Người thầy dạy Sử trong những căn nguyên của một nghịch lý

Người thầy dạy Sử trong những căn nguyên của một nghịch lý

(GD&TĐ) - Căn nguyên của nghịch lý này có nhiều: Chương trình, sách giáo khoa lạc hậu, phương pháp dạy học khô cứng, thầy dạy kém hấp dẫn… nhưng sâu xa là những vấn đề lớn hơn: xã hội đánh giá không đúng về vị trí của môn Lịch sử - một môn học luôn bị coi là môn phụ, môn học rất khó lập thân, lập nghiệp, nhất là trong một xã hội mà khoa học tự nhiên và công nghệ dường như đang chiếm vị trí độc tôn của nó.

->> Dạy Sử bây giờ...
->> Nhờ cô mà em yêu môn Lịch sử
Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Có thể tất cả những lý giải đó đều đúng, nhưng đâu là căn nguyên quan trọng nhất, trực tiếp nhất của nghịch lý này?

Cần phải khách quan khi nhìn nhận một thực tế: học sinh chỉ chán học Lịch sử, chứ các em không chán lịch sử. Trong nhiều kênh nhận thức lịch sử của học sinh, thì rất tiếc, kênh nhận thức lịch sử bằng con đường đi học là chán nhất, dẫu rằng đây là kênh nhận thức lịch sử chính thống, khoa học, hệ thống, đầy đủ và đáng tin cậy nhất!

Cũng như mọi người, học sinh vẫn thích lịch sử. Bởi họ vẫn thích tiểu thuyết lịch sử, thích phim ảnh lịch sử. Họ vẫn thích nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, của Đặng Thùy Trâm. Họ vẫn thích phim “Chân dung của một con người”, Huyền thoại đường Hồ Chí Minh, vẫn thích “Ván bài lật ngửa” và “Anh hùng Spactacus”…  Họ vẫn rất hào hứng khi đến với các di tích lịch sử, vẫn nghẹn ngào trước Ngã ba Đồng Lộc, trước Thành cổ Quảng trị, trước Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đừng vì một vài kỳ thi điểm kém mà nói học sinh đã “quay lưng” lại với Lịch sử. Họ chỉ chán cách dạy học Lịch sử, chỉ quay lưng lại với kênh nhận thức lịch sử từ học đường, từ hệ thống giáo dục chính thống mà thôi!

Nói đến học đường - trước hết, trực tiếp và chủ yếu - phải nói đến người Thầy. Người Thầy không phải là người duy nhất, nhưng là người chủ yếu và trực tiếp nhất, là “tư lệnh tối cao” trên mặt trận dạy học. Không thể có một đội ngũ học sinh giỏi, nếu ở đó chỉ có những thầy giáo tồi. Không có thầy và thầy giỏi, sẽ chẳng có gì hết.

Trong lĩnh vực dạy học lịch sử, người thầy còn là vị “Chính ủy” của mặt trận giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ học đường. Và để giải quyết bài toán quan trọng này, cùng với việc giải quyết đồng bộ nhiều lĩnh vực liên quan, thì trước hết và chủ yếu, phải tập trung cho đào tạo một đội ngũ giáo viên dạy sử đủ sức làm cuộc cách mạng, nhằm đổi mới căn bản chất lượng dạy học lịch sử hiện nay.

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ