Người thầy đồng hành cùng học sinh tuổi mới lớn

GD&TĐ - Trước khi đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (Đà Nẵng), thầy Phạm Đình Kha là đồng tác giả của bộ tài liệu giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản được đánh giá có tính sáng tạo và tương tác cao.

Thầy Phạm Đình Kha, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (bìa phải) trao thưởng cho HS có thành tích xuất sắc trong học tập
Thầy Phạm Đình Kha, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (bìa phải) trao thưởng cho HS có thành tích xuất sắc trong học tập

Rút ngắn khoảng trống giữa tuyên truyền và hiểu biết

“Thế giới tuổi hoa” và “Hành trang tuổi hồng” là 2 bộ tài liệu về giáo dục giới tính – tình dục – sức khỏe sinh sản được sử dụng trong các trường học ở Đà Nẵng cho HS từ lớp 6-12. Đây là một giáo trình có tính sáng tạo và tương tác cao, dễ sử dụng đối với cả GV và HS thông qua các bài trình chiếu có minh họa, trò chơi.

Thụ hưởng chương trình, HS không chỉ tiếp nhận các kiến thức cơ bản về giới tính, an toàn tình dục… mà còn được tiếp cận với phương pháp dạy học tích cực thông qua các giờ học đầy sôi nổi và thú vị. Thầy Phạm Đình Kha là đồng tác giả của 2 bộ tài liệu này.

Thầy Phạm Đình Kha nhớ lại: “Năm 2010, khi về Sở GD&ĐT Đà Nẵng đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng phòng Trung học, một trong những nhiệm vụ mới được Ban Giám đốc giao là đưa nội dung giáo dục giới tính – tình dục – sức khỏe sinh sản vào trường học từ lớp 6-12.

Ở thời điểm ấy, đây là một nội dung khá mới mẻ. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, viết đề án và tìm đối tác để thực hiện, tôi nhận thấy rằng, các nước phát triển đã xây dựng chương trình này từ bậc Tiểu học. Trong khi đó, ở Việt Nam, các kiến thức này chủ yếu tích hợp vào chương trình môn Sinh học với thường lượng rất ít”.

Học sinh Trường THPT Võ Chí Công tham gia Ngày hội văn hóa dân gian (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid - 19)
Học sinh Trường THPT Võ Chí Công tham gia Ngày hội văn hóa dân gian (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid - 19)

Dự án này sau đó đã được thầy Kha kết nối với Rutgers WPF – tổ chức phi chính phủ Hà Lan về giáo dục giới tính để thuyết minh về đề án và triển khai thí điểm tại Đà Nẵng. Chương trình được thiết kế với sự tham gia của các đối tượng hưởng thụ, bao gồm cả nhà quản lý, GV, HS và phụ huynh. Trao quyền để thanh thiếu niên quyết định an toàn về sức khỏe sinh sản và tình dục là một trong những nội dung chính của dự án Hành trang tuổi hồng.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mọi thứ tốt - xấu được đẩy tran lan trên mạng, trong khi HS là lứa tuổi có nhiều tò mò nên việc thiếu hiểu biết, hoặc hiểu biết không đầy đủ sẽ rất nguy hiểm. Với những trăn trở như vậy, thầy Phạm Đình Kha cho rằng, HS cần được trang bị cho các em kiến thức cơ bản để hiểu, để biết mà giữ gìn.

“Điều quan trọng là chương trình phải dạy và truyền đạt kiến thức như thế nào cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Cái chủ yếu là chúng ta giáo dục hành vi cho HS để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc” – thầy Kha chia sẻ.

Cách tiếp cận này đã đưa lại cho HS cơ hội được giáo dục giới, giới tính, những thay đổi cơ thể trong quá trình dậy thì, cách thức để bảo vệ mình… một cách bài bản, phù hợp với tâm lý độ tuổi.

Thầy Phạm Đình Kha cũng là đồng tác giả của bộ sách Lịch sử Đà Nẵng được sử dụng để giảng dạy trong chương trình chính khóa. Năm 2015, lần đầu tiên, những vấn đề về Hoàng Sa, từ lịch sử của quần đảo cũng như những vấn đề thời sự nóng hổi  liên quan đến tranh chấp trên biển Đông được đưa vào giảng dạy chính thức trong trường học.

SGK Lịch sử Đà Nẵng gồm 2 quyển, với 7 bài rải đều từ lớp 6 đến lớp 9 cho HS bậc THCS và 4 bài dành cho HS bậc THPT. Trong đó, ở bậc THCS, các em sẽ được từ Tổng quan về TP Đà Nẵng, đến các giai đoạn lịch sử của TP, qua các thế kỉ XIV đến sau năm 1975.
Ở bậc THPT, các em học sinh được tìm hiểu nhiều hơn giai đoạn lịch sử Đà Nẵng từ thế kỉ XIX đến nay, với những cuộc đấu tranh gìn giữ, bảo vệ đất nước trong giai đoạn chống Pháp và đánh Mỹ.
Địa danh Hoàng Sa được nhắc đến xuyên suốt quá trình hình thành lịch sử Đà Nẵng, từ giai đoạn đầu mở mang bờ cõi ở thế kỉ XIV, là vùng lãnh thổ thiêng liêng của Đại Việt; qua thời kì đặt dưới sự quản lý của triều Nguyễn, thời Pháp cho đến những thăng trầm từ 1954 - đến nay.

Những kết nối thầm lặng

Năm 2016, thầy Phạm Đình Kha được Sở GD&ĐT bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công. 

Đây là ngôi trường nằm ở địa bàn còn khó khăn tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, nên khi nhận nhiệm vụ, ngoài việc phát triển xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, thầy Kha tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất nhà trường.

Thầy chủ động làm việc với các ban, ngành địa phương và thành phố nhằm ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường. Trước sự tâm huyết của người hiệu trưởng, ngôi trường ban đầu chỉ có 1 dãy nhà 3 tầng gồm 10 phòng học, sau 2 năm, trường đã có đầy đủ các phòng học, phòng bộ môn, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng, sân bóng đá, hồ bơi khang trang...

Đầu năm học 2021 – 2022, thầy Phạm Đình Kha – Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công đã giao cho GV chủ nhiệm các lớp khảo sát mức độ tiếp cận của HS khi triển khai dạy – học trực tuyến.

“Chúng tôi chủ trương trước hết phải huy động nguồn lực từ CB,GV,NV trong trường. Danh sách HS không có đủ phương tiện học trực tuyến được thông báo trong Hội đồng sư phạm. Thầy cô giáo nào có điều kiện đều sẵn sàng hỗ trợ cho HS nhà trường, từ điện thoại thông minh, máy tính bảng đã qua sử dụng. Hoặc thầy cô kết nối với bạn bè, đồng nghiệp… để hỗ trợ cho HS” – thầy Kha chia sẻ cách làm. Chính sự chủ động này đã giúp nhiều HS khắc phục được khó khăn khi học trực tuyến trong một thời gian dài.

Ngoài ra, Trường THPT Võ Chí Công còn nhận được sự tài trợ của Công ty mạng lưới Viettel khu vực II. 10 điện thoại thông minh và 10 sim 4G đã được trao cho những HS chưa có phương tiện học tập.

Trường THPT Võ Chí Công tiếp nhận điện thoại thông minh và sim 4G hỗ trợ HS học trực tuyến từ Công ty mạng lưới Viettel khu vực II
Trường THPT Võ Chí Công tiếp nhận điện thoại thông minh và sim 4G hỗ trợ HS học trực tuyến từ Công ty mạng lưới Viettel khu vực II 

Hàng năm, Trường THPT Võ Chí Công đều xây dựng nguồn Quỹ hỗ trợ cho HS để có thể hỗ trợ đột xuất cho những HS gặp hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng cho HS nỗ lực vươn lên trong học tập…

Thầy Phạm Đình Kha cho biết: “Đầu năm học, nhà trường đều có thư gửi cho phụ huynh HS. Chỉ cần mỗi phụ huynh ủng hộ 15.000 đồng, quỹ đã có “vốn” khoảng vài chục triệu để hỗ trợ cho những HS đặc biệt của trường trong cả năm học”. Những chia sẻ, động viên kịp thời từ nhà trường, thầy cô và bạn bè đã giúp nhiều gia đình HS vượt qua được những giai đoạn ngặt nghèo để yên tâm đến trường học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ