việc dạy học, anh vẫn vận động với các bạn chơi xúc tiến thành lập câu lạc bộ tiền cổ để có chỗ sinh hoạt. Qua đó có thể bổ sung kiến thức và kinh nghiệm cho các thành viên cũng như các bạn trẻ có đam mê. Anh trăn trở: “để làm được việc đó không dễ, nhưng tôi hy vọng rằng với mục đích phát hiện và gìn giữ những đồng tiền cổ mang trong mình các giá trị văn hóa lịch sử của đất nước còn vương sót đâu đó trong dân gian, các bạn trẻ sẽ chung tay lập ra nó”. 

Bài, ảnh: Hoàng Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ